(ĐSPL) - Ông Độ với bà Tất lấy nhau khoảng 10 năm nhưng không có con, sau đó xuống dưới nhà thờ ở Hố Nai (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xin được cháu Quân về nuôi. Đó là những lời hàng xóm nghe được, nhưng lý lịch của bé Quân hoàn toàn khác, rất nhiều chỗ không hợp lý.
Như kỳ trước phóng viên đã viết, ba mẹ nuôi của "thánh" Quân một mực nói rằng: "Việc nói ra chữa bệnh là do cháu Quân tự nói, khi nghe tin người ta cứ kéo đến khám bệnh, chứ ba mẹ không hề hay biết, cũng như không tuyên truyền hay giúp sức Quân trong việc chữa bệnh". Cũng theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, gia đình ông Độ, bà Tất đã viết cam kết, nếu có bệnh nhân đến chữa bệnh, gia đình sẽ mời họ về, để cháu Quân yên tâm giữ sức khỏe học hành.
Ông Độ miệt mài chở cháu Quân đi khắp các địa điểm chữa bệnh. |
Guồng quay của "hệ thống chữa bệnh"
Ngay từ khi tin cháu Phùng Minh Quân (xã Bầu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) được "thánh" nhập, nhiều người đã đổ xô về khám bệnh. Vốn là một học sinh tiên tiến của trường, cháu Quân từ khi lên chức "thánh", đã sa sút sức khỏe đến học hành.
Đứng trước sự việc đã đi đến hồi nghiêm trọng, ban Giám hiệu trường tiểu học Trần Bình Trọng đã có cuộc họp riêng với mẹ cháu Quân là bà Nguyễn Thị Tất. Trong cuộc họp "đặc biệt" này, cô giáo Ngô Thị Chinh, chủ nhiệm của cháu Quân đã thông báo cho bà Tất biết, từ tháng 11/2013, cháu Quân đã học hành sa sút, đến lớp thường lờ đờ, thậm chí ngủ gật. Lực học xuống quá mức, điển hình là có nhiều điểm 3, 4. Trong cuộc họp này, bà Tất cũng đã hứa sẽ "mời" bệnh nhân về cho cháu Quân chăm chú học hành. Biên bản ghi rõ ràng vào ngày 17/12/2013.
Nhưng chỉ một ngày sau, cháu Quân lại đóng vai "thánh" chữa bệnh như thường. Dù vợ chồng nhà bà Tất "leo lẻo" với cơ quan chức năng, sẽ không cho con khám chữa bệnh, cũng như mình không hề có vai trò quan trọng trong việc cháu Quân lên "thánh". Nhưng theo sự quan sát của chúng tôi, vợ chồng ông Độ bà Tất không những đóng vai trò quan trọng, mà còn lôi kéo cả anh em bà con vào việc khám chữa bệnh của cháu Quân để hòng kiếm lợi nhuận cho mình. Việc đầu tiên, là nếu không đồng ý cho con chữa bệnh, tại sao ông Độ cứ chờ đến lúc cháu Quân tan học là nhanh chóng chở về nhà, hoặc đến các tụ điểm của anh em họ hàng mình để cháu Quân chữa bệnh? Trong khi, bà Tất nói chẳng liên quan, nhưng hằng ngày vẫn đứng ra chỉ đạo, dàn xếp trật tự những bệnh nhân trong giờ "thánh" xuất hiện.
Việc tung tin "thánh" chữa bệnh không mất tiền chỉ là trò đánh vào lòng người. Trong trường hợp này, gia đình ông Độ bà Tất cực kỳ "cao tay". Bởi, thông thường, nếu người dân nghe tin có ai đó được "thánh" hiện vào, chữa bách bệnh mà lấy tiền thì sẽ bán tín bán nghi, nhiều người chẳng tin, không phải vì họ tiếc tiền, mà họ nhìn ra bản chất đó chỉ là trò lừa bịp. Nhưng khi nghe nói chữa bệnh không mất tiền, người dân sẽ vui mừng mà tin ngay, rằng có "thánh" thật, bởi không hơi đâu người ta bày ra để mất công việc mà chẳng có lợi nhuận.
Chiêu hiểm “chữa bệnh không cần tiền”
"Việc làm mê tín dị đoan, chúng tôi đã báo cáo cấp trên chờ giải quyết" Ông Mai Văn Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho hay: "Thực tế, việc chữa bệnh này chỉ mang tính chất mê tín dị đoan. Nhưng vì một số người bệnh cả tin, thiếu hiểu biết đã kéo nhau đến để chữa trị. Để tránh việc người dân kéo đến nhà của cậu bé quá đông làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xóm làng, chính quyền địa phương đã mời gia đình cháu Quân lên nhắc nhở. Và cho làm bản cam kết không để cho Quân chữa bệnh nữa, gia đình cháu Quân cũng đã ký cam kết. Đồng thời tiến hành lập bảng ngăn cấm, rào lối đi, nhưng sau khi ký về vẫn làm vậy, huyện đang báo cáo lên cấp trên chờ giải quyết". |
Đánh vào tâm lý này, gia đình ông Độ đã chiếm được lòng dân. Bằng chứng là người dân càng ngày kéo đến càng đông, người bệnh nặng thì đến để tìm hy vọng sống, bởi theo họ, bệnh viện đã trả về rồi, nằm chờ chết, đến đây nếu chữa được thì tốt, không cũng chẳng sao. Người bệnh nhẹ thì nghĩ, chữa bệnh chẳng mất tiền nên mình cứ đi, được thì được mà không thì cũng chẳng sao. Nhưng cái mà họ không nhìn ra, đó là đồng tiền mình sẽ tự nguyện từ chính tâm can của mình vào tay những kẻ lừa đảo. Ông Độ bà Tất cho anh em vào tận vườn bán hàng, một ngày bán cả ngàn chai nước, bán đồ ăn, thử hỏi lợi nhuận một ngày cũng bạc triệu.
