+Aa-
    Zalo

    Từ vụ cháy ở Trung Kính, ĐBQH đề xuất cấm nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh

    (ĐS&PL) - Sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 14 người tử vong, ĐBQH đã đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế loại hình kinh doanh có rủi ro cao.

    Cấm cho thuê trọ kết hợp kinh doanh

    Vụ hỏa hoạn xảy ra đêm 23/4 tại căn nhà trọ địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43  đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 14 người thiệt mạng và nhiều người bị thương khiến dư luận không khỏi xót xa.

    Thời điểm kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV đang diễn ra, phát biểu bên lề kỳ họp, các Đại biểu Quốc hội bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc gửi đến các nạn nhân và chia buồn với thân nhân, gia đình người gặp nạn trong vụ hỏa hoạn. 

    Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Tuổi trẻ.

    Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Tuổi trẻ.

    Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra ý kiến về vấn đề hành lang pháp lý liên quan đến loại hình kinh doanh lưu trú tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Trao đổi với báo Tuổi trẻ, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng sau vụ cháy chung cư mini xảy ra ở quận Thanh Xuân, các lực lượng chức năng đã rà soát và có cảnh báo cụ thể.

    Tuy nhiên, chúng ta đang chấp nhận một thực trạng rủi ro. Người dân, người lao động khi đến sinh sống, làm việc ở các TP đều muốn thuê nhà để có nơi trú ngụ. Bên cạnh đó ông An nhận định đây là nhu cầu hết sức bình thường. Đồng thời, người dân có nhà cho thuê cũng là hoạt động bình thường để họ có thêm thu nhập...

    Tuy nhiên không phải vì thế mà lơ là mà cần phải cáo giải pháp cấp bách để hạn chế tối đa những trường hợp hỏa hoạn để lại hậu quả đáng tiếc. Đại biểu An cho rằng các cấp chính quyền cần phải có sự mạnh tay hơn, rà soát lại toàn bộ các khu nhà cho thuê, khoanh vùng các khu có nguy cơ cao, nếu không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy, phải mạnh tay xử lý.

    Với các khu nhà có "chuồng cọp", không có lối thoát hiểm, cần phải bắt buộc sửa lại, bổ sung thêm lối thoát hiểm. Cùng với đó, cần có giải pháp lâu dài, căn cơ hơn, phải có sự đồng bộ, bài bản trong quy hoạch đô thị, phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để giảm dần tình trạng nhà cho thuê tự phát hiện nay.

    "Chúng ta nên rà soát trên địa bàn của mình nếu cảm thấy có nguy cơ cao về tính mạng của người dân bị đe dọa như nhà không còn lối thoát phải cưỡng chế", ông An nói.

    Cũng theo ông An, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về dự Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi. Ông đề xuất, nếu cần thiết có thể thiết kế một mục riêng về phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở.

    Các nội dung dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch hạ tầng đô thị, thẩm quyền của chính quyền địa phương cũng như nghĩa vụ của công dân…

    Riêng với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu An cho rằng phải có phương án, giải pháp phòng cháy và ngăn cháy. Dẫn chứng vụ cháy ở Trung Kính, khi ngôi nhà có nhiều phòng trọ và cả cửa hàng sửa chữa xe đạp điện, ông An cho rằng phải cấm loại hình kinh doanh (nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy) kết hợp phòng trọ.

    Biện pháp tác động chủ đầu tư

    Bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bàng hoàng chia sẻ: "Vụ cháy sáng nay là tin buồn ngay đầu ngày".

    Chia sẻ với báo Giao thông, đại biểu Nga chỉ ra, thực tế các khu chung cư mini, nhà trọ mọc lên rất nhiều, để rà soát một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội là rất khó. Nếu như xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ và các chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy sẽ không cho thuê trọ nữa, sẽ dẫn đến hai hệ lụy.

    Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Báo Giao thông.

    Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Báo Giao thông.

    Trước hết là tác động đến chủ đầu tư khi họ phải dừng phương tiện kinh doanh mang lại thu nhập. 

    Mặt khác, nếu dừng thì tất cả những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống ở khu nhà đó sẽ đi đâu, về đâu, và con số này là không nhỏ. "Nếu cùng một lúc chúng ta làm theo hướng đó thì tác động xã hội vô cùng lớn" – bà Nga đặt vấn đề, song nhấn mạnh không thể buông lỏng.

    Theo đại biểu Nga, các quy định về phòng cháy chữa cháy đã có, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành cũng đã rõ. Quan trọng là phải rà soát tích cực và có phương án với từng loại hình. 

    Đặc biệt, bà Nga nhấn mạnh công tác tập huấn về phòng, chống cháy nổ và tập huấn về kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra rất cần thiết. "Tôi cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi xảy ra vụ cháy thương tâm nhưng sau đó lại để trôi đi", bà Nga nhìn nhận.

    Theo nữ đại biểu đoàn Hải Dương, một trong số nguyên nhân xảy ra vụ cháy thương tâm nằm ở thức của con người. Nhiều khi chúng ta không nghĩ hành vi của mình lại bất cẩn có thể gây tai nạn thương tâm. Cho nên ngay chủ nhà, người thuê trọ cần hết sức cẩn trọng đối với hành vi của mình.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tu-vu-chay-o-trung-kinh-bqh-e-xuat-cam-nha-cho-thue-tro-ket-hop-kinh-doanh-a426850.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan