+Aa-
    Zalo

    Tự sự của người "xây tổ ấm" cho những hài nhi bất hạnh: Chỉ mong "thất nghiệp"!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một "ngôi nhà chung" cho những hài nhi xấu số tọa lạc tại thôn Bến Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội ra đời, như dấu lặng buồn giữa cuộc đời.

    Trẻ em là những thiên thần mang nụ cười đến với thế giới, nhưng đâu đó, có những sinh linh còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải rời xa hơi thở của người mẹ. Một "ngôi nhà chung" cho những hài nhi xấu số tọa lạc tại thôn Bến Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội ra đời, như dấu lặng buồn giữa cuộc đời nhưng qua đó, thể hiện cái tâm của những người thiện nguyện.

    "Chung cư trong lòng đất" cho hài nhi xấu số

    Ông Nguyễn Văn Thạo (SN 1950), người trông coi nghĩa trang Đồi Cốc, "ngôi nhà chung" cho những sinh linh xấu số chưa kịp chào đời cũng là nhóm trưởng đầu tiên tham gia công việc này cho biết: "Tất cả chúng tôi đều xác định đây là việc vô vị lợi, là việc thiện, không màng kinh tế và cũng chỉ mong mình "thất nghiệp"".

    Nhấp ngụm nước chè, ông Thạo kể: "Từ giữa năm 2007, chúng tôi quyết định thành lập đội "Bảo vệ sự sống", đi tìm nhặt các thai nhi ở khắp các bệnh viện về chôn cất. Khởi đầu có 3 chị em, gồm 2 vợ chồng tôi và chị Nhiệm, chị họ của tôi.

    Hiện tại, nhóm chúng tôi có 5 người". Khi số lượng hài nhi nhặt về mỗi ngày một tăng, trong khi đất nghĩa trang lại chật, ông Thạo đã cắt một phần đất ruộng của gia đình, xây tường gạch quây lại để có thêm chỗ chôn cất. Ông cho hay, trung bình có khoảng 200 hài nhi/tuần, mỗi tháng có khoảng trên dưới 1.000 hài nhi được nhóm mang về, chôn cất chu đáo.

    Chỉ tay về phía mấy chồng tiểu sành được xếp ngay ngắn cao ngang bức tường ở góc sân, ông giải thích: "Có một giai đoạn, lượng hài nhi bị phá bỏ ngày một tăng, những huyệt mộ sau được đào sâu hơn huyệt mộ trước, tiểu nhỏ cũng dần được thay thế bằng tiểu lớn để có thêm diện tích, nhưng chôn mãi cũng hết chỗ. Người dân địa phương cùng những nhà hảo tâm quyên góp mua được một mảnh đất liền kề khu nghĩa trang Đồi Cốc, để có thêm nơi chôn cất...".

    Ông Thạo bên những "ngôi nhà chung" của các hài nhi.

    Bước về phía nấm mồ vô danh, ông Thạo cho hay, tất cả những ngôi mộ đều được chôn tập thể. Hầu hết là các ô mộ xếp được 3, 4 lượt tiểu sành, chứa khoảng 200 hài nhi, có mộ chứa đến trên dưới 10.000. Đặc biệt, hai ngôi mộ lớn dưới chân bức tượng chính, được tôn lên cao hơn so với mặt đất khoảng 70cm chứa đến 30.000 sinh linh. Hàng tháng, vào ngày Rằm, mùng Một, người dân lại đến thắp hương, cầu mong cho các sinh linh bé bỏng được siêu thoát. Bên cạnh bàn thờ chính có đặt một hòm công đức để khách thập phương có thể phát tâm ủng hộ. Tất cả số tiền được dành để mua tiểu sành tiếp tục chôn cất những hài nhi xấu số.

    Ông cho biết: "Ngày nào chúng tôi cũng có người đến các cơ sở y tế để đưa các bé về. Ấy là sau khi có một thời gian xác nhận chúng tôi thực sự làm điều thiện, họ mới đồng ý để chúng tôi mang các em về. Trước đó, khi họ còn chưa biết đến chúng tôi, họ thậm chí nghi ngờ mang thai nhi về vì mục đích vị lợi nào đó nên không cho...".

