(ĐSPL) - Phía sau những chiến công lừng lẫy được ví như huyền thoại của tướng biệt động Tư Chu là những khoảng lặng cảm động về tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử...
“Tướng biệt động” Tư Chu là cách gọi thân mật của người hâm mộ và báo giới dành cho Đại tá Nguyễn Đức Hùng, Anh hùng LLVT nhân dân (nguyên mẫu nhân vật Tư Chu, chỉ huy lực lượng biệt động trong bộ phim truyện dài tập “Biệt động Sài Gòn”).
Bén duyên nữ giao liên “đất thép”
Tiếp chúng tôi tại căn nhà riêng yên ắng trong khu Thảo Điền (quận 2, TP. Hồ Chí Minh), bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ) xúc động kể về những ngày tháng chiến đấu ác liệt cùng chồng là Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những kỷ niệm về lần gặp gỡ đầu tiên và chuyện tình giữa bà với “Tướng biệt động” Tư Chu như mới ngày hôm qua.
Chân dung “Tướng biệt động” Tư Chu. |
Hồi đó, năm 1962, cô gái trẻ Đoàn Thị Nhỏ công tác tại Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện Củ Chi, phụ trách công việc tại xã An Nhơn Tây. Với tính tình kín đáo nhưng tháo vát trong công việc, cô được Huyện ủy Củ Chi đánh giá rất cao. Cũng trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Đức Hùng được giao nhiệm vụ phụ trách quân báo và địch tình tại xã An Nhơn Tây phục vụ cho công tác chiến đấu trong nội thành. Vì mới thành lập nên đơn vị của ông cần tìm một người đã qua công tác dân vận, thông thuộc địa bàn Củ Chi và Sài Gòn - Gia Định để làm nhiệm vụ trinh sát, giao liên.
Huyện ủy Củ Chi liền giới thiệu cô Tư Nhỏ cho đơn vị, đây cũng là cơ duyên cho cô gái ở vùng “đất thép” Củ Chi gặp anh cán bộ cách mạng được chi viện vào Nam. Bà Tư Nhỏ kể lại: “Những năm kháng chiến, chiến trường miền Nam rất ác liệt, nhân dân huyện Củ Chi chỉ bằng những vũ khí thô sơ, nhưng đã dũng cảm đứng lên chiến đấu chống lại kẻ thù. Vì vậy, người dân địa phương rất cảm tình và yêu quý những cán bộ từ miền Bắc vào tham gia chiến đấu. Với những người con gái trẻ như tôi, ngoài cảm tình thương mến còn là sự hâm mộ những anh “cán bộ mùa thu ấy”.
Lần đầu tiên gặp anh, cảm giác trong tôi đặc biệt lắm. Cán bộ chỉ huy gì mà người gầy gò, ốm yếu, da xanh như tàu lá, ăn mặc lại đơn giản, quần xà lỏn ngang đầu gối, cột dây rút. Càng tiếp xúc lại càng thấy thương và kính trọng anh. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khó khăn như vậy mà anh vẫn quyết tâm vào Nam cùng tham gia chiến đấu”. Sau những lần tiếp xúc thông qua giao nhiệm vụ, người chỉ huy và cô giao liên ngày càng hiểu nhau và nảy sinh tình cảm từ khi nào không hay.
Với bà, cảm tình về anh “cán bộ mùa thu” càng ngày càng sâu đậm khi cả hai cùng nhau thực hiện nhiệm vụ. Còn với ông, có lẽ thời gian công tác trên quê hương hừng hực khí thế cách mạng đã khiến người chỉ huy biệt động thêm yêu con người nơi đây, yêu cô giao liên gan dạ và dũng cảm. Bà Tư Nhỏ tâm sự: “Điều quan trọng nhất trong duyên phận của chúng tôi chính là cả hai cùng chung lý tưởng và chí hướng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ tình cảm dân tộc thiêng liêng đã nảy sinh tình cảm riêng giữa hai người”.
Yêu nhau nhưng hai người rất ít khi gặp nhau bởi anh bận nhiều công việc và phải hoạt động bí mật. Mỗi lần gặp là bao yêu thương, nhung nhớ, chờ đợi… lại ùa về. Bà Tư Nhỏ nói: “Lúc đó, thời gian dành cho thực hiện nhiệm vụ là chính, gặp nhau rất ít, hiếm hoi lắm. Niềm vui chung của cả hai chính là nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ thì vui và hạnh phúc lắm”. Quen nhau được gần 1 năm, cô Tư Nhỏ và chỉ huy biệt động Tư Chu tổ chức đám cưới. Hôn lễ được tổ chức bí mật, gọn nhẹ vào cuối năm 1962 tại Củ Chi, có trà, rượu, thịt, bánh trái… Khách mời là đồng đội, đồng chí và người nhà cô Tư Nhỏ.
