+Aa-
    Zalo

    Thông tin mới nhất về trường học có khả năng không thể tổng kết học kỳ 1 ở Thanh Hóa

    (ĐS&PL) - Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), nhà trường đã được bố trí giáo viên bộ môn tiếng Anh trước nguy cơ không thể tổng kết học kỳ 1 do thiếu giáo viên, các em học sinh không được học môn tiếng Anh từ đầu năm đến nay.

    Ngày 4/12, thông tin trên báo Dân trí, thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), cho biết, bắt đầu từ thứ 2 (4/12), nhà trường đã có giáo viên bộ môn tiếng Anh.

    Thầy Tài cho biết thêm: "Hiện nhà trường đã có giáo viên môn tiếng Anh và bắt đầu công tác giảng dạy từ thứ 2 tuần này. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để thầy giáo dạy bù cho kịp chương trình".

    truong hoc co kha nang khong the tong ket hoc ky 1 kip thoi bo tri giao vien day tieng anh2
    Thầy Hà Trung Đính bắt đầu dạy môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn kể từ thứ 2 (4/12).
    Ảnh: Dân trí.

    Theo đó, thầy giáo Hà Trung Đính, đang công tác tại Trường Tiểu học Cổ Lũng, huyện Bá Thước được bố trí lên dạy hỗ trợ cho Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn.

    Đây là kết quả đạt được sau khi Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước có ý kiến chỉ đạo và các đơn vị trường học phối hợp bố trí, sắp xếp giáo viên để Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn có giáo viên tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường.

    Nguồn tin từ phía nhà trường, từ đầu năm đến nay, các học sinh Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn chưa được học môn tiếng Anh nên nhà trường phải bố trí, sắp xếp tăng cường dạy cả thứ 7 và chủ nhật để đảm bảo kịp chương trình học kỳ 1.

    Như đã đưa tin trước đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn đã bày tỏ nỗi lo khi học kỳ 1, năm học 2023-2024 đã sắp hết nhưng nhà trường còn gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên.

    "Từ đầu năm học đến nay, nhà trường không có giáo viên tiếng Anh. Trong khi đó, theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, từ lớp 3, tiếng Anh là môn học bắt buộc. 

    Giáo viên tiếng Anh của nhà trường đã xin nghỉ việc từ đầu năm. Nhà trường đã có tờ trình gửi lên Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước. Hiện chưa tuyển được giáo viên mới", Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

    Cũng theo thầy Tài, nếu không có giáo viên tiếng Anh, nhà trường sẽ không hoàn thành được chương trình giáo dục trong học kỳ 1. Không có điểm môn ngoại ngữ đồng nghĩa với việc không thể tổng kết học kỳ 1. Điều đó ảnh hưởng tới các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 của nhà trường.

    truong hoc co kha nang khong the tong ket hoc ky 1 kip thoi bo tri giao vien day tieng anh1
    Địa bàn hiểm trở cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà trường thiếu giáo viên. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

    Báo Thanh Hóa cũng đã thông tin về tình hình thiếu giáo viên của Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn, được biết nằm ở thôn Mười, cách trung tâm xã Lũng Cao khoảng 10km. Trường hiện có 125 học sinh (khối tiểu học 67 em, khối THCS 58 em), 15 cán bộ, giáo viên nhân viên, trong đó có 12 giáo viên đứng lớp. Riêng khối THCS, số lượng giáo viên theo định biên của nhà trường là 7,4 người, tuy nhiên hiện tại chỉ có 4 giáo viên.

    Thầy Tài chia sẻ: "Khối THCS của nhà trường hiện có 4 lớp 6, 7, 8, 9 với 4 giáo viên giảng dạy. Là hiệu trưởng, theo quy định tôi chỉ dạy 2 tiết/tuần. Nhưng hiện tại tôi đang dạy 10 tiết/tuần, có thời điểm dạy tới 19 tiết/tuần. Khó khăn của chúng tôi hiện nay là thiếu giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ."

    Lý giải cho tình trạng thiếu giáo viên của nhà trường, thầy Tài chia sẻ, do Trường Tiểu học & THCS Cao Sơn đóng trên địa bàn miền núi, đường dốc nguy hiểm, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất sinh hoạt của các thầy giáo còn thiếu thốn.

    Ngoài ra, việc 3 thôn Son - Bá - Mười ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn từ tháng 6/2021 đến nay khiến phần trăm đứng lớp của các giáo viên bị giảm nhiều, nhất là giáo viên trẻ. Thay vì được hưởng 140% đứng lớp thì nay chỉ còn 35%, giảm 105%.

    Dù điều kiện giáo viên cũng như điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò nhà trường vẫn đạt được nhiều thành tích trong họp tập. Được biết, trong 3 năm trở lại đây, tỉ lệ đỗ vào THPT của học sinh Trường TH&THCS Cao Sơn luôn đạt 100%. Tuy nhiên, việc không được học môn Tiếng Anh là thiệt thòi lớn cho các em học sinh. Chất lượng dạy và học của nhà trường cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

    Bảo An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-hoc-co-kha-nang-khong-the-tong-ket-hoc-ky-1-kip-thoi-bo-tri-giao-vien-day-tieng-anh-a602119.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Giáo viên không được tổ chức dạy thêm trong những trường hợp nào?

    Giáo viên không được tổ chức dạy thêm trong những trường hợp nào?

    Thực tế cho thấy việc dạy thêm của giáo viên vẫn đang diễn ra phổ biến trong xã hội. Đây cũng là vấn đề được xã hội quan tâm, mới đây trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng tình với quan điểm đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, pháp luật có quy định như thế nào về việc này?