+Aa-
    Zalo

    Vạch trần thủ đoạn của băng nhóm dùng công nghệ cao lừa đảo xuyên biên giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Kịch bản lừa đảo được băng nhóm tội phạm chuẩn bị vô cùng công phu, kỹ lưỡng nhằm mục đích làm cho nạn nhân hoang mang, lo sợ và phải chuyển tiền theo yêu cầu của chúng.

    Kịch bản lừa đảo được băng nhóm tội phạm chuẩn bị vô cùng công phu, kỹ lưỡng nhằm mục đích làm cho nạn nhân hoang mang, lo sợ và phải chuyển tiền theo yêu cầu của chúng.

    Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an phối hợp Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia, tạm giữ 21 nghi can người Thái Lan và Đài Loan.

    Qua điều tra, bước đầu, cơ quan công an xác định cầm đầu đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này là Lin Kuo - Hao (31 tuổi, người Đài Loan). Lin Kuo - Hao cũng bị cơ quan công an tạm giữ trong nhóm 21 nghi can trên.

    Theo đó, Lin Kuo - Hao đã tổ chức tập huấn cho đàn em ở nước ngoài, đa số Hao chọn đồng bọn trẻ tuổi rồi đưa vào Việt Nam giả danh nhân viên công lực lừa đảo chiếm đoạt tiền của người Thái Lan và Đài Loan sinh sống tại TP.HCM. Bên cạnh đó, các nghi can này cũng thực hiện việc rút tiền tại Việt Nam và chia nhau tiêu xài.

    Visa của các đối tượng trong đường dây lừa đảo, được lực lượng Công an Việt Nam thu giữ - Ảnh: Báo Công an TP HCM

    Thủ đoạn tinh vi

    Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng đầu năm 2018, ở Thái Lan và Đài Loan liên tục xảy ra những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân thường là người lao động, nội trợ và một phần nhỏ là người về hưu.

    Các đối tượng lừa đảo trên thiết lập một tổng đài gọi điện trên internet (VoIP). Sau đó thực hiện hàng loạt cuộc gọi tới các thuê bao cá nhân, thuê bao cố định, giả mạo cảnh sát, nhân viên bưu điện, ngân hàng của Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) để hù dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản do chúng chỉ định, kiểm tra hoặc trúng thưởng, đóng phạt. Nạn nhân nào nhẹ dạ, chuyển tiền đều bị chúng chiếm đoạt.

    Cùng thời gian này, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao liên tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, rà soát hạ tầng an ninh mạng trong nước để đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Công an Việt Nam đã phát hiện một số đầu tổng đài VoIP lạ, nghi vấn thực hiện hoạt động phạm pháp.

    Mở rộng điều tra, nhà chức trách xác định chủ sở hữu của chúng là những đối tượng người nước ngoài đến từ Thái Lan và Đài Loan.

    Qua trao đổi thông tin với Cảnh sát hoàng gia Thái Lan, lực lượng chức năng Việt Nam biết được một trong các đầu tổng đài VoIP do nhóm hacker chuyên nghiệp điều khiển. Nhóm tội phạm này đã thực hiện hàng nghìn cuộc gọi lừa đảo người dân Thái Lan, ước tính thiệt hại lên đến hàng triệu USD.

    Đối tượng bị bắt giữ trong vụ án - Ảnh: Công an Nhân dân

    Thuê căn hộ cao cấp để lừa đảo

    Sau khi xác định tụ điểm hoạt động của các đối tượng, ngày 24/8, tổ công tác của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp Công an TP HCM tiến hành kiểm tra các địa điểm nghi vấn các đối tượng hoạt động.

    Kết quả kiểm tra đã phát hiện, bắt quả tang tại 2 căn hộ thuộc một khu chung cư cao cấp có 14 đối tượng (13 đối tượng quốc tịch Thái Lan, 1 đối tượng quốc tịch Đài Loan) đang sử dụng tổng đài VoIP thực hiện các cuộc gọi về Thái Lan để lừa đảo.

    Qua khai thác nhanh, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời khai nhận còn 7 đối tượng (6 đối tượng quốc tịch Thái Lan, một đối tượng quốc tịch Đài Loan) trong băng nhóm đang lẩn trốn.

    Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ khi các đối tượng đang trên đường di chuyển để xuất cảnh khỏi Việt Nam.

    Trong vụ án này, các đối tượng người Đài Loan đứng vai trò cầm đầu, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của nhóm đối tượng người Thái Lan hoạt động lừa đảo.

    Phương tiện, thiết bị các đối tượng sử dụng cũng khác hoàn toàn so với các vụ án phát hiện trước đây. Các đối tượng sử dụng phần mềm chuyên dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các cuộc gọi VoIP thay vì phải thiết lập tổng đài và sử dụng máy bàn để thực hiện cuộc gọi.

    Do vậy tính cơ động của nhóm đối tượng này rất cao, chúng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Kịch bản lừa đảo cũng được các đối tượng chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, công phu để làm cho người bị gọi điện hoang mang lo sợ khi bị cơ quan công an điều tra nên đã chuyển tiền theo yêu cầu của chúng.

    Sáng 28/8, thượng tá Lê Xuân Minh, Phó cục trưởng A05, cho biết Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an đề xuất bàn giao 21 nghi can trong đường dây nói trên cho cảnh sát hoàng gia Thái Lan và cảnh sát Đài Loan để tiếp tục điều tra.

    Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước cũng liên tục xảy ra các vụ lừa đảo bằng hình thức tương tự, nhiều bị hại cũng nhận được các cuộc gọi mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án để đe doạ, yêu cầu chuyển tiền sau đó chiếm đoạt, có vụ bị hại bị lừa đảo hàng tỷ đồng.

    Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo mọi người hết sức cảnh giác trước thủ đoạn gọi điện thoại mạo danh Công an, Viện kiểm sát, toà án để thực hiện hành vi lừa đảo, có ý thức nhắc nhở đối với những người trong gia đình ít tiếp cận đài báo, thông tin, nhất là đối với những người lớn tuổi, cán bộ hưu trí, người nội trợ.

    Tất cả những cuộc gọi xưng danh các cơ quan công an, viện kiểm sát để yêu cầu chuyển tiền đều là các cuộc gọi lừa đảo, cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn này của các đối tượng.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vach-tran-thu-doan-cua-bang-nhom-dung-cong-nghe-cao-lua-dao-xuyen-bien-gioi-a242259.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan