(ĐSPL) - Hiện nay, nhiều văn bản luật ban hành khi đi vào thực tế gần như bị cuộc sống vô hiệu vì các nội dung văn bản xa rời so với thực tế.
Hay có những trường hợp, luật đã có quy định cụ thể, thiết thực nhưng công tác thực thi pháp luật lại không thể áp dụng được trên thực tế. Nguyên nhân được các chuyên gia mổ xẻ từ nhiều góc cạnh...
Tại sao luật đã cấm nhưng không thể áp dụng được!?
Không khó để chỉ ra nhiều văn bản luật ban hành đã trở nên lạc lõng với đời sống thực tế. Như Thông tư số 26/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục 77 công việc phụ nữ không được làm. Theo nhiều người đánh giá, kết quả của cách "làm luật" nặng về lý thuyết mà thiếu sự khảo sát trên thực tế. Hay như Luật Bảo vệ người tiêu dùng ban hành nhưng nhiều quy định trong luật đã không thể đi vào đời sống như quy định "đơn vị bảo hành phải đưa sản phẩm thay thế cho khách hàng sử dụng tạm trong quá trình chờ bảo hành". Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không áp dụng quy định này và cơ quan chức năng cũng không có hướng để xử lý. Tại TP.HCM, người ta đưa ra số liệu là trong hai năm, Hội Bảo vệ người tiêu dùng thành phố chỉ tiếp nhận 150 đơn thư - một con số ít ỏi so với thực tế quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm.
Cũng như Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh được ban hành và có hiệu lực được kỳ vọng là vũ khí hữu hiệu chống lại hiện tượng thoả hiệp về giá giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện bốn hãng sữa lớn nhất ở Việt Nam gồm Vinamilk của nội địa, và ba hãng nước ngoài Mead Johnson Nutrition, Nestlé Việt Nam, Friesland Campina cùng "rủ nhau" tăng giá sữa cho trẻ dưới sáu tuổi khiến người dân rất bức xúc và đang đặt ra vấn đề có hay không bốn doanh nghiệp trên thoả hiệp về giá.
Trong lúc, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra để tìm ra sự thật bốn "ông lớn" của ngành sữa đồng loạt tăng giá, thì nhiều người liên tưởng đến kết quả thanh tra của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) về việc cả ba nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel, đồng loạt tăng giá cước 3G là không có dấu hiệu thoả thuận "bắt tay" làm giá. Và còn cho rằng, đó là kết quả thực hiện chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông. Nhiều người cho rằng, ở góc độ đối chiếu quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11, Luật Cạnh tranh, xác định có dấu hiệu cho thấy nhóm ba doanh nghiệp viễn thông và bốn công ty sữa trên là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường và có dấu hiệu thoả hiệp về giá.
|
Người dân không thực thi pháp luật cũng được coi là một nguyên nhân khiến luật vô hiệu trên trong đời sống (ảnh minh họa) |
Vẫn là sản phẩm của ... lý thuyết
Phân tích về hiện tượng nhiều văn bản luật bị vô hiệu trong đời sống, các chuyên gia cho rằng, mỗi văn bản thường xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau trong đó, nguyên nhân chủ yếu là hiện tượng các nhà "làm luật" nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn.
Trao đổi với báo Đời sống và Pháp luật, ông Huỳnh Chiêu, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu, nguyên Giám đốc sở Tư pháp Vĩnh Long cho rằng: "Quá trình "làm luật" của chúng ta, tuy có khâu lấy ý kiến đóng góp của người dân nhưng đây là khâu yếu nhất trong quy trình "làm luật" hiện nay. Thông thường những nhà "làm luật" ở Việt Nam ít khảo sát thực tế, họ chú tâm đi sâu vào nghiên cứu lý thuyết nên nhiều quy định vênh hẳn với đời sống. Những nhà soạn thảo luật đa phần là những nhà nghiên cứu, kiến thức về luật của họ rất sâu, làm việc tại các trường đại học, học viện. Tuy nhiên, đây lại là những người ít có kinh nghiệm thực tế. Họ chỉ dựa vào lý thuyết hay tham khảo luật của một số nước rồi đem áp dụng vào Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nhiều văn bản luật ban hành có nội dung rất nhân văn, tiến bộ nhưng khi đi vào thực tế thì không thể áp dụng và bị vô hiệu".
Cũng theo ông Huỳnh Chiêu, quy định 77 nghề cấm, phụ nữ không được phép làm là điển hình cho cách làm luật nặng về lý thuyết. Đáng lẽ, trước khi ban hành Thông tư trên, các nhà soạn thảo luật phải xuống tận các doanh nghiệp, những nơi có nữ công nhân đang làm việc để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; Khảo sát xem những nghề đó có phù hợp với phụ nữ hay không? Ban hành quy định thiếu thực tế như vậy, khiến nhiều phụ nữ đột nhiên bị thất nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập. Thậm chí, nhiều nơi không áp dụng được, vì nếu thi hành thì nghiễm nhiên, nhiều công nhân cống hiến lâu năm sẽ bị sa thải.
Những quy định mang tính “gác cổng”
Trong một phát biểu gần đây với báo giới, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chỉ ra rằng, đối với một số luật như Luật Bảo vệ môi trường, không được chấp hành nghiêm trên thực tế là do người thực thi công vụ không nghiêm. Trong Luật Bảo vệ môi trường thì báo cáo đánh giá tác động môi trường là cái barie quan trọng đầu tiên để bảo vệ môi trường mà các dự án phải vượt qua. Nhưng trên thực tế đã có rất nhiều bản báo cáo, đánh giá về tác động môi trường chất lượng kém, mang tính đối phó, không đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật, thậm chí còn được copy, cắt dán cho nhiều dự án khác nhau, thay đổi địa chỉ một cách lộ liễu bởi không thay hết. Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư, nhất là các dự án thủy điện đã không thực hiện đúng và đủ những cam kết trong tác động môi trường về đảm bảo an toàn hồ đập, xử lý sự cố môi trường, trồng rừng thay thế. Đáng lưu ý hơn, Nhà nước chưa hề quy trách nhiệm của người lập, người thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát thực hiện các cam kết trong tác động môi trường nên để xảy ra tình trạng trên. Như thế, sự buông lỏng quản lý và không quy trách nhiệm chính là nguyên nhân làm vô hiệu hóa trên thực tế quy định về tác động môi trường.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/van-ban-luat-vo-hieu-trong-thuc-te-vu-khi-phap-ly-lam-canh-a35857.html