Tên lửa đạn đạo ATACMS
Tờ Vedomosti của Nga cho biết, Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã nhận được một số hệ thống tên lửa tầm xa của phương Tây, nhưng với yêu cầu "không được phép sử dụng để tấn công những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga". Ukraine hiện đang tích cực yêu cầu phương Tây dỡ bỏ hạn chế này.
Những loại vũ khí quan trọng gồm tên lửa đạn đạo ATACMS phóng từ mặt đất của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG phóng từ trên không của Pháp-Anh, được chuyển giao cho Kiev từ năm 2023.
ATACMS của Mỹ là tên lửa chiến thuật đất đối đất, sử dụng nhiên liệu rắn, do Lockheed Martin phát triển vào những năm 1980 nhưng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991.
ATACMS là phiên bản được cải tiến từ MGM-140, MGM-164 và MGM-168 (trong các container phóng chúng được ghi là M39, M48 và M57). Phiên bản dành cho “bộ binh” được phóng từ bệ phóng đa năng MLRS M270, cũng như hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M142 HIMARS. 4 xe phóng đầu tiên đã chính thức được chuyển giao cho Ukraine cuối tháng 6/2022 để sử dụng với các tên lửa khác.
Biến thể ATACMS MGM-168, được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 2001, mang đầu đạn phân mảnh nổ mạnh WDU-18/B. Tầm bắn của phiên bản này là 300 km. MGM-164 được đưa vào sử dụng từ năm 2004.
Đầu đạn của ATACMS cũng là loại có sức nổ phân mảnh mạnh WDU-18/B, tầm bắn 300 km, hệ thống dẫn đường “hỗn hợp” (quán tính và GPS) và hơn 500 tên lửa đã được sản xuất. Theo The Wall Street Journal, đợt giao hàng tên lửa ATACMS bí mật đầu tiên với tầm bắn ngắn cho Kiev, không nêu rõ mẫu mã, diễn ra mùa thu 2023.
Tên lửa Storm Shadow/SCALP
Storm Shadow/SCALP là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không do Pháp và Anh phát triển. Tên lửa được thiết kế để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng có giá trị cao, bao gồm căn cứ không quân, hệ thống radar, trung tâm liên lạc và các tài sản chiến lược khác.
Mặc dù vẫn chưa xác định chính xác số lượng tên lửa Storm Shadow được chuyển tới Ukraine nhưng việc sử dụng chúng đã gây ra mối lo ngại nghiêm trọng. Hiện tại, quân đội Ukraine sử dụng máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 đã được cải tiến để phóng các tên lửa này.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, tên lửa có chiều dài khoảng 5,1 mét, sải cánh khoảng 3 mét với tổng trọng lượng khoảng 1.300 kg, mang đầu nổ đa chức năng 450 kg. Storm Shadow được trang bị động cơ phản lực, cung cấp tốc độ tối đa lên tới 1.000 km/h. Tùy vào từng biến thể, tên lửa có tầm bắn từ 250-560 km.
Sau khi được phóng, Storm Shadow sử dụng các hệ thống điều hướng, bao gồm GPS và tham chiếu địa hình, để đi theo đường bay được lập trình sẵn về phía mục tiêu. Tên lửa sử dụng cách tiếp cận tàng hình ở tầm thấp để tránh bị radar phát hiện, bay sát mặt đất để giảm thiểu khả năng hiển thị trên radar của đối phương.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tân Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, Ukraine có quyền quyết định sử dụng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow mà Anh viện trợ với điều kiện "sử dụng phù hợp với luật nhân đạo quốc tế". Theo các nhà quan sát quân sự, tuyên bố của Anh "ngầm" cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công lãnh thổ Nga.
Tên lửa Hành trình Không đối đất Tầm xa Liên quân (JASSM)
Tháng trước, Reuters dẫn lời 3 quan chức Mỹ giấu tên, tên lửa hành trình không đối đất chung (JASSM) được cho là sẽ có trong gói vũ khí viện trợ cho Ukraine được công bố vào mùa thu năm 2024, song Washington chưa đưa ra quyết định chính thức.
Các quan chức cho biết tiến trình chuyển giao tên lửa JASSM có thể mất vài tháng vì Mỹ phải giải quyết một số vấn đề kỹ thuật. Họ kỳ vọng tên lửa JASSM sẽ thay đổi đáng kể cục diện chiến trường khi đặt nhiều vùng lãnh thổ của Nga vào tầm bắn của loại đạn dẫn đường chính xác và có hỏa lực mạnh hơn.
Các nhà phân tích quân sự đánh giá với khả năng tàng hình và tầm bắn xa hơn hầu hết tên lửa Ukraine đang sở hữu, JASSM có thể đẩy lùi các điểm tập kết và kho hậu cần của Nga xa hơn hàng trăm km. Điều này sẽ làm phức tạp khả năng duy trì chiến dịch của Nga, mang lại cho Ukraine lợi thế chiến lược.
Nếu Ukraine phóng JASSM từ các điểm gần biên giới phía bắc, thì tên lửa có thể tiếp cận đến các cơ sở quân sự trong các thành phố Voronezh và Bryansk của Nga.
Một quan chức Mỹ cho biết họ từng cố gắng tích hợp tên lửa JASSM lên máy bay quân sự mà Ukraine sở hữu. Quan chức này không cung cấp chủng loại cụ thể và kết quả của chương trình. Ukraine đang vận hành tiêm kích MiG-29, Su-27 và cường kích Su-24 thừa hưởng từ Liên Xô.