Mới đây, trường hợp một khách hàng của ngân hàng Eximbank mở thẻ tín dụng và có phát sinh dư nợ hơn 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau khoản dư nợ này lên tới hơn 8,8 tỷ đồng thu hút sự quan tâm của dư luận. Đa phần mọi người đều sốc và thắc mắc về cách tính tiền lãi của thẻ tín dụng như thế nào để ra một con số khổng lồ như vậy.
Theo báo Người lao động, thẻ tín dụng là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp. Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45-55 ngày.
Hết thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có 2 lựa chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê): thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.
Trường hợp chủ thẻ chọn thanh toán dư nợ tối thiểu (khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ sao kê) sẽ không bị tính phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, khoản nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất lên tới 20% - 40%/năm (tùy ngân hàng) và sẽ được cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp.
Trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán đủ dư nợ tối thiểu trong 1 kỳ sao kê theo thông báo của ngân hàng, sẽ bị tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ cộng thêm phí chậm trả.
Cụ thể, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm khoảng 5% tổng dư nợ (tối thiểu là 100.000 đồng, tùy theo quy định của ngân hàng) và lãi suất quá hạn lên đến 20 - 40%/năm, số tiền sẽ được tính tùy theo số ngày quá hạn.
Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: Số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó (không phải tính dựa trên dư nợ gốc).
Việc chủ thẻ tín dụng cho biết cũng từng bị tính lãi và phạt số tiền khá lớn so với dư nợ do quên thanh toán không phải câu chuyện hiếm gặp
Năm 2019, mạng xã hội cũng từng xôn xao trước chia sẻ của ông Phan Dũng Khánh, chủ thẻ tín dụng HSBC về việc nợ quá hạn 400.000 đồng nhưng bị tính lãi và phạt đến gần 3 triệu đồng, gấp 7,5 lần số tiền gốc.
Theo báo Tuổi trẻ, do phải chuyển nhà và mua thêm vật dụng nên tiền thanh toán thẻ tín dụng mở tại HSBC trong tháng 4 của ông lên tới hơn 100,4 triệu đồng, trả nợ trước ngày 16/5/2019.
Ngày 7/5/2019, ông Khánh ra ngân hàng để trả tiền nhưng máy ATM của HSBC chỉ cho phép nộp tối đa 100 triệu đồng, còn nợ lại 400.000 đồng và dự định hôm sau nộp tiếp.
Tuy nhiên, do bận công việc và nghĩ rằng nếu có bị tính lãi với số dư nợ hơn 400.000 đồng cũng chỉ khoảng vài chục ngàn đồng nên ông Khánh để luôn đến kỳ sao kê tháng 5.
"Đến ngày 21/5, tôi sao kê thì tá hỏa vì lãi đến gần 3 triệu đồng, gấp 7,5 lần số tiền gốc tôi còn nợ là hơn 400.000 đồng, nghĩa là lãi tới gần 650%/tháng", ông Khánh cho biết.
Khi liên lạc với HSBC để khiếu nại, ông Khánh được giải thích là tiền lãi tính trên mức hơn 100,4 triệu đồng cộng với 27 triệu đồng quẹt thẻ sau đó, dù kỳ hạn của 27 triệu đồng này đến giữa tháng 6 mới phải trả. Theo ông Khánh, quy định như vậy là đẩy phần khó về cho khách hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu biết cách sử dụng, khách hàng lợi rất nhiều khi dùng thẻ tín dụng. Thay vì phải dùng tiền mặt thanh toán ngay khi mua hàng hóa, dịch vụ..., người dùng có thể cà thẻ, số tiền thay vì phải thanh toán có thể đem gửi tại ngân hàng vẫn được hưởng lãi. Ngoài ra còn được hưởng ưu đãi, tích điểm.
Để không bị trễ hạn thanh toán, chủ thẻ phải hỏi rõ ngày chốt sổ đồng thời theo dõi sao kê và tin nhắn thông báo từ các ngân hàng để tránh bị phạt do trễ hạn thanh toán. Ngoài ra, chủ thẻ có thể đăng ký trích nợ tự động để không bị trễ hạn.
Với trường hợp trích nợ tự động, chủ thẻ cũng nên lưu ý duy trì số tiền lớn hơn một chút so với số phải thanh toán, tránh trường hợp không đủ số dư dẫn đến trễ hạn.
Vân Anh(T/h)