(ĐSPL) - Khi chứng kiến nhiều công trình nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư trong Quy hoạch điện VI (giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025) chậm tiến độ, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng, nguyên nhân xuất phát từ chủ đầu tư yếu vốn, năng lực kém và đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, việc giao quá nhiều dự án cho một tập đoàn vượt quá khả năng tài chính của họ là một lý do quan trọng dẫn đến tình trạng các dự án chậm đưa vào vận hành. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về EVN.
Thiếu vốn vẫn đầu tư dàn trải?
Theo thông tin từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hiện nay EVN gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt do thiếu vốn. Từ trước đến nay, nguồn vốn của tập đoàn này chủ yếu là vay từ nguồn ODA do Chính phủ cho vay lại và các nguồn vay từ ngân hàng Thế giới (WB), ngân hàng phát triển châu á (ADB), vốn ODA song phương (JICA, AFD, KFW), huy động từ các quỹ tín dụng người bán, tín dụng người mua và tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; hàng năm EVN cần lượng vốn từ 4-5 tỉ USD cho việc đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc thiếu vốn tự tích lũy làm cho EVN không đạt tỷ lệ tự đầu tư là 25\%, có nghĩa là EVN không đủ vốn đối ứng để vay cho nhiều dự án theo yêu cầu của các tổ chức cho vay như: WB, ADB và nhiều tổ chức tín dụng khác trong và ngoài nước.
Được biết, năm 2013, doanh thu của EVN ước đạt 172.000 tỉ đồng, sau khi khấu trừ chi phí, bù một phần lỗ lũy kế nhiều năm và lỗ tỉ giá của các năm trước đây để lại... EVN chỉ có lãi khoảng 120 tỉ đồng. Với tình hình tài chính của EVN hiện tại thì các chỉ số tài chính sẽ không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của các nhà tài trợ, các tổ chức tín dụng... nên sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm các hợp đồng vay vốn. Thực tế cho thấy, một số dự án nguồn nhiệt điện đưa vào vận hành chậm đã phải hiệu chỉnh lại tiến độ, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn, hoặc giải ngân chậm như các dự án Uông Bí mở rộng 1, 2; Quảng Ninh II, Hải Phòng II, Duyên Hải I, Duyên Hải III.... Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, khó khăn về vốn nhưng tại sao EVN vẫn được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án đến như vậy. Phải chăng do tập đoàn này cố “ôm” hàng loạt dự án để dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, ảnh hưởng đến quy hoạch điện quốc gia hay do Bộ Công Thương không nhìn ra cái điểm yếu này của EVN?
Trước đây, khi chứng kiến hàng loạt dự án điện thuộc Quy hoạch điện VI và Quy hoạch điện VII chậm tiến độ, một chuyên gia ngành năng lượng từng công tác trong hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, nguyên nhân là do các nhà đầu tư yếu vốn, kinh nghiệm đã chọn nhà thầu kém năng lực. Theo đó, quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được thực hiện từ năm 2011 nhưng đến nay các dự án nhiệt điện gần như chưa triển khai được gì. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VI cho thấy, mới có 2/3 dự án điện đạt kế hoạch. Nguyên nhân của sự chậm trễ này được xác định chủ yếu là do khó khăn về vốn, đầu tư dàn trải, năng lực của nhà thầu còn hạn chế, giải phóng mặt bằng chậm, cơ chế giá và cơ chế tài chính chưa khuyến khích phát triển ngành điện.
Nhiều dự án điện đưa vào vận hành chậm vì chủ đầu tư EVN thiếu vốn. |
Bao giờ chủ đầu tư Việt Nam mới đủ chuyên nghiệp?
Trước đây, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam khẳng định, hiện nay các chủ đầu tư của các dự án nhiệt điện trong nước tỏ ra không yếu năng lực và thiếu chuyên nghiệp. Họ không có đủ khả năng để quản lý, giám sát việc đấu thầu. Bên cạnh đó, chủ đầu tư kém chuyên môn trong việc thẩm định dự án và không có tiêu chí kỹ thuật để đánh giá các nhà máy nhiệt điện. Đây chính là lý do khiến các nhà thầu Trung Quốc thoải mái chậm tiến độ, mang 100\% các thiết bị, lao động từ nước họ sang thực hiện ở các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam.
