Gom trái cây ở miệt vườn các tỉnh miền Tây sang bán ở cửa khẩu Campuchia, chị Trần Thị Kim Cúc thành chủ vựa lớn nhất khu vực, thu hàng chục tỷ mỗi năm.
Công ty của chị Trần Thị Kim Cúc ở thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang chuyên thu gom các loại trái tươi để xuất sang Campuchia từ nhiều năm nay, nguồn thu mỗi năm lên tới cả chục tỷ đồng. Song không nhiều người biết, bà chủ doanh nghiệp này khởi nghiệp với những mẹt trái cây hết sức vất vả.
Quê ở TP.HCM, năm 2001, học hết lớp 12, chị Cúc rời thành phố về miền Tây lập nghiệp bằng nghề buôn bán trái cây. Nơi chị dừng chân là vùng Bảy Núi - An Giang. Chị kể, nói là buôn bán cho "oai", chứ thực ra là một mình một thúng ra chợ đón mua từng nải chuối, mớ rau rồi bán lại. Đầu bù tóc rối từ sáng tới chiều mà vẫn thiếu trước hụt sau, nhiều lúc phải ăn bờ ở bụi, nhưng lòng vẫn háo hức hướng về nghề kinh doanh trái cây.
Không còn phải tận chợ thu gom từng kg trái cây lẻ, hiện chị Cúc chủ yếu điều hành mua bán qua điện thoại. Ảnh: Ngọc Trinh |
Niềm mơ ước lớn nhất của chị là có được một sạp mua bán trái cây. Để thực hiện hoài bão đó, chị phải làm việc cật lực, ngày ngày rong ruổi đi tìm nguồn hàng. Công việc đã vất vả lại gặp phải cảnh “ma cũ ăn hiếp ma mới”. Ngồi bán đâu chị cũng bị xua đuổi và kỳ thị, kiểu “hàng thịt nguýt hàng cá”, thậm chí còn bị uy hiếp, nhất là nhân viên quản lý chợ lúc nào cũng coi chị như một người bán lậu trốn thuế, khiến chị vô cùng chán nản, có lúc định cuốn gói trở về TP.HCM.
Để có được đồng lời, mỗi ngày chị phải thức từ ba, bốn giờ khuya để đón mua những mặt hàng từ trên núi Cấm chuyển xuống, sau đó bán sỉ lại cho thương lái đường xa. Nghề dạy nghề, không bao lâu chị đã thông thạo đường đi nước bước. Quen mặt đắt hàng, nhiều nhà vườn tin tưởng mời chị đến tận vườn bán xô nguyên cây, nguyên vườn. Thế là từ một hàng xáo, dần dần chị trở thành thương lái chính hiệu.
Mùa nào chị cũng có mặt ở các vườn cây khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để ngã giá, đặt mua trái cây trước ngày thu hoạch. Từ bán sỉ lại cho thương lái, giờ đây các loại trái cây "xịn" như vú sữa Vĩnh Kim, bưởi Năm Roi, cam, quýt, chôm chôm, thanh long... chị thu gom được đều xuất trực tiếp sang Campuchia.
Mỗi ngày có hàng chục tấn trái cây của Việt Nam do chị Cúc thu mua được bán sang Campuchia tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên – An Giang. Ảnh: Ngọc Trinh |
Là một thương lái dạn dầy nắng sương, chị Kim Cúc luôn dặn mình và nhân viên phải biết đặt chữ tín lên hàng đầu. Với chị, khi đã hứa với nông dân thì phải giữ lời, dù thị trường giá cả có biến động cũng phải giữ đúng hợp đồng, mua bán sòng phẳng, tuyệt đối không “ăn chặn ăn bớt ”, dù có những vụ phải chịu cảnh thiệt thòi mất giá.
Cách làm ăn chân tình, uy tín và có trách nhiệm, bạn hàng đến với chị ngày càng đông, đặc biệt là nhà vườn coi chị như một đối tác đáng tin cậy, sẵn sàng chia sẻ quyền lợi với phương châm “hai bên cùng có lợi”. Nhờ vậy mà không bao lâu chị đã trở thành chủ vựa nổi tiếng ở thị trấn Tịnh Biên.
Mỗi ngày từ sáng sớm, thương lái Campuchia đã tập trung về vựa trái cây của chị Cúc mua hàng. Ảnh: Ngọc Trinh |
Năm 2007, chị thành lập công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Kim Cúc, chuyên doanh các mặt hàng thực phẩm, nông sản, hoa quả tươi … Là giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh trái cây lớn nhất vùng biên, nhưng chị luôn gắn đời thương lái tần tảo của mình với nông dân, không quên những ngày tần tảo, phấn đấu từ một hàng xáo bán lẻ bên lề đường đến thương lái “mua tận gốc bán tận ngọn”.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày chị thu mua của nông dân Việt Nam từ 30 – 50 tấn trái cây đủ loại để xuất sang Campuchia, mua lại từ nước bạn một số mặt hàng như me, xoài… cung ứng về thị trường trong nước mà không qua một trung gian nào. Tại vựa của chị lúc nào cũng rộn ràng tấp nập, nhất là sáng sớm, hàng chục xe tải, xe thồ thi nhau chở hàng hướng về cửa khẩu, khiến không khí vùng biên này trở nên sôi động khác thường.
Lúc trái cây hút hàng thương lái Campuchia sang tận vựa của chị thu mua. Ảnh: Ngọc Trinh |
Chị bộc lộ một cách chân tình: “Bà con nông dân trồng được trái cam trái quýt phải đổ bao mồ hôi nước mắt. Mình phải biết thương họ, đồng cảm và chia sẻ với họ, nhất là những lúc trái cây rớt giá, đừng lợi dụng thao túng, ép giá làm khổ nông dân. Trải qua bao gian truân khổ cực, tôi đã nghiệm ra rằng, chỉ có những người thật thà mới ăn nên làm ra, mua gian bán lận thì rồi “của thiên sẽ trả địa”.