Nước mắt hạnh ngộ
Trong quá trình hoạt động, hai vợ chồng Tư Nhỏ-Tư Chu không ít lần gặp hiểm nguy. Khi mới sinh con trai đầu Nguyễn Lê Minh năm 1964, gia đình nhỏ của họ phải thường xuyên di chuyển địa điểm để tránh pháo kích của địch. Một đêm nọ, khi Tư Chu đang đưa vợ con về đơn vị thì bị rơi xuống công sự sâu hơn 2m. Cháu bé bị đau, khóc thét lên, trong khi pháo địch đang bắn tứ tung, trực thăng thì quần thảo trên không. Với bản lĩnh của một nữ giao liên, người mẹ trẻ đã bình tĩnh, khôn khéo dỗ dành con, cùng chồng và đồng đội thoát nhanh khỏi công sự di chuyển đến địa điểm an toàn.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của hai vợ chồng là cùng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Khi đó, ông Tư Chu đang giữ cương vị Phó tư lệnh Phân khu 6, kiêm chỉ huy các lực lượng biệt động và trực tiếp chỉ huy các mũi tấn công. Còn bà Tư Nhỏ là một trong các đầu mối giao liên đảm nhiệm hướng dẫn đơn vị biệt động số 3 tập kết, đánh vào Bộ tư lệnh Hải quân ngụy. Bà tâm sự: “Hồi đó đánh trận nguy hiểm như vậy nhưng mình không sợ, lại cảm thấy rất hạnh phúc vì cả gia đình cùng tham gia chiến đấu”.
Năm 1966, Tư Nhỏ sinh con thứ hai, đặt tên là Nguyễn An Tây. Năm 1969, ông bà phải gửi hai con cho hai gia đình có cảm tình với cách mạng tại Sài Gòn nhờ nuôi nấng để bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ cam go, phức tạp. Tuy nhiên, điều hai vợ chồng không ngờ tới là cơ sở nơi nuôi giấu hai cháu bị địch phát hiện. Chúng khống chế hai cháu nhỏ nhằm ép vợ chồng Tư Chu ra đầu hàng. Chính quyền Sài Gòn và tình báo Mỹ treo thưởng 2 triệu USD cho bất cứ ai bắt hoặc giết được Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Tư Chu.
Bà Tư Nhỏ nhớ lại: “Khi biết con mình bị địch bắt, tôi như người mộng du, chân tay bủn rủn, không biết gì nữa, nước mắt cứ trào ra. Tuy nhiên, sau những bất an, tôi dần trấn tĩnh và tự nhủ, biết làm gì bây giờ, chiến tranh mà... Mình phải biết nén đau thương để vì sự nghiệp chung. Yếu mềm, buông xuôi đồng nghĩa với thất bại. Mình không thể thất bại trước kẻ thù...”. Ông Tư Chu lòng cũng quặn thắt, nén đau, lặng lẽ báo cáo tổ chức.
Dù đau đớn nhưng vợ chồng ông vẫn giữ vững khí tiết, cố kìm nén tình mẫu tử để không ảnh hưởng nhiệm vụ chung. Ông động viên vợ giữ bình tĩnh để anh em đồng đội tìm cách giải cứu các con. Bà Tư Chu yên dạ phần nào bởi bà biết đồng đội coi nhau như anh em trong nhà, chuyện của vợ chồng bà cũng là chuyện của anh em. Sau đó, bà Tư Nhỏ được chuyển về căn cứ làm công tác cơ yếu, phục vụ chiến đấu.
Mỗi khi hoàn thành công việc, nỗi nhớ con lại da diết cồn cào… 6 năm ròng tìm đủ mọi cách nhưng không bắt được vợ chồng biệt động Tư Chu, giữa tháng 4/1975, chúng định đưa các con của vợ chồng Tư Chu sang Mỹ để các cháu quên hết nguồn gốc. Nhưng may nhờ các cơ sở cách mạng cầm chân, kế hoạch thâm độc đó đã không thực hiện được.
Khi những cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, cơ sở cách mạng nội thành đã đưa hai cháu về ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây để gặp mẹ. Bà Tư Nhỏ nước mắt lưng tròng nhớ lại thời khắc hạnh phúc khôn tả ấy: “Nhìn thấy nhau từ xa, mẹ con cùng hét lên, mẹ gọi con, con gọi mẹ rồi chạy lại ôm chầm lấy nhau, khóc như mưa. Hạnh phúc vì mẹ con được đoàn tụ, quê hương sắp được giải phóng, đất nước thống nhất... cảm giác ấykhông tả được. Toàn thân tôi run lên, mặc cho tiếng khóc, tiếng nấc và những dòng nước mắt ướt đẫm áo của ba mẹ con”. Thời khắc hạnh phúc vô biên ấy là ngày 28/4/1975. Vì bận nhiệm vụ nên mấy ngày sau, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Tư Chu mới trở về đoàn tụ gia đình.
Sau khi nghỉ hưu, ông bà về sống tại khu Thảo Điền cạnh bờ sông Sài Gòn trong căn nhà yên tĩnh và thoáng mát. Bà tận tình chăm sóc sức khỏe cho chồng để ông thực hiện những tâm nguyện còn dở dang. Khoảng thời gian cuối đời, ông vừa phải chiến đấu với căn bệnh ung thư vòm họng, vừa lo hoàn thành bộ tư liệu quý về lực lượng biệt động và chiến tranh mà ông là người nắm giữ trọng trách.
Trong tâm khảm của những cán bộ, chiến sĩ biệt động thuộc quyền và người hâm mộ, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) là một “Tướng biệt động” tài ba, can trường, mưu lược. Mối tình đẹp và cảm động của hai ông bà như một đóa hoa tỏa ngát, góp hương sắc cho pho sử liệu đồ sộ của vị “Tướng biệt động” được nhiều người ví như huyền thoại. Ông mất ngày 16/5/2012, hưởng thọ 86 tuổi.
Bài đã được đăng trên báo Hôn nhân Pháp luật – một chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật.
KỲ AN
Xem thêm video Vợ chồng Cẩm Vân - Khắc Triệu tình tứ song ca