Ông Tiến cũng cho hay, với việc thi công các dự án nhiệt điện theo kiểu ỳ ạch, chậm tiến độ kéo dài như hiện nay, sẽ thêm một sự khó khăn cho kế hoạch đến năm 2020, đất nước chúng ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính vì thế, ngành năng lượng, EVN bằng mọi biện pháp tìm ra những khâu đột phá mới, có đủ nguồn vốn để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu của Quy hoạch điện VII, đạt được 75.000MW điện, tương ứng với 360 tỉ kWh/năm. Đưa sản lượng điện đầu người từ 1.000kWh như hiện nay lên khoảng 3.000kWh vào năm 2020. Bởi đây là một trong những tiêu chí hàng đầu của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Từng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả cho rằng, ngoài sự “ranh ma” của các nhà thầu Trung Quốc trong việc đấu thầu và thi công các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam thì cơ chế, năng lực, trình độ của nhà đầu tư EVN cũng có vấn đề. Nhiều nhà thầu Trung Quốc sau khi mua hồ sơ mời thầu của EVN phát hành sẽ ngay lập tức nghiên cứu kỹ hồ sơ rồi tìm ra các chỗ “hở” rồi “cài bẫy” trong hồ sơ đấu thầu. Và, chính chuyên môn không cao, độ chuyên nghiệp thấp của các chủ đầu tư trong nước đã bị nhà thầu Trung Quốc khai thác triệt để. “Bên cạnh đó, chúng ta không thể phạt được nhà thầu nếu như họ chậm tiến độ hay chất lượng dự án kém là do số tiền chủ đầu tư giữ lại chưa thanh toán cho nhà thầu (coi như tiền đặt cọc) thường không đủ lớn để ép nhà thầu phải thực hiện đúng các cam kết bảo hành. Như một số nhà máy nhiệt điện đã triển khai, số tiền chủ đầu tư cần phạt nhà thầu còn lớn hơn nhiều lần tiền chủ đầu tư giữ lại của nhà thầu. Số tiền đặt cọc để lại quá ít, nhà thầu sẵn sàng bỏ món tiền đó chứ không khắc phục những sai phạm”, ông Sơn dẫn chứng.
Cũng theo vị này, không chỉ giăng “bẫy” thầu giá rẻ, nhà thầu Trung Quốc còn thường cam kết tiến độ “siêu tốc”, nhà máy điện 400MW họ nói chỉ làm trong 36 tháng. Chủ đầu tư chạy theo thành tích, chấp thuận nhà thầu, nhưng rồi khi thi công, có khi 60 tháng họ chưa làm xong. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn tin tưởng giao cho họ những dự án nhiệt điện lớn. Và đến khi nhà máy gặp trục trặc, công trình chậm tiến độ thì chủ đầu tư không làm gì được họ.
Bộ Công Thương cần phải tính toán lại Nếu không có các chỉ đạo quyết liệt, thì mục tiêu mà Quy hoạch điện VII đặt ra là rất khó khả thi. Bởi nhu cầu vốn cho các dự án điện từ nay tới năm 2020 để đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII ước tính khoảng 4,8 tỉ USD/năm, nhưng nhiều nhà đầu tư đang rất khó khăn về vốn. Các giải pháp tìm kiếm nguồn vốn đã được đề cập, nhưng việc triển khai còn vướng mắc. Thực tế này cũng đòi hỏi bộ Công Thương phải có tính toán lại các chỉ số, thông số mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch điện VII. (Dẫn lời ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam) “Cấm cửa” doanh nghiệp Nhà nước đầu tư dàn trải “Tôi được biết, mới đây trong dự thảo của bộ Tài chính quy định về quy chế tài chính và quản lý vốn của EVN và PVN, đặc biệt lưu ý đến hai từ: "Không được”. EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán... Tôi cho rằng, việc không cho EVN đầu tư dàn trải là quá hợp lý. Bởi các doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, tiền của Nhà nước suy cho cùng là tiền của dân đóng thuế để doanh nghiệp kinh doanh. Chính vì vậy, nguồn tiền của nhân dân cần phải được giám sát chặt chứ không thể để doanh nghiệp tự ý sử dụng được”. (TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương) |