Giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến sẽ tăng 8,36%, đưa giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh, từ cuối tháng 3 này.
Theon tin từ ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ này đã lên phương án về tăng giá điện với "mức tăng trên 8%".
Theo lý giải của nhà chức trách, việc tăng giá bán lẻ điện lần này nhằm lành mạnh hoá thị trường điện. Ảnh minh họa |
Cụ thể, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019.
Việc tăng giá bán lẻ điện lần này, theo lý giải của nhà chức trách, nhằm lành mạnh hoá thị trường điện. Hiện cơ cấu nguồn điện huy động từ khí, điện than đắt hơn, mức tiêu thụ tăng 10% trong khi các dự án điện ngoài EVN bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng, tiêu dùng.
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng, phương án tăng giá điện trong khung 5-10% sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá cuối tháng 1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo đề nghị các bộ phải "kiểm soát, minh bạch yếu tố đầu vào". Chẳng hạn, điều chỉnh giá điện phải tính tới sự đồng bộ với giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng và thời điểm phù hợp.
Theo Bộ Công thương, trước điều chỉnh, giá điện của Việt Nam là hơn 7 cent, sau điều chỉnh là gần 8 cent. Trong khi đó, giá điện các nước xung quanh như: Ấn Độ 8 cent, Trung Quốc 8 cent, Lào 9 cent, Indonesia 10 cent, Canada 11 cent…
Đánh giá về tác động, ông Vượng cho biết thêm, việc tăng giá điện lần này có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP giảm 0,22%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,29%.
Vũ Đậu (T/h)