Mẹ bầu uống nước dừa hàng ngày có tốt không?
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y tế công cộng cho biết, nước dừa có 95,5% là nước, còn lại là các chất khoáng như phốt pho (0,56%), canxi (0,69%), kali (0,25%), magiê (0,59%), sắt (0,5%), vitamin C, vitamin B...
Trong đó, các khoáng chất giúp bồi phụ điện giải và các vitamin có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch giúp người bị bệnh phục hồi nhanh chóng hơn. Nước dừa là thức uống tự nhiên không chứa chất béo. Đặc biệt, nước dừa non chứa nhiều chất khoáng nên có thể sử dụng trong mùa hè do ra nhiều mồ hôi hoặc trong các trường hợp bị mất nước để bù chất điện giải.
9 lợi ích sức khỏe của nước dừa cho mẹ bầu
Có khả năng lợi tiểu tự nhiên:
Nước dừa được coi là một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên do sự hiện diện của kali, magiê và các khoáng chất khác. Chúng hỗ trợ loại bỏ các chất độc và làm sạch đường tiết niệu. ngăn ngừa hình thành sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Chứa các chất điện giải thiết yếu:
Trong thời kỳ mang thai, các tình trạng như ốm nghén có thể gây nôn nhiều dẫn đến tình trạng mất nước nên cần bù các chất điện giải. Nước dừa cung cấp tất cả 5 chất điện giải thiết yếu: natri, canxi, kali, magiê và phốt pho. Những chất điện giải này cũng duy trì mức độ pH cơ thể và kiểm soát mức huyết áp của mẹ bầu.
Đối với chứng ốm nghén, uống nước dừa trong ba tháng đầu có thể giúp mẹ bầu giảm bớt cảm giác buồn nôn.
Giúp giảm chứng ợ nóng và táo bón:
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể dẫn đến một số vấn đề như ợ nóng, táo bón và khó tiêu. Nước dừa giúp tăng bài tiết nước tiểu nên giúp hỗ trợ giải độc cơ thể. Nước dừa là một chất trung hòa axit tự nhiên và do đó có thể ngăn ngừa chứng ợ nóng. Hàm lượng chất xơ đáng kể trong nước dừa còn giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa, điều chỉnh độ pH, duy trì cân bằng chất lỏng và ngăn ngừa táo bón.
Tăng sức đề kháng:
Nước dừa có một lượng đáng kể chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường khả năng miễn dịch và chống nhiễm trùng. Nó cũng chứa axit lauric, một axit béo chuỗi trung bình chịu trách nhiệm sản xuất hợp chất kháng khuẩn mạnh monolaurin.
Hỗ trợ duy trì sức khỏe tim mạch:
Uống nước dừa còn cải thiện nồng độ kali, magiê và axit lauric do đó tốt cho sức khỏe tim mạch. Nó cũng cải thiện lượng cholesterol tốt và chống lại cholesterol xấu để duy trì sức khỏe tim mạch.
Hỗ trợ duy trì cân nặng hợp lý:
Nước dừa ít chất béo và ít calo, hàm lượng đường thấp (2,08g/100g nước dừa). Vì vậy, uống nước dừa là một lựa chọn thay thế tốt cho đồ uống có đường, giúp tăng cân hợp lý khi mang thai. Khi mang thai, mẹ bầu sẽ tăng thêm trọng lượng, nước dừa có thể giúp kiểm soát việc tăng cân phù hợp thông qua kiểm soát tổng lượng calo tiêu thụ và kiểm soát cơn đói.
Cải thiện lượng nước ối:
Nước dừa là thức uống ngon, tự nhiên và không chứa gluten, không có hương vị nhân tạo hoặc các thành phần gây hại. Khi mang thai, bà mẹ có nhu cầu nước nhiều hơn, uống nước dừa tươi giúp mẹ bầu không những giải tỏa được cơn khát mà còn giúp tăng lượng nước ối, tăng cường thể tích và tuần hoàn máu.
