Hãng thông tấn Tass đưa tin, ngày 20/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói trong cuộc thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin rằng Ukraine đã tập hợp 4 lữ đoàn tại khu vực Krynki nhằm đột phá hệ thống phòng thủ của Nga. Từ đó Kiev muốn thúc đẩy một cuộc tấn công về phía bán đảo Crimea.
"Krynki đã được lên kế hoạch trở thành điểm đột phá chính, và 4 lữ đoàn thuộc Thủy quân lục chiến số 30 của Ukraine đã được tập hợp ở đó. Đây là những đơn vị được trang bị tốt, huấn luyện kỹ lưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ với hy vọng tạo ra bước đột phá, tạo nền tảng cho hoạt động tiến xa hơn nữa, và triển khai lực lượng của Ukraine", ông Shoigu cho hay.
Cùng ngày, trong một buổi phỏng vấn với Tổng biên tập Tass Mikhail Petrov, Bộ trưởng Shoigu tiết lộ cũng thêm rằng, kế hoạch đưa các lực lượng Ukraine tới Biển Azov đã được những chuyên gia từ Ba Lan và các nước Baltic xây dựng.
“Đối phương được cho sẽ tiếp cận Biển Azov, cắt đứt hành lang tới Crimea. Kế hoạch này do một đội đặc nhiệm xây dựng. Đội này đã được thành lập, và vẫn đang hoạt động ở các nước lân cận là Ba Lan và vùng Baltic", ông Shoigu cho hay.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 21/2 cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Brazil O Globo rằng nước này sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, ông cho rằng phương Tây và Kiev vẫn kiên định với công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra.
Ông Lavrov nhấn mạnh để đàm phán hòa bình có thể diễn ra, Ukraine cần dỡ bỏ lệnh cấm đối thoại với Nga mà họ đã đặt ra trước đó. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài và trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa hai bên.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý.
Nga cũng từng nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra cuối năm 2022.
Phương Uyên(Theo Tass)