+Aa-
    Zalo

    Tỷ phú Nhật: "Tre già măng chưa nhú"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tạp chí Forbes mô tả giới tỷ phú USD của Nhật Bản hiện nay giống như một loài động vật đang rơi vào tình trạng nguy cấp, bởi số lượng tỷ phú Nhật đã giảm...

    (ĐSPL) - Tạp chí Forbes mô tả giới tỷ phú USD của Nhật Bản hiện nay giống như một loài động vật đang rơi vào tình trạng nguy cấp, bởi số lượng tỷ phú Nhật đã giảm đáng kể so với 20 năm trước đây và độ tuổi trung bình của họ cũng ngày càng cao. 

    75\% tỷ phú Nhật Bản có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 1996 đã không còn tên trong danh sách này năm 2016. Trong khi đó tỷ lệ này trong cùng giai đoạn của tỷ phú thế giới là 50\%.

    Mờ đầu bài viết đăng tải ngày 4/7, Tạp chí Forbes mô tả giới tỷ phú USD của Nhật Bản hiện nay giống như một loài động vật đang rơi vào tình trạng nguy cấp, bởi số lượng tỷ phú Nhật đã giảm đáng kể so với 20 năm trước đây và độ tuổi trung bình của họ cũng ngày càng cao. Xu hướng này dường như đang đi ngược lại với các nước châu Á khác và thế giới.

    Sự thay đổi này được thể hiện khá rõ trong một báo cáo mà công ty quản lý tài sản Ahmadoff & Company công bố mới đây.

    Báo cáo được xây dựng dựa trên danh sách tỷ phú của Forbes từ năm 1996 tới 2016, cũng như kết quả phân tích tài sản công ty và tài sản cá nhân của từng tỷ phú. Ngoài ra, Ahmadoff & Company cũng so sánh danh sách tỷ phú Nhật với danh sách tỷ phú Hàn Quốc và thế giới trong cùng giai đoạn.

    “Dữ liệu của Forbes và kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy rằng, Nhật Bản là quốc gia có giới tỷ phú rất độc đáo. Có những xu hướng ở Nhật Bản mà chúng tôi không thấy ở những nơi khác”, Fakhri Ahmadov, Giám đốc điều hành Ahmadoff & Company cho biết.

    Ông Fakhri Ahmadov cho biết thêm rằng 3/4 (75\%) tỷ phú Nhật Bản có tên trong danh sách của Forbes năm 1996 đã không còn tên trong danh sách tương tự vào năm 2016. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình này trong 20 năm qua của tỷ phú thế giới là 50\%.

    “Tỷ lệ tỷ phú Nhật Bản được thừa kế tài sản cũng thấp hơn rất nhiều. Điều này có thể một phần do thuế thừa kế ở Nhật quá cao, nhưng cũng có thể vì nhiều lý do khác, chẳng hạn, như không đa dạng hóa nguồn thu nhập và quản lý tài sản không hợp lý”, Ahmadov nói thêm.

    Giới tỷ phú USD của Nhật Bản hiện nay giống như một loài động vật đang rơi vào tình trạng nguy cấp, bởi số lượng tỷ phú Nhật đã giảm đáng kể so với 20 năm trước đây. (Ảnh minh họa).

    Tài sản tăng nhưng số lượng giảm

    Không phải mọi thông tin về tỷ phú Nhật Bản đều xấu. Giá trị tổng tài sản của họ tăng từ 93 tỷ USD trong năm 1996 lên 125 tỷ USD vào năm 2016.

    Tuy nhiên, số lượng của họ giảm từ 41 xuống 37. Hàn Quốc là nước trải qua xu hướng ngược lại với Nhật Bản về tỷ phú.

    Số lượng tỷ phú ở Hàn Quốc bùng nổ trong giai đoạn 1996-2016. Nếu như trong năm 1996, chỉ 7 người Hàn Quốc lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes thì tới năm 2016, con số đó tăng lên 31. Trên khắp thế giới, số lượng tỷ phú tăng từ 424 lên 1.810 trong cùng thời kỳ.

    Độ tuổi trung bình của tỷ phú Nhật Bản tăng từ 64 lên 67. Ngược lại, tuổi trung bình của tỷ phú Hàn Quốc giảm từ 68 xuống 59, còn tuổi trung bình của tỷ phú thế giới vẫn duy trì ở mức 63.

    Số lượng nữ tỷ phú Nhật Bản tăng từ con số 0 trong năm 1996 lên con số 3 trong năm 2016.

    Số lượng tỷ phú công nghệ tăng

    Một chi tiết thú vị là số lượng tỷ phú công nghệ ở Nhật Bản đang bùng nổ trong vòng 20 năm qua. Thực tế đó có vẻ trái ngược với tình trạng sa sút của nhiều tập đoàn công nghệ lớn ở xứ sở hoa anh đào.

    Một ví dụ gần nhất là Sharp, tập đoàn phải “bán thân” cho Hon Hai Precision – doanh nghiệp thường được giới truyền thông gọi là Foxconn.

    Năm 1996, chỉ 8\% tỷ phú Nhật Bản giàu lên nhờ công nghệ. Hồi ấy ba lĩnh vực tạo ra nhiều tỷ phú nhất gồm bất động sản (22\%), giải trí và đánh bạc (17\%) và cung cấp sản phẩm công nghiệp (14\%).

