Người dân ở xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đang hết sức hoang mang, bởi sau mỗi đêm, hàng loạt cây dừa bị loài động vật chưa xác định khoét 1 lỗ tròn to xuyên qua thân. Nghi “con vật lạ” tấn công, cắn phá người dân đã gài bẫy, đánh thuốc nhưng vẫn chưa bắt được khiến họ càng lo lắng do chưa có hướng xử lý.
Gốc dừa nằm nghiêng ngả nghi bị “con vật lạ” cắn phá. Ảnh: Người Đưa Tin |
Vết cắn lạ để lại trên thân cây
Sáng trung tuần tháng Tám, PV Báo ĐS&PL đã đến vườn dừa của ông Nguyễn Hữu Năm Nhỏ (55 tuổi) tại ấp 3 xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu về “vật lạ” đang phá hoại cây cối khiến bà con lo lắng.
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, ông Năm Nhỏ cho biết, đến thời điểm này cũng chỉ qua vài đêm, vườn dừa hơn 3 công (mỗi công là 1.000m2 – PV) mà gia đình ông đã bỏ công chăm sóc đã bị “con vật lạ” cắn phá hơn mất hơn một nửa. Nhiều cây dừa non mới chỉ hơn 1,5 tuổi ngã đổ xuống mặt đất, hàng chục cây dừa khác cũng đang phải chịu “án tử”.
Vẻ mặt buồn rầu, ông Năm Nhỏ cho hay, mấy ngày qua ông cùng gia đình hết sức lo lắng vì vườn dừa mất nhiều công chăm sóc đột nhiên bị cắn phá xuyên gốc nằm la liệt, thiệt hại lên đến hàng chục triệu đồng.
Ông kể, do nhà ông ở xa vườn dừa nên cứ khoảng vài ba ngày mới đến chăm sóc. Gần một tuần trước, ông phát hiện 2 – 3 gốc dừa non bị ngã quẹo. Đến gần kiểm tra thì hoảng hồn khi nhìn thấy tận dưới gốc một lỗ hình tròn to cỡ khoảng miệng chén cơm, xuyên thấu hai bên gốc.
Lúc đó, ông Nhỏ chỉ nghi là bị con đuông (thuộc loại bọ cánh cứng – PV) ăn thôi nên không để ý gì.
“Hai ngày sau, tôi lại phát hiện tiếp hơn chục gốc cũng rơi vào cảnh tương tự. Tôi đã mua thuốc diệt chuột cũng như mua bẫy để gài vì như người cho rằng có thể là do loài gặm nhấm cắn phá vì xung quanh rất nhiều bờ cỏ, bụi rậm um tùm...”, ông Nhỏ đặt nghi vấn.
Cũng theo ông Năm Nhỏ, mặc dù đã đặt thuốc diệt chuột, đặt nhiều gập (bẫy chuột - PV), nhưng mấy ngày hôm sau bẫy vẫn không thấy chuột, trong khi đó, thì số gốc dừa non bị cắn phá với dấu vết cắn tương tự không có dấu hiệu dừng lại.
Không còn cách nào khác nên ông Nhỏ đã trình báo đến ngành nông nghiệp với mong muốn sẽ được trợ giúp về cách phòng ngừa bằng biện pháp tốt nhất.
Cách nào để phòng ngừa?
Tại khu vườn dừa của anh trai ông Nhỏ là ông Nguyễn Hữu Ái cũng đã có một số gốc rơi vào cảnh tương tự. Tuy nhiên, khi mới phát hiện sự việc, người nhà của ông Ái đã dùng đất đắp lại đồng thời dùng lưới sắt bao xung quanh gốc cây.
Ghi nhận tại hiện trường, các gốc bị cắn phá đều bị ăn hết phần củ hũ dừa và để lại vết tương đối giống nhau: Thân cây xiêu vẹo, sát phần gốc dừa bị khoét tròn một lỗ thấu hai bên thân cây.
Cụ Lê Thanh Bình, (72 tuổi), người địa phương nhận định, có thể là sóc, nhím hoặc con dúi tìm đến phá hoại mùa màng.
“Tôi sống đến từng này tuổi mới nhìn thấy hiện tượng lạ như vậy. Không biết nó là con vật gì mà răng sắt bén như thế. Chỉ sau vài ngày chúng đã phá gần hết vườn dừa trong khi thân dừa rất cứng. Chuột thì không thể nào làm được như vậy vì bả dăm của thân dừa để lại rất lớn, lại không có dấu chân hay đường mòn nào” cụ Bình nói.
Một số người dân nghi ngờ nơi đây xuất hiện “con vật lạ” nhưng chưa ai xác định là con gì. “Có thể ai đó mang con vật đó đi ngang qua đây hoặc nuôi nó nhưng bị xổng rồi chúng vào vườn của người dân cắn phá. Rất mong cơ quan chức năng sớm tìm ra con vật kỳ lạ để chúng tôi an tâm sản xuất”, ông Nguyễn Văn Chính, người dân khu vực ấp 3 cho biết.
Liên quan đến sự việc bí ẩn, ông Âu Trọng Hữu, phụ trách nông nghiệp xã Tân An Luông thông tin, toàn xã có khoảng 500ha tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích trồng dừa là trên 350ha.
Sau khi tiếp nhận tin báo, chính quyền xã đã đến khảo sát và đưa ra nhiều giả thuyết và bày cách cho nông dân phòng ngừa là đắp bùn quanh gốc dừa để khi con vật đến sẽ để lại dấu chân, sau đó xác định nó là con vật gì, hoặc dùng bẫy đặt bắt là phương án thiệt thực nhất.
Trước hiện tượng kỳ lạ trên, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện Sở này đã nắm được tình hình và đã cử đoàn đến xã Tân An Luông để phối hợp ghi nhận, tìm hiểu và theo dõi nhằm đánh giá thực trạng.
“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa thể xác định được đó là con gì mà chỉ suy đoán là loài gặm nhấm thực vật như con dúi, con nhím, con nhan... Hiện, Sở cũng đã chỉ đạo truy tìm bằng cách khuyến khích người dân đặt bẫy, phát hoang bụi rậm xung quanh và nhiều biện pháp khác để có thể bắt được loài vật “bí hiểm” này, bảo vệ cây trồng, tránh gây hoang mang dư luận”, ông Liêm nói thêm .
Thanh Lâm
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 34