Những ngày chống chọi với bệnh tật, cô đơn một mình trong căn nhà rách, nhà thơ 16 vợ đã cay đắng viết tự truyện về những mối tình của mình.
Tuổi thơ của chàng trai bị bố gọi là “người giời, âm binh”
Nhắc đến nhà thơ, thợ mộc, thợ đóng gạch 16 vợ và số lượng con… chưa nắm được, hiện sống ở ngoại thành Hà Nội, nhiều người biết đến. Thế nhưng, ít ai biết góc khuất cuộc đời đầy ngang trái của “hồn thơ” đa tình này: Một đời giai, một đời thơ thẩn, nhưng một đời đầy cô đơn, bất hạnh.
Những ngày chống chọi với bệnh tật, cô đơn một mình trong căn nhà rách, nhà thơ 16 vợ đã cay đắng viết tự truyện về những mối tình của mình. Anh viết mải mê, không phải để lại cho đời một tác phẩm vĩ đại, mà để thế hệ sau hiểu rằng: Nhiều vợ khổ lắm. Càng nhiều vợ, càng cô đơn.
Cuốn tự truyện hấp dẫn này, như một thông điệp của nhà thơ, thợ mộc, thợ đóng gạch Nguyễn Đăng Hành, gửi đến độc giả.
“Bắc Hồng có Nguyễn Đăng Hành
Vợ thì chưa có nhân tình vài sâu
Con thì con bí con bầu
Giống thì giống Nhật giống Tàu giống Tây
Bạn bè đó đó đây đây
Hèn sang lớn bé mưa mây tức thì…
Đăng Hành tức lão Kinh Thi
Đài nghe công cộng tivi xem nhờ
Gia tài bầu rượu túi thơ
Giang sơn điền sản vẫn chưa thèm đòi
Bầu trời trái đất rong chơi
Rượu thơ, thơ rượu - mặc đời đảo điên
An nhà vô sự - Thần tiên.
(Tự bạch, Tập Thơ Hỏi)
Tôi, Nguyễn Đăng Hành, sinh năm 1954, một gã thợ mộc với gần 30 năm trong nghề, hiện đóng gạch thuê ở lò gạch Bát Tràng kiếm sống, được bạn thơ yêu mến gọi là thi sĩ, nhà thơ (tôi chỉ nhận là lều thơ), xin được bắt đầu cuộc đời mình bằng bài thơ Tự bạch, in trong tập Thơ Hỏi của tôi, do NXB Lao Động ấn hành năm 2007.
Tôi sinh ra ở ngôi làng cong cong hoang hoải, bên con sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm. Làng tôi tên Khoan Tế. Cái tên đọc buồn cười, méo mó, nhưng nhiều ý nghĩa sâu xa ẩn sau nó.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành đóng gạch kiếm sống. |
Gia đình tôi thuộc hạng khá giả nhất làng. Bố giỏi nghề thợ mộc, mẹ sành bán buôn, lại thầu thêm ao hồ. Bố tôi dựng ngôi nhà 5 gian, to nhất làng. Mình tôi sở hữu một gian nhà, phòng riêng. Đời tôi chưa bao giờ phải chịu cảnh đói khát.
Tôi là thằng ăn khỏe nhất làng. 14, 15 tuổi, mỗi bữa ăn không dưới 15 bát cơm, ăn hết cả nồi cơm dành cho 6 người. Bánh trôi, bánh chay tôi ăn 13 đĩa, hết cả mâm. Tuổi trẻ của tôi là kẻ ăn tàn phá hại. Bố tôi bảo: “Nó là người nhà giời, là âm binh nên mới ăn khỏe, làm khỏe khác người”.
Con người tôi gom lại mấy chữ thế này: Đoảng vị, giàu tưởng bở, rất mơ mộng, tràn trề khát vọng, ham chơi, học chậm, văn hóa lùn vì chưa học xong lớp 7. Ấy thế nhưng lại thích truyện Tàu, ưa sách Tây, say thơ kim cổ. 8 tuổi, mới ê a đọc chữ đã say Tam Quốc, thích Thủy Hử, khoái Tây Du ký, Sử ký Tư Mã Thiên…
Bố tôi ham đánh bạc, nhưng lại ham đọc sách. Mẹ tôi cai bạc cho ông bằng cách mua cả kho sách chất trong nhà, để ông đọc mà quên chiếu bạc. Thế nên, trong nhà tôi chẳng thiếu sách gì.
