(ĐSPL) - Lo lắng vì mất thị phần hành khách, các hãng taxi truyền thống đang liên kết chống tại các hãng taxi online. "Cuộc chiến" xem ra đang khuyết liệt này liệu có thực sự làm nên "cuộc cách mạng" trong việc cải tiến về cách phục vụ và giá cả của các hãng vận tải?
Cuộc chiến giữa uber/grab và taxi truyền thống đang đi vào thời gian khuyết liệt |
Hiệp hội taxi truyền thống "tuyên chiến" với Uber, Grab
Hoạt động của Uber, Grab đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc các hãng taxi truyền thống bị cạnh tranh và mất dần thị phần.Nếu như taxi truyền thống phải chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước thì Grab/Uber được tự do đi từ nơi này đến nơi khác mà không phải dán logo, nhãn hiệu, không có bảng giá, không phải lắp thiết bị cho xe, đồng phục...
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM đã gửi kiến nghị tới bộ trưởng Đinh La Thăng về việc cấm công ty Uber, Grab taxi và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dưới hình thức "taxi trá hình".
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM phát hiểu tại hội thảo |
Trong hội thảo ngày 19/11 về “Hệ lụy của loại hình Uber taxi và Grab taxi và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải và phát triển bền vững” Ông Hỷ cho rằng Uber, Grab taxi đã đang sử dụng mọi "chiêu trò", nhất là áp dụng chính sách khuyến mại "siêu giảm giá", "siêu rẻ", "trợ giá" cho lái xe và chủ xe, chi hoa hồng cho lái xe, chủ xe và người giới thiệu... đẩy các hãng taxi đang hoạt động kinh doanh đúng pháp luật mất dần thị phần và cuối cùng là phá sản.
Cũng trong cuộc hội thảo trên, các đại diện của hãng VIC Taxi Hà Nội cho rằng Grab, Uber đang kinh doanh giống như taxi truyền thống nhưng không phải chịu sự quản lý như các hãng khác. 2 hãng này đang tận dụng nhiều xe tư nhân để kinh doanh, tự ý đặt cước gây rối loạn thị trường, đồng thời gây ách tắc giao thông ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Trong cuộc hội thảo liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hoá Việt Nam trước hàng nước ngoài, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cũng nêu ý kiến cho rằng Uber, Grab đang "bán phá giá" tại thị trường Việt Nam và đặt nghi vấn "có một thế lực đứng đằng sau".
Uber, Grab thắng thế?
Trước kiến nghị của Hiệp hội taxi TP HCM, Hà Nội và Hiệp hội Vận tải, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đều có trả lời. Cụ thể, sau kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm hoạt động bất hợp pháp, Bộ quản lý để doanh nghiệp vận hành theo đúng quy định, đảm bảo công bằng.
Grab taxi đã được phát triển rộng rãi tại thị trường nước ngoài |
"Grab taxi đã sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách và đã công khai còn Uber sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Tôi cho rằng, Hiệp hội nên thông qua cơ quan quản lý để tìm hiểu thêm trước khi có ý kiến".
Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, Grab và Uber đã sử dụng công nghệ thông tin, kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải.
Đây là cách làm sáng tạo. Grab sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách... và đã công khai. Còn Uber thực chất là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Lẽ ra, các xe đó (Uber) phải đăng ký vào một DN vận tải, được phép chuyên chở, phải được kiểm tra bất cứ lúc nào và dễ dàng được quản lý trên hệ thống.
"Tôi cho là Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng chưa hiểu rõ thế nào là Grabtaxi thế nào là Uber. Cho nên, tôi cho rằng, các hiệp hội vận tải nên thông qua cơ quan quản lý để tìm hiểu thêm", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thẳng thắn chia sẻ.
Ông Võ Văn Mai, Viện công nghệ và ứng dụng sáng tạo cho rằng, trong khi Uber/Grab đang tồn tại và duy trì tốt, các hãng taxi truyền thống cố bám lấy sườn pháp lý để bảo vệ mình là điều không ổn.
“Các hãng taxi phải tự nâng cấp mình, nhu cầu cấp thiết thì phải ứng dụng công nghệ thông tin vào để phát triển phù hợp với riêng từng hãng. Không nên tự bó buộc mình theo khuôn khổ, thói quen, phải làm hài lòng khách hàng bằng những giải pháp công nghệ, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ...”, ông Mai nói.
Không những được quản lý ủng hộ dịch vụ taxi thông qua các phần mềm trên điện thoại di động như Grab Taxi hay Uber đã thu hút nhiều người sử dụng. Phần lớn người sử dụng dịch vụ này tỏ ra khá hài lòng khi được phục vụ với chất lượng cao, giá rẻ…
Anh Hoàng Nam Võ cho biết: "Tài xế Uber đa số rất đàng hoàng lịch sự, xe sạch sẽ sang trọng, đường đi rõ ràng và cước phí minh bạch. Xe Uber không lạng lách đáng võng tranh giành khách. Nếu có gì không hài lòng tôi góp ý thẳng với tài xế và đánh giá qua việc chấm điểm. Những ưu điểm đó không có ở taxi thông thường. Không biết các ông tập huấn cho tài xế kiểu gì. Đi Uber rồi không muốn đi taxi nữa, cái gì cũng tệ hơn mà giá lại mắc hơn.”
Chị Văn thị Anh Thư chia sẻ “Giá taxi truyền thống cao, giá mở cửa xe, giá đi dưới 10km, giá đi trên 10km, giá xe 4 chỗ khác xe 7 chỗ.Trong khi Uber va Grap chỉ có một mức giá, chưa kể có những lúc gọi đặt xe truyền thống thì rất lâu, chưa chắc xe đến đón, trong khi Grap và Uber hiện rõ vị trí xe và khách. Xe nhận khách sẽ tự gọi lại. Hiện tại Uber và Grap đang làm vừa lòng khách hàng nên nó mới được đánh giá cao”
Bạn Hồng Lê cho rằng “Uber tuyệt vời vô cùng, không lo lắng bị chở đi lòng vòng gian lận cước phí, ngoài ra, ngộ nhỡ quên đồ đạc trên xe cũng dễ dàng liên lạc lại với tài xế ... Giá cước thì rẻ, tài xế lịch sự, nói chuyện vui vẻ”.
Cuộc chiến của taxi truyền thống và taxi online chưa tới hồi kết. Nhưng sự việc cũng chứng minh rằng áp lực cạnh tranh đang khiến chính các nhà cung cấp dịch vụ phải thay đổi và sự thay đổi đó mang lại sự hài lòng của khách hàng. Khi khách hàng hài lòng là thị phần sẽ có. Cuộc chiếc chỉ người dân được hưởng lợi.
Quỳnh Hoa (Tổng hợp)