Thực hư việc uống bia đào thải nồng độ cồn về 0 nhanh hơn rượu
VietNamNet dẫn lời PGS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay: Bia là một loại đồ uống được sản xuất bằng cách lên men đường và lúa mạch. Nồng độ cồn trong bia thường dao động từ khoảng 3% đến 12%. Bia thường có nồng độ cồn thấp hơn so với rượu và có thể có nhiều loại mùi vị khác nhau tùy thuộc vào loại bia, quá trình sản xuất và thành phần nguyên liệu.
Rượu là một loại đồ uống có cồn phổ biến được sản xuất bằng cách lên men đường và trái cây hoặc ngũ cốc khác nhau như nho, lúa mạ, lúa mì, lúa mạch, và ngô. Nồng độ cồn trong rượu thường cao hơn so với bia, và có thể dao động từ 10% đến hơn 20% theo thể tích. Rượu thường có hương vị và mùi thơm đặc biệt tùy thuộc vào loại trái cây hoặc ngũ cốc được sử dụng để sản xuất.
Tốc độ đào thải nồng độ cồn về 0 không phụ thuộc vào loại đồ uống (bia hay rượu) mà chủ yếu phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ cồn và sức khỏe của từng người. Tuy nhiên, vì rượu thường có nồng độ cồn cao hơn nên nếu bạn tiêu thụ cùng một lượng cồn (ví dụ: 450ml bia có nồng độ 5% cồn và 150ml rượu có nồng độ 12% cồn), cơ thể của bạn sẽ phải đào thải một lượng cồn lớn hơn khi uống rượu. Điều này có thể làm cho tác động của rượu trở nên mạnh hơn và kéo dài thời gian cồn duy trì trong cơ thể của bạn.
Tốc độ đào thải cồn thường được ước tính là khoảng 0,015 đến 0,020 gram cồn trên 100 ml máu mỗi giờ. Tuy nhiên, tốc độ này có thể biến đổi dựa trên nhiều yếu tố như cân nặng, giới tính, sức khỏe tổng thể, và lịch sử tiêu thụ cồn.
Lưu ý, bia và rượu có ảnh hưởng khác nhau đến gan và sức khỏe, chủ yếu do sự khác biệt về nồng độ cồn và thành phần hóa học.
Thành phần hóa học: Bia và rượu chứa các chất hóa học khác nhau ngoài cồn. Ví dụ, bia chứa nhiều loại acid hữu cơ và các hợp chất khác, trong khi rượu chứa các thành phần từ trái cây hoặc ngũ cốc. Các thành phần này có thể tác động khác nhau đến gan và sức khỏe. Ví dụ, một số thành phần trong bia có thể gây kích ứng da hoặc dẫn đến vấn đề sức khỏe khác, trong khi rượu có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa và hệ thần kinh.
Lưu ý: Không bao giờ lái xe, không nên tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự tập trung khi đang trong tình trạng say rượu hoặc có cồn trong máu. Để đảm bảo sức khỏe tốt, quan trọng hơn hết là bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh và cân nhắc khi tiêu thụ cồn.
Cách giúp bạn giảm nồng độ cồn về 0 nhanh chóng khi đi uống rượu, bia
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ trên VTC News, để giảm nồng độ cồn trong hơi thở nhanh nhất, giúp giao tiếp thoải mái hơn sau khi uống rượu bạn có thể áp dụng các mẹo dưới đây:
Uống nhiều nước
Sau uống rượu bạn nên uống nhiều nước là biện pháp đơn giản nhưng khiến bạn cảm thấy dễ chịu, nhanh đào thải cồn trong máu.
Ăn hoặc uống nươc ép hoa quả
Sau khi uống rượu, bạn nên ăn một vài trái quýt hoặc ép trái quýt lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu. Hoặc bạn có thể dùng một quả chanh tươi, vắt lấy nước cho uống, thái mỏng ăn luôn cả quả.
Giải rượu với rau má
Bạn dùng 100g rau má tươi, 2 quả chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối. Mỗi lần uống 150-300ml.
Dùng vỏ quýt phơi khô
Vỏ quýt phơi khô trong đông y còn gọi vị thuốc trần bì. Bạn dùng 30g vỏ quýt khô và sao thơm tán vụn, mơ chua 2 quả bỏ hạt thái vụn. Hai vị đem sắc nhỏ lửa với 360ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống. Bạn có thể sử dụng thêm gừng tác dụng nhanh hơn.
Không để bụng rỗng, ăn nhiều rau xanh
Bác sĩ Vũ chia sẻ, khi uống rượu, bạn nên ăn đầy đủ, không để bụng rỗng, ăn thật nhiều rau xanh để làm loãng nồng độ cồn trong rượu.
Quá trình uống rượu nên uống từ từ, kết hợp trò chuyện để giảm lượng rượu uống cũng như đào thải bớt cồn trong hơi thở. Việc uống rượu từ từ, sẽ giảm kích ứng niêm mạc miệng dạ dày, gan kịp oxy hóa giải độc.
Khi uống rượu, bạn tuyệt đối không được pha rượu với nước tăng lực, nước ngọt hay uống bia và rượu cùng lúc vì sẽ gây hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nước tăng lực gây tỉnh táo giả, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khoẻ.
"Cách tốt nhất để giảm nồng độ cồn trong máu của bạn là uống ít rượu hơn", bác sĩ Vũ nói.
Thùy Dung(T/h)