Tôi phục Tào Tháo, kính Quan Vân Trường, nhiễm tính Trương Phi, mê mệt Gia Cát Lượng và rất bực mình với cha con Lưu Bị. Những nhân vật như Lưu Bang, Hạng Võ, Hàn Tín, Chương Lương cứ loạn trong tôi. Tôi như biến thành những nhân vật trong chuyện.
Lên lớp 5 thì mê sách phương Tây, với những Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Nét vẽ màu men, Những người chân chính, rồi thì Ruồi trâu, Thằng gù… Sách, truyện Việt Nam tôi đọc không thiếu cuốn nào. Giờ học tôi trốn ra lò gạch, bờ ruộng, bãi mía để đọc sách.
Ham sách vở, văn chương, học tính trượng nghĩa của Quan Vân Trường, nhưng tôi lại có tính ăn cắp vặt. Tôi thường xuyên thó tiền của mẹ, rủ bạn bè đi ăn nhậu ở Văn Giang, Trâu Quỳ.
Nguyễn Đăng Hành và một người vợ cùng hai cô con gái. |
Nghịch ngợm và liều mạng thì phải biết. Dám cắt hàng rào chui vào sân bay Gia Lâm để sờ vào máy bay phản lực, trèo lên máy bay trực thăng trong hầm xem nó thế nào. May mà không bị phát hiện, chứ bảo vệ tưởng khủng bố, chắc đã ăn mấy phát đạn.
Không biết trời đày hay trời điềm mà cha mẹ lại đặt tên là Nguyễn Văn Hành, nên vài năm binh nghiệp mà chết hụt vài lần, dăm trận sốt rét phát điên. Lấy tới 16 vợ chính thức, phiêu lưu tình ái với vô số đàn bà, nhưng lại bị văn hành, thơ hành, chứ không bị vợ hành.
Sống đến gần hết cuộc đời vẫn bị thơ ca hò vè nó hành và tiếng thì thầm nỉ non của chị em hành hạ nên mơ hồ mà viết: “Khoét quỹ thời gian sâu ba tấc/ Vùi chôn thân khoái lạc đam mê/ Bụi vinh hoa lãi lợi nặng đè/ Mộ xanh om nói lời hư thật”.
Năm 1970, Mỹ đánh ra Bắc. 16 tuổi, nghe trên đài câu nói của Anh hùng Lê Mã Lương: “Con đường đẹp nhất của tuổi trẻ là con đường ra trận, giải phóng miền Nam”, tôi chẳng suy nghĩ nhiều, viết đơn xung phong đi đánh Mỹ.
Hôm đi chăn gà Tây, thấy ở đình rộn ràng tấp nập, biết có tuyển quân, tôi lùa gà vào vườn chùa nhờ thằng cháu trông hộ, rồi chen vào xin khám sức khỏe. Thấy tôi luẩn quẩn, một anh bộ đội cao lênh khênh, còm nhom hỏi:
- Cậu tên Hành à? Tôi đã đọc đơn của cậu. Gia đình có đồng ý không?
- Cả nhà em đều đồng ý. Anh cho em đi luôn, chứ em viết đơn lâu lắm rồi!
Anh ta đưa cho tôi tờ giấy. Tôi kiếm bàn điền thông tin đăng ký. Đồng chí này bảo mọi tiêu chuẩn tôi đều có đủ, nên tôi sung sướng lắm.
Đêm đó, tôi báo cáo với bố mẹ. Mẹ tôi lo lắng, sợ tôi còn nhỏ. Bố tôi bảo: “Nó đã đủ lớn, khôn ranh hơn người, cho nó ra trận là được rồi. Nó ở nhà chỉ ngịch ngợm, chả được tích sự gì”.
Tôi thừa biết ý đồ của bố tôi, muốn tôi đi đánh Mỹ, thành anh lính cụ Hồ, ông đi lại trong làng sẽ được dân làng tôn trọng và công việc buôn bán của ông cũng thuận lợi hơn.
Từ ngày viết đơn, đến ngày ra trận thế mà cũng kéo dài đến một năm. Rồi tôi cũng thành anh lính cụ Hồ: “Vụng về trong trắng biệt ly/ Chiến trường giục giã vội đi chậm về”. Hai câu thơ đó tôi làm vào ngày lên đường.
Trong những ngày thẩn thơ chờ ra trận, tôi vướng vào chuyện tình với 4 thôn nữ, đều là giai nhân của làng bên…
Nguyễn Đăng Hành trong căn nhà bừa bộn như ổ chuột. |
Ngày đó, 16 tuổi. Anh chàng Nguyễn Văn Hành có khuôn mặt khôi ngô, sáng sủa, dáng cao, da trắng hồng, mắt sâu thăm thẳm, mũi cao dọc dừa, eo thon, ngực nở, môi son, mái tóc xoăn bồng bềnh. Mấy cụ già giỏi tướng số tử vi trong làng nhìn tôi đều phán: “Thằng này tài ba, số đào hoa, rồi sẽ phong ba sóng gió”.