    Tới năm 2016, người giàu trong ngành công nghệ chiếm 27\% tổng số tỷ phú Nhật Bản. Những vị trí tiếp theo thuộc về ngành bán lẻ (19\%), giải trí và đánh bạc (14\%).

    Thực tế này cho thấy ngành công nghệ ở Nhật Bản đang phát triển cùng nhịp với toàn cầu. Trong vòng 20 năm qua, ngành công nghệ thế giới đang chứng kiến sự phát triển khá nhanh của nhiều doanh nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD và các doanh nghiệp khởi sự của Nhật cũng không nằm ngoài xu thế đó. Một số người sáng lập như Kenji Kasahara của Mixi và Naruatsu Baba của Colopl đã trở thành tỷ phú chính nhờ các doanh nghiệp này.

    Độ tuổi trung bình của các tỷ phú công nghệ Nhật Bản là 53, thấp hơn nhiều so với tuổi trung bình của giới tỷ phú nước này.

    Độ tuổi trung bình của tỷ phú Nhật Bản tăng từ 64 lên 67. 

    Điểm “khác người” của các tỷ phú Nhật Bản

    Các tỷ phú ở Nhật Bản thực sự là những vị tỷ phú có lối sống “khác người” nhất so với những đại gia trên khắp thế giới. Nếu như các tỷ phú ở Mỹ luôn thích sống biệt lập trong những căn hộ siêu sang thì những đại gia ở Nhật bản lại thích sống trong những căn nhà “hết sức bình thường” tại những khu dân cư đông đúc.

    Họ thích một cuộc sống thầm lặng như bao người bình thường, thầm lặng đến nỗi những người hàng xóm còn không tưởng tượng được, ngay sát vách căn nhà đơn sơ của mình là một người sở hữu hàng triệu USD.

    Điều tạo nên sự khác biệt trong quan điểm sống của giới tỷ phú ở Nhật Bản bắt nguồn từ nét văn hóa của người Nhật là không muốn nổi bật giữa đám đông. Họ thích cách sống thầm lặng, hòa nhập vào cộng đồng. Chính bởi quan điểm trên đã khiến cho những tỷ phú ở Nhật Bản không thích xây biệt thự quá lớn, không muốn ở biệt thự siêu sang, sống cô lập như hầu hết các tỷ phú khác trên thế giới.

    Điểm khác người tiếp theo của tỷ phú Nhật là họ có xu hướng thích tiêu tiền vào những giá trị phi vật thể. Với các tỷ phú Nhật bản, tiêu tiền vào nghệ thuật và các buổi hòa nhạc đáng giá hơn nhiều lần so với mua những chiếc siêu xe hay nhưng đồ trang sức đắt tiền.

    Ngay cả xu hướng đi du lịch của các tỷ phú này cũng rất đặc biệt.

    Các đại gia Nhật Bản rất thích đi du lịch trên biển. Tuy nhiên, địa điểm chuyến đi mà họ lựa chọn lại là những điểm du lịch trong nước chứ không phải là đi ra các quốc gia bên ngoài.

    Đặc biệt, những người giàu ở Nhật Bản rất ủng hộ cho hàng hóa nội địa. Họ thích dùng loại rượu đắt nhất của đất nước mình là nihonshu (loại rượu nổi tiếng của Nhật Bản) hơn là rượu ngoại. Và các đại gia Nhật thích các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ nước mình hơn là tác phẩm nghệ thuật của phương Tây. Bởi trong suy nghĩ của các tỷ phú tại đây, họ hiểu được giá trị của mình, đồng thời cũng hiểu được đất nước mình cần tiền của họ để phát triển.

    Một điểm khác biệt nữa của tỷ phú Nhật Bản đó là họ không có suy nghĩ “người giàu nhàn rỗi”. Các tỷ phú tại đây luôn ý thức được sự giàu có bằng chính năng lực của bản thân. Đây cũng chính là câu trả lời cho việc những người giàu mới ở Nhật Bản thường giàu có bằng chính nỗ lực, ý tưởng và kỹ năng của họ.

    Thậm chí, những người được thừa kế tài sản thì họ cũng luôn cố gắng làm việc và tích lũy. Bởi trong suy nghĩ của người Nhật, chỉ có tự mình nuôi sống được bản thân mới nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh.

    Những bậc phụ huynh tỷ phú ở Nhật Bản luôn quan tâm việc giáo dục cho con cái của họ các kỹ năng để kiếm tiền. Họ đặc biệt chú ý đến việc mang đến cho con cái nền giáo dục tốt nhất, hiểu cách vận động của dòng tiền trong xã hội, từ đó dạy cho những đứa con của mình cách kiếm tiền bằng chính đôi tay của chúng.

    Được biết, để được coi là một người người giàu ở Nhật Bản thì cá nhân đó phải có thu nhập hàng năm trên 30 triệu Yên. Đồng thời, họ cũng phải sở hữu khối tài sản ít nhất là 100 triệu Yên. Nhiều nhà quan sát dự đoán, số lượng tỷ phú của Nhật Bản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi thị trường tài chính và chứng khoán của đất nước này đang có những bước phát triển to lớn trong hiện tại và tương lai gần.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ty-phu-nhat-tre-gia-mang-chua-nhu-a138325.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan