+Aa-
    Zalo

    Tự ý mở chợ tạm, BQL dự án Đại Thanh thông đồng thu về bạc tỷ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vỉa hè tại Khu đô thị Đại Thanh được BQL dự án lấn chiếm xây dựng chợ tạm gây tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị khiến người dân bức xúc.

    (ĐSPL) - Vỉa hè tại Khu đô thị Đại Thanh được BQL dự án lấn chiếm xây dựng chợ tạm gây tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị khiến người dân bức xúc. Hơn nữa, BQL dự án làm ngơ để giá bán qua tay đối với mỗi ki-ốt lên tới vài trăm triệu đồng.

    Mới đây, báo Đời sống và Pháp luật nhận được hàng loạt phản ánh của cư dân sống tại Khu chung cư Đại Thanh (Cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội) liên quan đến khu chợ tạm mọc lên ngay trước mặt tiền khu chung cư CT10.

    Theo phản ánh của các cư dân sống tại đây, từ hơn một tháng nay, trước mặt 3 tòa nhà gồm CT10A, CT10B, CT10C bất ngờ mọc lên hơn 40 ki-ốt buôn bán đủ loại mặt hàng, từ quần áo, thực phẩm, cho tới các quán ăn, quán làm tóc… Theo đó, Ban quản lý khu chợ tạm này cũng được thành lập để giám sát hoạt động của các tiểu thương.

    Tuy nhiên, từ khi khu chợ tạm này xuất hiện, hàng loạt bất cập nảy sinh khiến cư dân tại đây vô cùng bức xúc.

    Bà Hoàng Thị Th. - một người dân sống tại đây cho biết: “Từ ngày khu chợ tạm này xuất hiện, kéo theo môi trường bị ô nhiễm, nước thải của các cửa hàng, ki-ốt được đổ ngay ra đường. Hay những cửa hàng kinh doanh đồ ăn nướng thịt, nướng chả nướng thì khói bụi nghi ngút.

    Hiện nay, một vỉa hè bị chiếm dụng thành chợ tạm, vỉa hè còn lại người dân bán hàng bầy bàn ghế lấn ra, xe máy để khắp lối đi, các cháu nhỏ không có chỗ chơi, người lớn không có chỗ đi bộ tập thể dục. Đến giờ cao điểm thì tắc đường liên miên gây tình trạng lộn xộn, bát nháo”.

    Tự ý mở chợ tạm, BQL dự án Đại Thanh thông đồng thu về bạc tỷ

    Phối cảnh dự án Khu đô thị Đại Thanh không hề có diện tích đất dành cho việc xây dựng chợ tạm.

    Trong khi đó, ông Đỗ Xuân T. tỏ ra lo lắng khi cho biết: “Trước mặt chung cư bỗng dưng mọc lên khu chợ tạm, gây mất mỹ quan đô thị, ồn ào ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn một nghìn hộ dân tại đây. Thậm chí, từ ngày khu chợ này mọc lên, nhiều vụ tai nạn, va quệt xảy ra trong đó có cả trường hợp là những cháu nhỏ. Hơn nữa, không biết an toàn cháy nổ ở đây có được đảm bảo không? Ban quản lý khu chợ tạm có được tập huấn và trang bị về vấn đề này không? Điều này khiến bản thân tôi luôn lo ngay ngáy”.

    Đặc biệt, theo sự phản ánh của người dân và chủ cửa hàng, mỗi ki-ốt có diện tích khoảng 20m2 tại đây được bán cho các tiểu thương với "giá bèo" cũng tới 150 triệu đồng, thậm chí những ki-ốt ở vị trí đắc địa với diện tích khoảng 30m2 thì có giá từ 250 – 300 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng chủ mỗi ki-ốt này sẽ phải đóng từ 4 – 8 triệu cho Ban quản lý khu chợ.

    Thông tin này đã được chính anh Chiến – một thành viên trong Ban quản lý chợ tạm Đại Thanh xác nhận.

    Như vậy, chỉ cần làm một phép tính nhẩm đơn giản, thì số tiền mà Ban quản lý khu chợ tạm thu về từ việc bán những ki-ốt đã lên tới gần chục tỷ đồng. Thêm vào đó là số tiền thu về hàng tháng của những ki-ốt tại đây cũng lên tới vài trăm triệu đồng. Đó thực sự là một số tiền không nhỏ!

    Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong bản quy hoạch và phối cảnh của Khu đô thị Đại Thanh không hề có khu đất dành cho việc xây dựng chợ tạm. Theo đó, diện tích trước mặt tiền hai tổ hợp chung cư CT8 và CT10 là vỉa hè với cây xanh, tạo cảnh quan thoáng mát, rộng rãi cho khu đô thị.

    Tự ý mở chợ tạm, BQL dự án Đại Thanh thông đồng thu về bạc tỷ

    Hàng loạt ki-ốt mọc lên tại khu chợ tạm ngay trước mặt tổ hợp chung cư CT10.

