+Aa-
    Zalo

    TS. Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất vẫn còn quá cao!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “đóng băng tín dụng” là một căn bệnh khó chữa nhất của bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào.

    Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “đóng băng tín dụng” là một căn bệnh khó chữa nhất của bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào và để cải thiện tình trạng này cần phải có một quá trình phấn đấu dài.

    TS. Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất vẫn còn quá cao!

    TS. Lê Xuân Nghĩa: “Mức lãi suất tuy hạ nhưng thực tế vẫn còn là rất cao”. (Ảnh: Thu Thuỷ)

    Theo một báo cáo mới được Ngân hàng Nhà nước công bố thì tính đến ngày 30/9/2014, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 7,26\% so với cuối năm 2013.

    Có thể nói đây là một mức tăng đầy “bất ngờ” nếu đem ra so sánh với con số được công bố 2 tháng trước đó, khi biết rằng trong suốt 7 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ là 3,4\% và nhìn xa hơn, tính đến đầu tháng 6 con số tương ứng thậm chí chỉ đạt 1,31\%.

    Điều này có thể được lý giải do quy luật tăng mạnh vào những tháng cuối năm của thị trường tín dụng Việt Nam trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, không thể không kể đến nỗ lực tích cực của hệ thống các ngân hàng thương mại trong việc giảm mặt bằng lãi suất cũng như việc thay đổi các điều kiện tín dụng một cách mạnh mẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước.

    Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia mức tăng trưởng tín dụng trên vẫn còn khá thấp. Theo dự báo của HSBC, tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 của Việt Nam có thể chỉ đạt 10\%, thấp hơn nhiều mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra.

    Hầu hết các ngân hàng trong hệ thống hiện nay đều xảy ra tình trạng tăng trưởng tín dụng “èo uột” trong khi huy động vẫn tăng, đặc biệt như BIDV và Vietcombank tỷ lệ tăng trưởng huy động còn cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

    Đồng thời, “bóc” rõ cơ cấu tín dụng của các ngân hàng thì lại thấy một hiện tượng rất đáng lưu ý. Đó là dòng vốn tín dụng thực sự chảy vào vào sản xuất cũng lại rất ít ỏi khi theo quy định hiện hành, cho vay khách hàng, cấp bảo lãnh và đầu tư, mua trái phiếu đều được tính vào tăng trưởng tín dụng.

    Điển hình như tại VietinBank, theo thống kê, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm của ngân hàng này là 3,8\%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính mảng cho vay khách hàng, thì tín dụng của VietinBank chỉ tăng 0,45\%. Rõ ràng, VietinBank đang tăng trưởng tín dụng chủ yếu dựa vào cấp bảo lãnh và đầu tư, mua trái phiếu và đây cũng chính là tình trạng chung của nhiều ngân hàng hiện nay.

    Thị trường đang xảy ra một thực tế khá mâu thuẫn đó là ngân hàng thì thừa tiền, doanh nghiệp lại thiếu vốn nhưng tín dụng vẫn không lưu thông mà như cách gọi của nhiều chuyên gia là “đóng băng tín dụng”.

    Trao đổi với với ANTT&TT, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên hồi đồng tư vấn tài chính tiền tệ Nhà nước, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết: Tình trạng “đóng băng tín dụng” có nguồn gốc sâu xa xuất phát từ “lòng tin”. Mất lòng tin cũng đồng nghĩa với việc mất quan hệ tín dụng.

    Bên cạnh đó, rủi ro của thị trường hiện nay cũng rất cao do cầu tiêu dùng yếu, sản phẩm sản xuất ra cũng khó tiêu thụ, sản lượng tồn kho của nền kinh tế còn lớn, tình trạng nợ chéo, nợ gối đầu lẫn nhau phổ biến ở nhiều doanh nghiệp dẫn tới nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh thấp.

    Thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình trạng mất lòng tin trong quan hệ tín dụng cộng với việc nợ xấu gia tăng chính là những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng “đóng băng tín dụng”.
    Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “đóng băng tín dụng” luôn là một căn bệnh khó chữa nhất của bất kỳ một cuộc khủng hoảng tài chính nào.

    Khi khủng hoảng nổ ra, hành động trước hết của mọi nhà băng đó là thắt chặt lại việc cho vay nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo toàn vốn. Đối tượng bị tác động đầu tiên và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hành động thắt chặt tín dụng chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (có số lượng đông nhất, phát triển nhanh nhất), đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lâp (do uy tín và quan hệ tín dụng chưa nhiều nên các ngân hàng sẽ rất cẩn trọng trong việc xét duyệt cho vay).