Tôi đạp chiếc xe Phượng Hoàng màu cánh chả, xích hộp. Ngày đó, có xe Phượng Hoàng đi là oách lắm. Tôi đạp xe tung tăng trên đê, nhưng thừa biết sau lưng mình, chị em trộm nhìn say đắm.
Ở làng Giang Cao, thuộc Bát Tràng, ngoài đê sông Hồng, có cánh đồng ngập nước bát ngát bèo, sen. Cứ hai ngày một lần tôi quang gánh ra đó lấy bèo về nuôi gà Tây.
Giữa cánh đồng là con đường vào làng Giang Cao, nơi có hợp tác xã Hợp Thành, do Anh hùng Lao động Lê Văn Cam làm chủ nhiệm. Bên phải con đường là đấu Bà Ấu, bên trái là đấu Giang Cao. Trên con đường ấy, mỗi ngày có đến cả chục xe cải tiến, với đội quân xã viên hơn 20 cô gái vận chuyển vật liệu xây dựng phân xưởng cạnh bãi tha ma.
Đám xã viên toàn 15-16 tuổi, chủ yếu là gái, vừa đẩy xe vừa hát hò, hò hét, trêu ghẹo người qua đường. Tôi đang lúi húi vớt bèo, bỗng sau lưng có tiếng con gái cười rúc rích.
- Ới anh Hành anh Tỏi ơi!
- Anh Hành Héo đang vớt bèo kìa chúng mày ơi!
- Anh Ngọc Hành đang làm gì thế?
Cứ sau mỗi tiếng réo, chọc đểu cái tên của tôi, các cô lại phá lên cười. Mỗi lần bị các nàng ghẹo, tôi chỉ biết đỏ mặt tía tai, chẳng nói được lời nào, cắm mặt vớt bèo coi như không thấy.
Những ngày sau đó, tôi tránh xa con đường mà mấy cô gái này đi qua, lội ra giữa cánh đồng để lấy bèo. Tôi cũng đổi giờ lấy bèo vào giữa trưa, tránh thời điểm các cô gái đẩy xe qua.
Thế nhưng, có 4 cô gái của hợp tác xã Hợp Thành vẫn không tha cho tôi. Tranh thủ giờ nghỉ, cả 4 nàng mò ra cánh đồng, rồi cứ “Hành Héo, Ngọc Hành” mà gọi.
Sau này tôi mới biết 4 cô tên là Hồng, Cúc, Lan, Liên, đều là người Bát Tràng. Cả 4 cô đều là các cầu thủ bóng chuyền của hợp tác xã. Ngày ấy, đội bóng chuyền của hợp tác xã Hợp Thành xếp hạng B quốc gia. Vì là cầu thủ bóng chuyền, nên các xã viên này đều cao ráo lênh khênh.
Hồng và Cúc tháo vát, khỏe mạnh, tiếng vang, mắt sáng, thông minh. Lan có hàm răng khấp khểnh, cười duyên phải biết. Liên có khuôn mặt tròn, mắt nâu mơ mộng, môi đỏ như son, hò vè rất giỏi, tính tình bắng nhắng như lại đứng đắn cực kỳ.
Một lần, tôi đang lấy bèo giữa cánh đồng, cả 4 cô cùng mò ra. Đứng trên bờ, Liên đọc vè xỏ xiên: “Ai mua hành tôi/ Dọc bằng đòn gánh/ Củ bằng bình vôi/ Hành này chẳng hôi/ Dẫu thịt đầy nồi/ Thiếu hành không ngon”.
Cả bọn cười nắc nẻ. Tôi chỉ còn biết đỏ mặt tía tai. Nhưng quả thực, khi đó, tôi chưa hiểu được nghĩa xỏ xiên của mấy nàng trong bài vè do các nàng sáng tác.
Về sau, đọc sách thuốc của Hải Thượng Lãn Ông, có câu: “Âm hộ vô mao bần chi tử/ Ngọc hành chảy mủ ngọc hành hư”, tôi mới biết mấy cô gái này biến tôi thành “cái ấy” của đàn ông để đùa cợt. Đó cũng là lý do để về sau, tôi bắt bố mẹ cải tên Văn Hành thành Đăng Hành, tức là ngọn đèn sáng biết đi, là lên đường đi chiến đấu.