Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhiều thí sinh không khỏi lo lắng, thậm chí có nhiều bạn còn phải vào bệnh viện vì suy nhược cơ thể do tâm lý, áp lực việc thi cử.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: Các em học sinh cần xác định, kỳ thi thực chất là điều kiện để một đứa trẻ trưởng thành. Nó như những nấc thang mà mỗi một năm các em phải bước lên một bước. Điều quan trọng là phải tự bản thân các em bước lên nấc thang mới để khẳng định sự nỗ lực sau một năm học tập chứ không ai làm thay các em. Như vậy mới nói là “cá chép hóa rồng”, chính các bạn phải tự vượt qua khó khăn, vượt qua kỳ thi của mình.
Khi đã xác định được như vậy thì các em đừng nghĩ kỳ thi là cái gì quá ghê gớm, từ đó hạn chế được tối đa những áp lực, tâm lý trước thi cử. Thay vì thấy áp lực, tâm lý thì các em hãy hào hứng đón nhận, khám phá “nấc thang” phía trước có gì mới lạ và cố hết sức chinh phục.
TS. Vũ Thu Hương khuyến khích các em và phụ huynh tránh đặt nặng tâm lý. Thay vào đó hãy luôn tạo môi trường thoải mái, vui vẻ và một sức khỏe tốt để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh Nguyễn Mạnh Hùng học tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: Thời điểm này đối với chúng em được xem là khá nhạy cảm, chúng em khó giữ được bình tĩnh. Phụ huynh cũng nhận ra điều này nên thường sẽ không hỏi nhiều về chuyện học hành mà chỉ động viên và chăm sóc chúng em có chế độ ăn uống đầy đủ chất, nhắc nhở đi ngủ đúng giờ để đảm bảo sức khỏe cho “cuộc chiến” sắp tới.
Sau khi trò chuyện với bạn bè và được một số anh chị thi trước chia sẻ thì bản thân Hùng nhận ra việc dễ tức giận trong thời gian này là do các em quá căng thẳng, như vậy sẽ không tốt và ảnh hưởng tới kết quả thi.
“Ngay sau đó, em đã dành thời gian để trấn tĩnh lại. Em nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ về lực học, nguyện vọng của bản thân. Bố mẹ em rất tâm lý và ngay lực tức ủng hộ, động viên em rằng có rất nhiều phương án, không học trường này thì trường khác; quan trọng là tinh thần em phải thật thoải mái”, Hùng tâm sự.
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là Hùng cùng các bạn học sinh khác bước vào kỳ thi. Hiện tại, Hùng khá lạc quan, tinh thần thoải mái hơn nhiều và đã sẵn sàng cho kỳ thi “vượt vũ môn” sắp tới.
Là người trải qua kỳ thi một cách nhẹ nhàng với điểm số rất cao, Đặng Công Phúc, 23 tuổi, từng là thủ khoa đầu vào khối A1 của trường Đại học Thủy Lợi chia sẻ bí quyết học tập, thi cử hiệu quả.
Đặng Công Phúc cho rằng, điều quan trong nhất trong giai đoạn “nước rút” này là các bạn thí sinh đừng chú tâm quá nhiều vào việc kiến thức mà là luyện tâm lý.
“Trong thời gian này, theo em, quan trọng nhất đối với các bạn thí sinh chính là tâm lý. Mình áp lực, tâm lý nhiều thì đi thi sẽ ảnh hưởng đến phần nào kết quả của mình. Em có động viên nho nhỏ là các bạn nên giữ cho đầu óc mình thoải mái nhất, đừng áp lực quá; mặc dù nguyện vọng của mình có thể cao nhưng hãy tự tin vào khả năng của mình, giữ vững tâm lý”, Đặng Công Phúc chia sẻ.
Còn về phương pháp học tập, rút ra từ kinh nghiệm bản thân, Thủ khoa Đại học Thủy Lợi bật mí: Các bạn nên phân bổ thời gian làm đề. Ví dụ như khối A1 của Phúc, sáng thì làm đề Toán, chiều Lý, tối Anh. Khi làm đề nào thì bạn cố gắng hết sức, tập trung làm đề đó. Sau khi làm xong hết hãy so lại với đáp án, đánh giá lỗi sai của mình và sửa lại, rút kinh nghiệm và ghi nhớ những lỗi sai mắc phải, đừng để lặp lại ở đề bài tương tự.
Theo Phúc thì các bạn thí sinh không nên cố “cày ngày cày đêm”, thứ nhất sẽ không nhồi nhét thêm được bao nhiêu kiến thức; thứ hai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi tâm lý mình thoải mái thì kết quả đạt được sẽ tốt.
Trước kỳ thi “vượt vũ môn” sắp tới, Thủ khoa Đại học Thủy Lợi Đặng Công Phúc cũng nhắn nhủ và gửi lời chúc chiến thắng tới tất cả các bạn thí sinh. Hãy là những chú “cá chép” dũng cảm, tự tin để chinh phục cánh cổng đại học đang chào đón các bạn.
Tư Viễn