Chưa dừng lại ở đó, người đến chữa bệnh ngoài việc mua nước, họ còn đặt lên bàn thờ ít nhất là 10 ngàn đồng, nhiều là đồng 500 ngàn đồng... Những đồng tiền đó, được anh em nhà ông Độ thu gom lại, và mọi người đoán được tiền sẽ về đâu? Cũng theo người dân ở đây cho biết, trước đây vợ chồng bà Tất chỉ có hai công đất, quanh năm bà trồng mía, đến mùa chặt đi bán, chẳng có thu nhập gì hơn. Mấy tháng nay, vì phải phục vụ "thánh con" nên gia đình không đi bán mía. Không những vợ chồng ông Độ bà Tất không đi làm, có cả người nhà sẵn sàng "ăn theo thánh", thì tiền đâu mà trang trải?
Chính vì thế, hàng xóm rất bất bình vì an ninh trật tự và sự lừa đảo trắng trợn của những người trục lợi từ "thánh" Quân. Không ít người tỏ ra xót thương cho đứa bé 9 tuổi bị ba mẹ nuôi lợi dụng mê tín dị đoan để kiếm tiền. Trên thực tế, vợ chồng ông Độ bà Tất làm cam kết với chính quyền sẽ không cho con khám bệnh, nhưng họ vẫn thản nhiên làm, thách thức chính quyền và dư luận. Điều đau đớn hơn, là họ không hề nghĩ đến đứa con mà họ đã "nhặt" được về. Bởi có lẽ, qua câu chuyện này, người ta cũng đặt ra câu hỏi, thực sự gia đình ông Độ bà Tất có coi cháu Quân là "con" như họ nghĩ không? Nếu thực sự thương con, không ai lại bắt một đứa bé 9 tuổi làm một việc hoang đường, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của con mình. Điều đó có thể giết chết tương lai một đứa trẻ được quyền vui chơi, học hành, phát triển như bao đứa trẻ khác.
Uẩn khúc nguồn gốc xuất thân của "thánh" Quân
Trong thời gian làm phóng sự điều tra này, lúc đầu chúng tôi đi tìm hiểu qua người dân thì được biết, ông Độ với bà Tất lấy nhau khoảng 10 năm nhưng không có con, sau đó xuống dưới nhà thờ ở Hố Nai (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xin được cháu Quân về nuôi. Đó là những lời hàng xóm nghe được, nhưng lý lịch của bé Quân hoàn toàn khác, rất nhiều chỗ không hợp lý. Trong đơn trình bày ngày 15/1/2006, ông Độ đã nói rằng: Vào ngày 19/5/2004, hai vợ chồng ông đi làm rẫy ở gần nhà, thấy một bé trai chưa cắt rốn, ai đó bỏ vào bọc vải nên hai ông bà đưa về nuôi, và trong giấy khai sinh bé Quân có gốc ở Hải Phòng? Một điều nghịch lý, là nguyên quán ông Độ ở Hải Hưng, bà Tất ở Hà Bắc (cũ, bây giờ chia làm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang).
Trong một lần làm việc với cơ quan chức năng (có sự giám sát của nhà trường), bé Quân đã nói rằng: "Cháu muốn được đi chơi, đi xem phim, ôn bài và học bài như bao bạn cùng trường, nhưng bố mẹ cháu bắt chữa bệnh". Cũng trong buổi hôm đó, bé Quân hứa sẽ cố gắng để học hành tốt, cuối năm được lên lớp. Nhưng rồi những lời hứa, bản cam kết với các cơ quan chức năng cũng bị vợ chồng ông Độ bà Tất phớt lờ. Việc khám chữa bệnh vẫn diễn ra, ngày càng bành trướng, công khai, bất chấp mọi sự ngăn cản của chính quyền địa phương, cũng như việc đánh mất tuổi thơ và tương lai của một đứa trẻ vô tội. Tất cả đang chờ cơ quan chức năng, cùng những người có lương tâm vào cuộc.
Đừng tin vào những lời đồn thổi không có căn cứ Tu sĩ Nguyễn Mạnh Hoan (Chủ Tịch hội Đông y huyện Thống Nhất) cho biết: Là cơ quan chuyên môn, tôi khuyên các bệnh nhân nên tìm đến bệnh viện để được khám chữa bệnh tìm ra nguyên nhân và có phác đồ điều trị chuẩn xác. Đừng nghe lời đồn thổi vô căn cứ, không có cơ sở khoa học, để bệnh không được chữa trị kịp thời lại nặng hơn. Qua trường hợp của cháu Quân, tôi cũng chưa từng được chứng kiến bệnh nhân nào thôi bệnh khi được cháu Quân chữa. |
Tô Hương Sen