    Theo ông Thạo, nhờ có tủ bảo quản, nên mỗi tuần, nhóm tổ chức chôn cất các hài nhi một lần, và coi đó là việc làm phúc cho mai sau. "Thỉnh thoảng lại có một nhóm thiện nguyện ở nội thành Hà Nội, Bắc Ninh hay Vĩnh Phúc... về hỗ trợ, họ cũng giúp chúng tôi thu gom hài nhi tại các tỉnh mang về gửi tại nghĩa trang. Tất cả chúng tôi đều hy vọng, người đời khi nhìn thấy cảnh thương tâm này mà sinh lòng nhân đạo, đừng tước đi sự sống của những sinh linh bé nhỏ", ông Thạo nói.

    Cái tâm của nữ sinh lớp 12

    Theo chân một nữ sinh lớp 12 rong ruổi trên khắp đường phố Bắc Ninh trong đêm tối, tôi không khỏi xúc động trước việc làm và suy nghĩ của em. Đó là một cô gái nhỏ nhắn, nước da trắng, tên L.T.M.T. (SN 2001), hiện đang là học sinh lớp 12 tại Bắc Ninh, với cái tâm "trong trẻo" và muốn làm việc thiện.

    Nhắc đến cơ duyên khiến T. gắn bó với một công việc đặc biệt này khi vẫn còn là một học sinh cấp 3, T. bảo đó là một định mệnh. "Vào một buổi cuối tuần của hơn một năm trước, em có cơ hội được tham gia cùng với các anh chị trong nhóm thiện nguyện, theo chân các anh chị về hỗ trợ công việc chôn cất thai nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc, tọa lạc tại thôn Bến Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Khi đó, em hoàn toàn chưa biết về công việc này. Nhưng khi thấy các anh chị xúm vào, mỗi người một tay gỡ những bọc nilon, loại bỏ rác, làm sạch cho những hài nhi, em cũng mạnh dạn, lấy một đôi găng tay cao su, đeo vào và bắt đầu hỗ trợ. Ngay khi tiếp xúc với những hài nhi bé nhỏ, em bỗng cảm thấy như mình nghe được tiếng khóc rất đáng thương, mặc dù em biết, những hài nhi này còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Vậy là em bắt đầu muốn gắn bó với công việc này một cách thực sự", T. chia sẻ.

    Từ đó, T. tham gia hoạt động trong một câu lạc bộ thiện nguyện tại Bắc Ninh, nhiệm vụ chính là đi đón các hài nhi xấu số tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Tối nào cũng vậy, bất kể thời tiết khô ráo hay mưa lạnh, T. vẫn đều đặn đến những cơ sở y tế, chỉ sợ mình nghỉ một tối thì sẽ có hài nhi bị "lọt", không được chôn cất tử tế mà tội nghiệp.

    T. cho biết: "Nhóm chúng em thường chia người đi mỗi khu vực sẽ có 1, 2 người phụ trách. Hiện tại, em đang phụ trách tại Quế Võ và quanh TP.Bắc Ninh. Hôm nào nhiều thì em nhận được hơn chục bé, đỉnh điểm, có tối, em đi cùng một chị nữa là em đưa về được 18 hài nhi. Bình thường, nếu có người gọi, em sẽ tranh thủ đi đón ngay sau khi đi học về, mang xuống tủ bảo ôn ở Quế Võ rồi mới về nhà".

    Nữ sinh lớp 12 không ngần ngại chia sẻ: "Lúc em mới tham gia, cũng có nhiều người không biết, không hiểu, nói em "điên", nói em "dở"... nhưng em không quan tâm lắm, vì việc em làm xuất phát từ cái tâm. Thậm chí có người hỏi em đi làm việc này có tiền không? Em sẵn sàng trả lời, lương thì chúng tôi cũng có, nhưng đó là lương tâm". (Còn nữa)

    Người dân hiến đất mở rộng nghĩa trang cho hài nhi xấu số

    Ông Nguyễn Văn Trượng (SN 1962, Trưởng thôn Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: "Nhóm của ông Thạo tự nguyện làm công việc này đã hơn chục năm, người dân trong thôn cũng rất ủng hộ việc làm vì lương tâm vì tình cảm này. Nghĩa trang Bến Cốc trước đây là đất của gia đình bà Nhiệm, chị ông Thạo "hiến" cho, sau này, người dân cảm nhận được việc làm ý nghĩa này, mỗi người góp một chút để mở rộng thêm diện tích, xây những "ngôi nhà chung" cho các hài nhi xấu số".

    Cẩm Mịch
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 58
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-su-cua-nguoi-xay-to-am-cho-nhung-hai-nhi-bat-hanh-chi-mong-that-nghiep-a270984.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan