Dù triển khai nhiều hoạt động nhằm giữ thị phần nhưng kết quả kinh doanh năm 2016 của Vinasun vẫn suy giảm do sự cạnh tranh từ Uber và Grab.
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, CTCP Ánh Dương (Vinasun Corp -VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016.
Theo đó, doanh thu của Vinasun đạt 1.078 tỷ đồng và lũy kế cả năm là 4.519 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với năm 2015. Trong đó, doanh thu từ cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi chiếm 96%, đạt 4.352 tỷ đồng.
Doanh thu tăng nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng theo nên lợi nhuận gộp chỉ còn tương đương năm trước. Trừ đi chi phí, Vinasun đạt lợi nhuận sau thuế 312 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với 329 tỷ đồng của năm 2015.
Như vậy, so với kế hoạch doanh thu khiêm tốn trong năm 2016 là 4.325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 264 tỷ đồng thì Vinasun vẫn hoàn thành mục tiêu, song lợi nhuận của hãng đã bắt đầu suy giảm sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp.
Kết quả kinh doanh của Vinasun đã suy giảm sau nhiều năm tăng trưởng - Ảnh: VNS |
Nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh có phần thụt lùi của Vinasun là vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đơn vị dịch vụ công nghệ như Uber, Grab…
Phân tích của Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho thấy câu chuyện tăng trưởng của Vinasun đã chấm dứt, do tốc độ mở rộng đội xe đã chậm lại, cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ mới gia nhập ngành như Uber và Grab. Ngoài ra còn chiến lược thận trọng trong việc mở rộng vào các thị trường mới chẳng hạn như Hà Nội.
Trong khi đó, năm 2016 giá xăng giảm chủ yếu đem lại lợi ích cho người lái xe chứ không phải công ty.
Cùng đưa tin về vấn đề này, báo VnExpress cho hay, trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4/2016, lãnh đạo Vinasun nhận định thị trường taxi đang bị cạnh tranh quyết liệt. Sự xuất hiện Uber và Grab khiến công ty chịu nhiều thiệt hại, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến việc đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 20% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo Vinasun, công ty đang tái cấu trúc hoạt động và đưa ra nhiều mô hình kinh doanh phù hợp, đa dạng để người dùng lựa chọn. Điển hình là cách đây nửa năm, Vinasun bắt đầu thí điểm sử dụng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ và quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại xe từ 9 chỗ trở xuống. Việc thí điểm được thực hiện ở 8 tỉnh thành, các xe tham gia đề án này không phải gắn biển hiệu và số điện thoại.
Công ty còn cho biết sẽ giảm giá cước để tăng khả năng cạnh tranh, cụ thể dự kiến giá cước bình quân từ 16.000 đồng một km sẽ giảm xuống còn 15.000 đồng và điều chỉnh theo tình hình thực tế. Song song đó, Vinasun phối hợp với các ngân hàng và trung tâm thanh toán để áp dụng chính sách khuyến khích khách hàng thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng.
(Tổng hợp)