    Theo các con số thống kê tại Mỹ thì đầu năm 2014, tỷ lệ tín dụng dành cho DNNVV chỉ mới đạt 80\% so với trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Những con số tương tự tại Tây Ban Nha và Ý thậm chí còn chỉ bằng một nửa, 40\%. Mức tăng trưởng âm đó chứng tỏ nguồn tín dụng dành cho khối doanh nghiệp này đã bị suy kiệt.

    Khủng hoảng kinh tế cũng “giáng đòn” mạnh mẽ vào thu nhập của tầng lớp trung lưu, tầng lớp mà theo TS.Nghĩa là gia tăng nhanh nhất trong tất cả các xã hội đang phát triển. Việc bị giảm thiểu thu nhập, mất việc làm sẽ làm cho mỗi người phải “căn cơ” hơn trong từng quyết định chi tiêu.

    Sau khủng hoảng, ngân hàng thận trọng trong cho vay, doanh nghiệp thận trọng trong đầu tư, dân chúng cũng thận trọng trong tiêu dùng, “vòng luẩn quẩn” vô hình chung cũng lại trở thành chiếc “vòng kim cô” kìm hãm tín dụng tăng trưởng.

    Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù thị trường bất động sản đã có những khởi sắc, thị trường chứng khoán cũng đã tăng trưởng trở lại nhưng thị trường tín dụng thì vẫn chưa được phục hồi trên toàn cầu, như cách nói của Chính phủ Mỹ là “tảng băng tín dụng bắt đầu tan”.

    Do đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp nhưng Việt Nam cũng không thể “sốt ruột”. Bởi như đã đề cập, quan hệ tín dụng được xây dựng dựa trên nền tảng là “lòng tin”. Việc cấp tín dụng phải dựa trên cơ sở là năng lực thực tế trên thị trường chứ không thể sử dụng các biện pháp hành chính để yêu cầu các ngân hàng hay khách hàng đi vay và cho vay.

    Ngoài ra, theo TS. Nghĩa, tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế rất nặng nề, đặc biệt là trong quan hệ tín dụng như hiện nay cũng là một trong những rào cản lớn làm cho các ngân hàng, viên chức ngân hàng “phải phòng thân” và càng trở nên cẩn trọng trong các quyết định cấp tín dụng.

    TS. Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất vẫn còn quá cao!

    Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp đói vốn nhưng tín dụng vẫn chưa thể lưu thông.

    Trả lời câu hỏi của phóng viên ANTT.VN về việc tại sao trong thời gian qua mặt bằng lãi suất đã được hạ xuống tích cực mà tình trạng tín dụng vẫn chưa được cải thiện, vị chuyên gia tài chính này chia sẻ: “Mức lãi suất tuy hạ nhưng thực tế vẫn còn là rất cao”.

    Cụ thể, mức lãi suất cho vay quân bình hiện nay phổ biến ở mức 11-12\%/năm.

    Thứ nhất, so với tỷ lệ lạm phát được dự báo là 3,5-4\% trong năm 2014 thì con số 11-12\% như trên là quá cao.

    Thứ 2, mức lãi suất đó cũng quá cao nếu so sánh với năng suất lao động của Việt Nam.

    Nếu trước đây, tỷ lệ lãi ròng trên vốn tự có của các doanh nghiệp trung bình là 14\% thì hiện tại con số đó chỉ còn lại một nửa, 7\%.

    Như vậy, rõ ràng là mức lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn là rất cao. Đặc biệt là với nền kinh tế Việt Nam, khi chiếm phần lớn là các DNNVV, sống dựa vào các hoạt động gia công, chế biến, chủ yếu lợi dụng lao động giá rẻ để tạo ra lợi nhuận.

    Tuy nhiên, theo quy luật thì giá lao động ngày càng cao hơn và hiện nay, khi lợi thế của lao động giá rẻ càng giảm đã kéo theo sự “teo dần” của các khoản lợi nhuận.

    Chi phí lao động tăng, lãi suất cao làm cho các DNNVV bị đẩy dần tới giới hạn chịu đựng, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập.

    Tóm lại, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cải thiện tăng trưởng tín dụng là một nhiệm vụ không hề đơn giản và đó phải là một cuộc phấn đấu dài với những bước đi chính xác và vững chắc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ts-le-xuan-nghia-lai-suat-van-con-qua-cao-a54942.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngân hàng có thể hạ lãi suất cho vay

    Ngân hàng có thể hạ lãi suất cho vay

    (ĐSPL) - Các ngân hàng có thể hạ lãi suất cho vay khi căn cứ vào lượng vốn, lãi suất đã huy động và tiết giảm các chi phí, quản lý tài chính một cách tốt hơn.