    Trước sự phản ánh của hàng loạt cư dân tại Khu đô thị Đại Thanh, chiều ngày 11/8, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Bình – một thành viên của Ban quản lý Khu đô thị Đại Thanh.

    Theo đó, ông Bình xác nhận: “Việc xây khu chợ tạm này bên tôi (quản lý Khu đô thị Đại Thanh – PV) có chủ trương. Theo nhu cầu thực tế của người dân, phía trong lòng tòa nhà chung cư Đại Thanh cũng có một cái chợ, nhưng hiện nay vẫn phát sinh những chợ cóc, người dân buôn bán ngồi rải rác ở xung quanh 6 tòa nhà. Như vậy, chúng tôi phải dồn số người buôn bán này lại và dẹp tất tình trạng chợ cóc này đi.

    Thứ hai, gần khu Đại Thanh cũng có chợ, nhưng chợ hơi xa một chút, vì vậy khu chợ tạm này được xây dựng nhằm mục đích mang lại sự tiện lợi cho người dân. Thứ ba, chúng tôi quản lý vỉa hè. Có hai vỉa hè, một vỉa hè của CT8 chúng tôi dựng mái tôn để đưa xe máy vào gửi. Một vỉa hè của CT10, chúng tôi dựng ki-ốt lên cho bà con vào buôn bán”.

    Trả lời về sự có mặt của khu chợ tạm ngay trước mặt Khu đô thị Đại Thanh có nằm trong quy hoạch của khu đô thị hay không? Ông Bình cho biết: “Họ không quy hoạch đâu. Ban quản lý Khu đô thị Đại Thanh đến xin lãnh đạo  doanh nghiệp. Vì hiện nay vỉa hè rộng như thế nhưng không làm gì, chợ tạm được xây dựng để giải quyết nhu cầu và trật tự an ninh cho người dân”.

    Khi được hỏi về giấy tờ cấp phép để thành lập khu chợ tạm, ông Bình tiếp tục cho biết: “Việc thành lập khu chợ tạm này chỉ được báo cáo miệng với cấp trên và nhận được sự đồng ý”. Nghĩa là, khu chợ tạm này được mọc lên thông qua thỏa thuận miệng giữa Ban quản lý Khu đô thị Đại Thanh và Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số I Lai Châu làm chủ đầu tư (?).

    Theo đó, ông Bình cho biết, khu chợ tạm này chỉ tồn tại đến khi con đường quốc lộ 70 được mở. Tuy nhiên, trước câu hỏi bao giờ con đường quốc lộ này mở và chợ tạm còn tồn tại đến bao giờ thì ông Bình không trả lời được.

    Trước tình trạng lộn xộn, tắc đường như người dân phản ánh, ông Bình cho rằng: Giải pháp mà chúng tôi đưa ra ở thời điểm này là nghiêm cấm người dân bày bán đồ trên vỉa hè. Đồng thời, cấm ô tô đi lại trên đoạn đường giữa khu chợ tạm và khu chung cư để giảm ách tắc trong giờ cao điểm.

    Trao đổi về mức giá từ 150 triệu đồng đến 250, 300 triệu đồng cho mỗi ki-ốt, ông Bình xác nhận có biết đến thông tin về việc đội giá mỗi ki-ốt từ 2,5 triệu lên tới hàng trăm triệu đồng. Ông Bình nói: “Giá mỗi ki-ốt này Ban quản lý quy định là 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi Ban quản lý phân cho những người dân, họ không có như cầu, hoặc có người muốn thuê, mua lại thì giá đó là giá giao dịch của cá nhân”.

    Trong một diễn biến khác, anh Chiến – một thành viên của Ban quản lý khu chợ tạm Đại Thanh đã xác nhận, giá một ki-ốt thấp nhất là 150 triệu đồng là giá khi trao đổi, mua bán trực tiếp với Ban quản lý, không phải giá chuyển nhượng, sang tay.

    Trước sự xuất hiện của khu chợ tạm ngay trước mặt Khu đô thị Đại Thanh, nhiều hộ dân bức xúc khi cho rằng, để phục vụ nhu cầu buôn bán của một bộ phận nhỏ người dân, 45 ki-ốt được Ban quản lý dựng lên đã gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến quyền lợi của 1.200 hộ dân còn lại sống tại đây. Như vậy, mục đích thực sự của việc dựng lên khu chợ tạm này là gì? Lợi ích phần nhiều sẽ nằm trong tay ai? Ban quản lý Khu đô thị Đại Thanh sẽ có câu trả lời chính thức trong thời gian tới.

    Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến độc giả.

    Độc giả phản ánh các sự việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, đề nghị gửi về địa chỉ email: [email protected] | Hotline: 0942 368 555.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-y-mo-cho-tam-bql-du-an-dai-thanh-thong-dong-thu-ve-bac-ty-a46077.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan