(ĐSPL) - Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2013 ở Việt Nam vừa được viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, các khoản chi phi chính thức có thể được đưa ra để đổi lại dịch vụ nào đó mà quan chức Nhà nước cung cấp.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi kinh tế suy thoái, đáng lẽ ra, doanh nghiệp phải được "cởi trói" khỏi các trở ngại để phát triển thì ngược lại, đôi cánh của họ lại đang phải gánh thêm giấc mộng "tư lợi" của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan công quyền.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!
Kết quả điều tra của viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, có tới 45\% doanh nghiệp chi hối lộ năm 2013, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2011 chỉ là 38\%. Đồng thời, có 15,8\% doanh nghiệp có chi phí không chính thức năm 2011, nhưng đến 2013 đã tăng lên 22,7\%. Đáng chú ý nữa, 38,5\% doanh nghiệp không chi hối lộ trong 2011 đã thực hiện chi hối lộ trong 2013. Và, có tới 19\% doanh nghiệp cho biết phải chi các khoản không chính thức để đối phó với cơ quan thuế.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận phải chi hối lộ để công việc được trôi chảy. (Ảnh minh họa) |
Điều này nghe chừng có phần vô lý bởi tại sao các doanh nghiệp phải chi một loại phí được gọi là "phí quan hệ" để đổi lấy các dịch vụ mà họ đáng ra sẽ được hưởng theo quy định. Tuy nhiên, khoản phí đó đã được không ít doanh nghiệp liệt vào danh mục "đương nhiên phải chi" trong hoạt động xúc tiến kinh doanh. Một vị cán bộ của viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát lần này lên tới gần 3.000. Điều đó cho thấy, kết quả nói lên thực trạng phổ biến đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.
Theo cuộc điều tra, khi được hỏi về các khoản chi phi chính thức, đại diện các doanh nghiệp cho biết, họ chi các khoản này để đối phó, người thu thuế cũng như kết nối với các dịch vụ công. Mục đích hối lộ là để có dịch vụ công nhanh gọn, có giấy phép, đối phó cơ quan thuế và để có hợp đồng với đơn vị Nhà nước.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, những yếu tố ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp như nêu trên là không mới. Thực trạng này khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rủi ro cao hơn, chi phí kinh doanh cũng cao hơn, do đó, điều kiện để gia nhập thị trường khó hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (bộ Tài chính) nhận định: Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những khoản chi phi chính thức như vậy. Có đôi khi là do các cơ quan công quyền vòi vĩnh, nhưng có đôi khi các khoản chi là do các doanh nghiệp tự nguyện. Song, nếu không tự nguyện thì công việc của họ không trôi chảy. Chẳng chủ doanh nghiệp nào sẵn sàng và vui vẻ chi những khoản phi chính thức như vậy. Việc các khoản chi ngoài tăng lên chứng tỏ những phiền hà trong hoạt động kinh doanh đang ngày một lớn.
So với thời điểm trước đó thì năm 2013, khó khăn do kinh tế suy thoái ảnh hưởng càng nhiều đến doanh nghiệp. Đáng lẽ ra họ phải được "cởi trói" khỏi các thủ tục rườm rà, phải được hỗ trợ nhiều hơn. Tuy nhiên, có điều ngược đời là, các khoản chi "hối lộ" để quan hệ với các cơ quan công quyền lại tăng lên khiến họ đã khó khăn lại càng thêm gánh nặng về chi phí.
Theo ông Long, đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam luôn luôn tụt hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Hậu quả là chi phí đội lên, sản xuất khó khăn, doanh nghiệp chậm phát triển.
Ông Long phân tích, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải gặp không ít phiền hà từ các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, các thủ tục đăng ký, cấp phép... Đã có thống kê cho thấy, mức thời gian chi phí để đi làm về thuế ở nước ta cao hơn nhiều các nước khác, ở Việt Nam là 800 giờ/năm trong khi ở trên thế giới con số này chỉ là từ 200-400 giờ/năm...
Để hạn chế những khâu phiền hà, các doanh nghiệp ở nước ta lại phải chi tiền ra. Điều này kéo theo việc các doanh nghiệp dễ chi hối lộ. Bởi, họ cân nhắc giữa thời gian chờ đợi với việc mất một chút phí mà được giải quyết nhanh.
