Theo nhận định từ Công an TP Đà Nẵng, vấn nạn đòi nợ kiểu "khủng bố" đang tồn tại dưới đủ chiêu trò như cắt ghép hình ảnh, tung thông tin cá nhân lên mạng xã hội hoặc dán ảnh tại nơi công cộng để vu khống, bêu xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức… Và tình trạng này vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng tạo ra nhiều hệ lụy, bất bình trong xã hội.
Thực tế cho thấy, dù đã có hành lang pháp lý, chế tài xử lý vấn nạn này. Nhưng các cơ quan chức năng vẫn cần rốt ráo vào cuộc đồng bộ để nghiêm trị những kiểu đòi nợ “khủng bố” như vậy, nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật, trật tự an toàn xã hội.
Trước đây không lâu, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra một trường hợp nhóm người lạ mặt vào tận ký túc xá Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) dán tờ rơi nhằm mục đích đòi nợ khiến sinh viên trong trường hết sức hoang mang, lo lắng. Tấm hình được dán ngay cổng ký túc xá giống như ảnh chụp chung của ba người phụ nữ trong một gia đình, được tải từ Facebook người vay nợ, trong đó có hình một cô gái trẻ được cho là sinh viên.
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, thầy Nguyễn Vinh San - trưởng phòng công tác sinh viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, cho biết qua xác minh ban đầu, hình ảnh 3 người trên tờ rơi có nội dung đòi nợ được dán bêu riếu trước ký túc xá không phải là sinh viên trong ký túc xá Trường đại học Sư phạm.
"Chúng tôi cho kiểm tra số sinh viên đang lưu trú trong ký túc xá thì không có ai trong số 3 người có mặt ở tờ rơi đòi nợ. Do thông tin in trên tờ rơi sơ sài nên cũng khó để xác minh thêm từ số sinh viên đang theo học tại các khoa, phòng trong trường" - thầy San nói.
Ngoài ra, đại diện nhà trường cũng cho biết, đây không phải lần đầu tiên nhà trường gặp trường hợp đòi nợ kiểu "khủng bố" tinh thần. Theo thầy Nguyễn Vinh San, phụ huynh hoặc sinh viên dính vào nợ nần là việc không mới. Ít năm trước cán bộ phòng công tác sinh viên còn bị "khủng bố điện thoại đòi nợ" liên tục vì phụ huynh một sinh viên dính vào nợ nần.
Liên quan đến vụ việc này, Công an TP Đà Nẵng cho biết, hiện cơ quan chức năng đã tiến hành làm rõ nội dung vụ việc. Được biết, nạn nhân trong vụ việc này cũng từng bị nhóm đối tượng đòi nợ "khủng bố" tại nhà. Cụ thể người bị đòi nợ là bà Nguyễn Thị T.T (51 tuổi, trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Bà T. trình báo lên cơ quan chức năng, chiều 7/3, bà T. và con gái là Lê Thị V.H (21 tuổi, hiện là sinh viên một trường đại học tại Đà Nẵng) bị các đối tượng đòi nợ dán ảnh, bêu xấu tại cổng trường với mục đích đe dọa và gây áp lực để cho gia đình trả nợ. Sau khi nghe con gái đi học về và trao đổi sự việc, bà T. điện thoại báo cơ quan Công an. Cũng theo bà T., gia đình bà có mượn của Phan V.Đ (26 tuổi, trú cùng xã) 45 triệu đồng.
Công an xã Hòa Châu thống nhất mời anh Đ. đến nhà bà T. để làm việc. Đến 20h cùng ngày, trước sự chứng kiến của Công an xã Hòa Châu, anh Đ đồng ý để bà T. trả hết số tiền 45 triệu đồng đã mượn trong tháng 3/2024.
Về việc bà T. và con gái là chị Lê Thị V.H bị dán ảnh bêu xấu, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm…, Công an xã Hòa Châu tiến hành lập biên bản và hướng dẫn cho gia đình bà T. đến Công an địa phương để trình báo và được giải quyết.
Liên quan đến sự việc kể trên, Công an TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định pháp luật dân sự, khi một trong các bên tham gia giao dịch dân sự mà vi phạm nghĩa vụ thì bên bị ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Công an thành phố khuyến cáo người dân, trường hợp gặp bên cho vay đòi nợ không phù hợp với quy định của pháp luật và có hành vi gây tổn hại tinh thần, thiệt hại về tài sản hoặc gây mất an ninh trật tự thì người bị ảnh hưởng có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp, xử lý hành vi của người vi phạm.
Nếu người vi phạm gây thương tích cho người bị hại thì có thể bị xử lý về hành vi "cố ý gây thương tích" theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự. Nếu gây mất an ninh trật tự tại nơi công cộng thì có thể bị xử lý về hành vi “gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan công an nhận định, những kiểu đòi nợ "khủng bố" tinh thần người vay gây bức xúc, hoang mang rất lớn trong dư luận và người dân cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tránh gây ra hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình thường của mỗi người dân.
Bảo An(T/h)