Giảm nguy cơ tăng đường huyết:
Chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến sự gia tăng lượng đường trong máu sau ăn. 100g nước dừa có 2,08 gam đường, ít hơn so với các loại nước có đường khác. Một chế độ ăn ít đường đơn sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Do đó, hàm lượng đường trong nước dừa an toàn cho mẹ bầu.
Có thể giúp thai nhi phát triển:
Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước dừa có chứa một số hợp chất có hoạt tính sinh học và các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, nước dừa cũng cung cấp một số chất dinh dưỡng thiết yếu cho người mẹ được cho là giúp ích cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.
Uống nước dừa giúp con sinh ra trắng trẻo?
Theo Vnexpress, hiện chưa có bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai uống nước dừa sẽ sinh con có da trắng trẻo. Về mặt dinh dưỡng, nước dừa chứa nhiều vitamin A, E, canxi, kali, clorua... giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần lưu ý trước khi bổ sung nước dừa vào chế độ dinh dưỡng. Ở tam cá nguyệt thứ nhất, thai phụ nên hạn chế uống nước dừa do cơ thể thay đổi về nội tiết tố, sức khỏe của thai nhi chưa ổn định. Nước dừa có tính hàn, làm mát toàn thân nên dễ khiến tụt huyết áp và làm gân, cơ của người mẹ yếu đi; thậm chí gây đầy bụng, ốm nghén nặng.
Từ tháng thứ 4 trở đi, thai phụ nên uống nước dừa non, tươi, lấy trực tiếp từ quả dừa, uống vào sáng sớm hàng ngày. Không thêm đường, tránh uống khi đói hoặc trước bữa ăn 30 phút. Mỗi ngày uống tối đa hai cốc, nên chia làm nhiều cốc nhỏ, tránh uống hết cùng một lúc.
Thai phụ không nên uống nước dừa vào buổi tối do nhiệt độ ngoài trời thấp, ảnh hưởng sức khỏe mẹ và em bé. Sản phụ không nên ăn thêm thực phẩm giàu đường hoặc tinh bột sau khi đã uống nhiều nước dừa.
Lượng nước dừa được khuyến cáo không tăng lên khi trời nắng nóng vào mùa hè. Lý do là lạm dụng hoặc uống trong thời gian dài sẽ gây tăng đường huyết và kali máu, dư ối, đa ối, tăng cân nặng của thai nhi quá mức. Ngoài ra, thai phụ không uống nước đã để qua đêm, có vị lạ.
Mọi người cũng không nên uống nước dừa trước khi đi ngủ do gây lợi tiểu, tiểu đêm, ảnh hưởng giấc ngủ, không sử dụng nếu có nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Để đạt lợi ích sức khỏe tốt nhất, phụ nữ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung nước dừa vào chế độ ăn.
Thời điểm uống nước dừa tốt nhất trong ngày
PGS. TS Nguyễn Thanh Hà cho biết, nước dừa tuy có nhiều lợi ích, nhưng mẹ bầu cũng nên uống đúng cách. Lưu ý do nước dừa có tính hàn, dễ gây lạnh bụng nên nếu mẹ bầu thấy có dấu hiệu đầy bụng, tiêu chảy… thì nên dừng lại.
PGS. TS Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo, mặc dù nước dừa tốt cho mẹ bầu nhưng không nên lạm dụng uống quá nhiều, mỗi ngày nên uống khoảng 1 ly nước dừa, thời điểm tốt nhất để uống là vào buổi sáng, khi đó các chất dinh dưỡng và chất điện giải dễ hấp thụ nhất.
Không nên uống nước dừa trước khi đi ngủ, vì nước dừa lợi tiểu sẽ làm tăng nhu cầu đi tiểu và có thể ảnh hưởng giấc ngủ của mẹ bầu. Mẹ bầu trong giai đoạn nghén hoặc có các dấu hiệu về huyết áp hoặc có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong giai đoạn mang thai nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ khi sử dụng nước dừa.
Thùy Dung(T/h)