Theo Báo Dân Trí, giao dịch thẻ tín dụng là việc sử dụng thẻ để gửi, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ và sử dụng các dịch vụ khác do tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cung ứng. Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ tín dụng có tính linh hoạt cao, thích ứng với xu thế tiêu dùng hiện nay, nhất là của giới trẻ.
Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chi tiêu để mua hàng hóa/dịch vụ trước và thanh toán lại cho ngân hàng phát hành sau.
Thực tế, trên thị trường hiện nay có nhiều loại thẻ khác nhau. Một số loại tiêu biểu có thể kể đến gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thẻ đồng thương hiệu.
Việc sử dụng thẻ tín dụng không còn xa lạ những năm gần đây, đặc biệt tại các thành phố lớn khi mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán rộng khắp, nhưng không phải ai cũng hiểu những quy định và các chi phí phát sinh khi sử dụng.
Có rất nhiều loại phí mà người sử dụng thẻ tín dụng phải trả trực tiếp theo hình thức 1 lần/ năm hoặc hàng tháng.
Điển hình, phí thường niên: Mỗi năm, khách hàng trả loại phí này một lần, tùy từng ngân hàng song mức phí phổ biến khoảng 200.000-500.000 đồng. Nếu hạn mức thẻ chi tiêu của khách hàng lớn hơn, có thẻ rơi vào khoảng 2-3 triệu tiền phí/năm.
Phí rút tiền mặt: Là một loại phí khá phổ biến, áp dụng cho tất cả các ngân hàng, với mức phí dao động từ 2-4% tùy ngân hàng quy định, tối đa có thể rút 70% tổng hạn mức của thẻ.
Phí chậm thanh toán: Đây là khoản phí phải trả khi khách hàng không thanh toán đủ số tiền tối thiểu, quá hạn thanh toán theo thông báo của ngân hàng, mức phí này thường sẽ rơi vào 3-4% của tổng số tiền thanh toán tối thiểu của tháng đó.
Lãi suất thẻ tín dụng: Thông thường, nếu khách hàng không rút tiền mặt từ thẻ hoặc nếu đã thanh toán dư nợ cuối kỳ theo quy định thì sẽ không tính lãi suất. Tuy nhiên, nếu có phát sinh các giao dịch trên, tùy theo quy định của từng ngân hàng sẽ có khung tính lãi suất khác nhau sau khoảng 30-45 ngày sau khi phát sinh giao dịch trên.
Trao đổi với Báo Tuổi Trẻ Online, luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Tuy nhiên, khi cộng thêm lãi suất quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm. Còn theo Bộ luật Hình sự, trường hợp cho vay với lãi suất trên 100% thì phạm tội cho vay lãi nặng.
Tuy nhiên, trần 20% không áp dụng đối với ngành ngân hàng. Theo quyết định số 1125 của Ngân hàng Nhà nước năm 2023, ngân hàng chỉ được phép thỏa thuận lãi suất không quá 4%/năm khi cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ, ứng dụng công nghệ cao hay mua nhà
Những quy định trên đều không áp dụng đối với ngành ngân hàng. Do vậy, ngân hàng có thể cho vay với lãi suất 100%, thu lãi quá hạn 150%/năm và đặc biệt tính lãi nhập gốc ra con số rất lớn.
Việc khách hàng phải chịu lãi suất, lãi phạt, và các loại phí như thế nào sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng cho vay hay sử dụng thẻ. Tuy nhiên nhiều khi khách hàng cũng không đọc, hoặc đọc cũng không hiểu, do khó hiểu.
Việc vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng có nhiều ưu điểm như: Thuận tiện, đơn giản, kịp thời… Để thu hút người sử dụng nhiều hơn, ngân hàng thường phát hành thẻ tín dụng kèm rất nhiều chính sách hấp dẫn. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều rủi ro lớn như: Dễ chi tiêu quá đà, nhất là lãi suất đối với hình thức vay này bao giờ cũng cao hơn, đặc biệt là lãi suất quá hạn bởi ngân hàng phải dự phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Ngoài ra, nếu trả chậm hoặc không trả gốc lãi theo quy định, khách hàng sẽ rơi vào danh sách nhóm khách hàng bị nợ xấu, để lại vết trong lịch sử vay của mình trên hệ thống ngân hàng. Rất khó cho khách hàng đó tiếp cận được vốn vay mới sau này khi cần.
Hoa Hồng (T/h)