Từ thực trạng trên, ông Long kiến nghị cần sớm loại bỏ tham nhũng khỏi môi trường kinh doanh, bởi về dài hạn, nó không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp mà còn làm méo mó nguồn lực, làm hỏng văn hóa xã hội, văn hóa kinh doanh.
Tư lợi cá nhân "bào mòn" doanh nghiệp
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho hay: "Tình trạng nhiều doanh nghiệp phải chi các khoản tiền hối lộ là đã quá rõ ràng và nếu chúng ta không có quyết tâm xử lý thì đó sẽ là gánh nặng cực kỳ nguy hiểm cho doanh nghiệp. Phải tính những chi phí đó vào chi phí sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ mất đi lợi thế về cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong kinh doanh, đôi khi chỉ cao hơn 1\% hay thậm chí 0,5\% cách biệt về giá thành là đã mất đi cơ hội rồi. Nếu chi phí hối lộ, quan hệ đó làm gia tăng cách biệt về giá cả của sản phẩm lên đến 5-7\% thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và kéo theo đó là khó khăn của cả nền kinh tế”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. |
Hiện tại, các doanh nghiệp đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn như lãi suất cao, khan nguồn vốn... Trong khi, doanh nghiệp nước ngoài lại được hưởng nhiều ưu đãi về cơ hội đầu tư. "Kết quả đã thể hiện rõ ràng qua kim ngạch xuất khẩu năm 2013, các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu tới hơn 60\% kim ngạch xuất khẩu, còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam mình chỉ đạt hơn 20\%. Con số đó đã cho thấy sự báo động rồi. Nếu để những bất cập kéo dài thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ còn teo lại nữa", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường với hàng hoá công nghệ cao, giá cả lại thấp hơn. Doanh nghiệp Việt Nam còn non yếu, đang phải đối diện với nhiều khó khăn mà lại gánh thêm những khoản chi phi chính thức thì sẽ rất khó để cạnh tranh, hội nhập với các doanh nghiệp thế giới. Khi doanh nghiệp trong nước không phát triển được thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ lấn át, chiếm lấy các cơ hội tốt.
Chính vì thế, theo ông Thành, tất cả những gì đã chồng lên trong kinh phí sản xuất kinh doanh bao gồm cả "phí hối lộ" sẽ làm cho các doanh nghiệp giảm đi năng lực phát triển. Vậy nên, trong bối cảnh hội nhập, cần phải triệt để giảm tải các loại phí ấy. Nếu không giải quyết được tình trạng này thì nền kinh tế Việt Nam không thể "bay" lên được. "Đôi cánh của con rồng Việt Nam" sẽ tiếp tục bị trĩu xuống bởi những chi phí như thế.
Theo ông Bùi Kiến Thành, các doanh nghiệp trong nước đang phải loay hoay để giải quyết các vấn đề về lãi suất cao, để tìm cách phát triển thị trường, thu hút người tài... Tại sao, họ lại phải gánh thêm các khoản để chi hối lộ. Việc này là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các cán bộ. Mỗi cán bộ phải làm sao thấy được nguy cơ đối với nhân dân và đất nước và tự mình giảm chi phí tiêu cực xuống.
Mỗi cá nhân phải biết kìm hãm tư lợi của mình đi để giúp các doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng là giảm chi phí cho toàn dân. Lúc đó, các doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh với nước ngoài được. Mở cửa, hội nhập, không phát triển được mà lại chỉ gia tăng về tiêu cực thì vô hình trung chúng ta đang tự "giết chết" chúng ta.
Tìm cách tạo ra những "khó khăn giả tạo" Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu ra thực tế, hiện nay rất nhiều cơ quan không những giảm chi phí tiêu cực xuống mà còn tìm cách tạo ra những khó khăn giả tạo để vòi vĩnh doanh nghiệp. Những năm trước, thực tế này còn ít nhưng những năm sau lại càng nhiều hơn. Nếu cứ tiếp tục tình trạng ấy, các doanh nghiệp làm thế nào để tồn tại và phát triển được? |