Hãng tin RT dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 8/10 tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy một khẩu pháo tự hành Caesar do Pháp sản xuất tại Ukraine. Khẩu pháo này được phát hiện tại vị trí bắn ở một khu rừng thuộc vùng Sumy của Ukraine.
Khẩu pháo tự hành này sau đó đã bị một tên lửa, được cho là loại dẫn đường bằng laser Kh-BPLA, bắn đi từ máy bay không người lái tấn công tầm trung và tầm xa (MALE) Inokhodets (Orion) của Nga và bị phá hủy trong tích tắc.
Đoạn phim do quân đội Nga chia sẻ cho thấy một vụ nổ mạnh tại địa điểm xảy ra vụ tấn công, dường như là do vụ nổ thứ cấp của kho đạn pháo. Một số quân nhân Ukraine được nhìn thấy đang chạy khỏi vị trí bắn sau cuộc tấn công.
Cận cảnh pháo tự hành Caesar của Ukraine bị Nga phá hủy. Nguồn: RT
Lực lượng Ukraine đã tích cực sử dụng pháo binh do phương Tây cung cấp, bao gồm cả pháo tự hành Caesar do Pháp sản xuất, trong cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào vùng Kursk của Nga được tiến hành vào đầu tháng 8. Nhiều hệ thống hoạt động trên cả lãnh thổ Nga và vùng Sumy lân cận cuối cùng đã bị phá hủy bởi hỏa lực phản pháo, cũng như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa.
Trận chiến biên giới đang diễn ra ở Kursk đã chứng kiến sự trở lại bất ngờ của máy bay không người lái MALE của Nga trên chiến trường. Cả Kiev và Moscow đều tích cực sử dụng các hệ thống này ngay từ đầu cuộc xung đột, nhưng máy bay không người lái cuối cùng không thể đạt được tầm bắn tối đa vì cả hai bên đều bảo vệ quân đội của mình bằng các hệ thống phòng không, tác chiến điện tử và cảnh báo sớm.
Tuy nhiên, ở khu vực Kursk, tình hình đã thay đổi, với lực lượng của Ukraine dường như thiếu sự bảo vệ phòng không đầy đủ, điều này cho phép máy bay không người lái MALE của Nga tự do di chuyển trên mặt trận và hiện có vẻ như có thể hoạt động sâu vào hậu phương của Ukraine, tấn công cả các mục tiêu ở Sumy.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó, thông tin rằng, kể từ khi bắt đầu giao tranh ở vùng Kursk, Ukraine đã mất hơn 21.250 quân nhân, 136 xe tăng, 66 xe chiến đấu bộ binh, 98 xe bọc thép chở quân, 891 xe chiến đấu bọc thép, 589 xe cơ giới, 177 pháo, 33 bệ phóng tên lửa đa nòng, bao gồm 8 hệ thống HIMARS và 6 hệ thống MLRS do Mỹ sản xuất, 9 bệ phóng tên lửa phòng không, 5 xe vận chuyển và nạp đạn, 45 trạm tác chiến điện tử, 9 radar chống pháo, 3 radar phòng không, 22 thiết bị kỹ thuật và các thiết bị khác, bao gồm 13 xe phá hủy kỹ thuật, 1 đơn vị rà phá bom mìn UR-77 và 3 xe sửa chữa bọc thép.
Theo RT