(ĐSPL) – Trong khi dùng giàn khoan xâm lấn Biển Đông và phát hành bản đồ “xâm lược” lãnh thổ nước khác, Tập Cận Bình vẫn nói Trung Quốc sẽ không bá quyền.
Chủ tịch Tập Cận Bình thề thốt rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt ý chí của mình lên các nước khác cho dù Trung Quốc có mạnh như thế nào đi chăng nữa.
Ông Tập đã nói như trên ở Bắc Kinh khi ông tiếp các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Myanmar vào cuối tuần, nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký hiện định thiết lập “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” giữa Trung Quốc và hai nước nói trên.
Ông Tập Cận Bình nói…
|
Tập Cận Bình: "Bá quyền và quân phiệt không có trong huyết quản của người Trung Quốc"? |
Trong buổi tiếp này, Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc không có quan niệm là một nước nào đấy chắc chắn sẽ tìm cách thiết lập bá quyền một khi trở nên hùng mạnh. Bá quyền và quân phiệt không có trong huyết quản của người Trung Quốc. Trước sau như một Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình vì đây cũng lợi ích của Trung Quốc, lợi ích của châu Á và của cả thế giới”.
Và dường như làm nhằm vào Mỹ, Tập Cận Bình nói rằng ‘thời thống trị của siêu cường đã qua rồi’. Ông Tập nói tiếp: “Ý nghĩ thống trị quan hệ quốc tế đã thuộc về quá khứ và những nỗ lực như thế trước sau gì cũng thất bại. Phô bày sức mạnh quân sự chỉ thể hiện thiếu tầm nhìn hoặc thiếu cơ sở đạo đức chứ không cho thấy là mạnh”.
Từ Bắc Kinh, phóng viên BBC Damian Grammaticus nhận định về bài phát biểu của ông Tập: “Với bài phát biểu này, chủ tịch Trung Quốc có một mục tiêu rất rõ ràng: ông muốn trấn an các nước láng giềng và các nước khác đang dõi theo sự vươn lên của Trung Quốc vốn đang tự hỏi nước này sẽ trở thành một siêu cường như thế nào. Tuy nhiên liệu thông điệp của ông Tập có đạt được mục đích hay không lại là chuyện khác. Phó Tổng thống Ấn Độ cũng có mặt để nghe ông Tập nói nhưng có nhiều lãnh thổ mà họ cho là của họ hiện Trung Quốc đang kiểm soát hoặc tuyên bố có chủ quyền. Và trong những tháng gần đây chúng ta đã chứng kiến va chạm trên biển giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam và căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với Hà Nội, Manila và Tokyo xung quanh tranh chấp biển đảo…Khi mà Trung Quốc chi tiêu ngày càng nhiều cho quân sự và đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng thì các nước láng giềng và Mỹ sẽ nhìn xem những gì Trung Quốc làm cũng như những gì mà họ nói”.
…và Trung Quốc làm
Trước đó, Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc phải tăng cường bảo vệ các đường biên giới trên bộ và trên biển, vào lúc tranh chấp chủ quyền Biển Đông gây thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.
Theo Tân Hoa Xã, Tập Cận Bình tuyên bố như trên trong một cuộc họp toàn quốc vào ngày 27/6, với sự tham gia của các lãnh đạo khác của Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nhắc lại rằng “chính sự yếu kém của quốc gia trong quá khứ đã giúp những kẻ ngoại xâm phá vỡ phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc hàng trăm lần, đẩy đất nước Trung Quốc đến tận cùng của tai họa”.Tập Cận Bình kêu gọi người dân Trung Quốc “không được quên quá khứ nhục nhã đó và xây dựng biên giới vững chắc”.
Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc còn kêu gọi các lực lượng bảo vệ biên giới phải giám sát chặt chẽ và kiểm soát đường biên giới và sẵn sàng có hành động để bảo vệ quyền trên biển của Trung Quốc.
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình về biên giới Trung Quốc được đưa ra vào lúc Bắc Kinh đang có thêm những hành động cứng rắn nhằm xác quyền chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng với Việt Nam và Philippines.
Ấn Độ phản đối bản đồ mới của Trung Quốc
Theo RFI, hành vi của Trung Quốc tìm cách áp đặt chủ quyền bằng bản đồ đã bị giới lãnh đạo Ấn Độ chính thức phản bác. Trong cuộc tiếp xúc hôm 28/6 với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đã nêu bật thái độ quan ngại của New Delhi về vụ tấm bản đồ vừa được phát hành cho thấy vùng Arunachal Pradesh thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
|
Tấm bản đồ "lấn đất, lấn biển" nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc |
Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại giao Sujata Singh đã xác nhận rằng nhân chuyến công du Trung Quốc đang diễn ra của Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari, New Delhi đã nêu bật toàn bộ các quan ngại của mình với phía Bắc Kinh. Trong các vấn đề đó, có vụ tấm bản đồ là “lấn đất, lấn biển” mới của Trung Quốc.
Phó Tổng thống Ấn Độ đã đến thăm Trung Quốc trong 5 ngày (26-30/6), và đã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 28/6.
Theo hãng tin Ấn Độ ANI, bà Sujata Singh đã cho biết là phía Ấn Độ đã nêu bật trong cuộc gặp vấn đề tấm bản đồ mới của Trung Quốc lại gộp luôn bang Arunachal Pradesh vào trong lãnh thổ Trung Quốc. Đối với lãnh đạo ngoại giao Ấn Độ, “một phác thảo trên bản đồ không thể hiện thực tế hiện trường” và Ấn Độ luôn luôn chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng Arunachal Pradesh.
Báo chí Ấn Độ vào hôm qua đã trích lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói rõ rằng Arunachal Pradesh là bộ phận không thể tách rời của đất nước Ấn Độ và New Delhi đã nhiều lần nhắc nhở Bắc Kinh về thực tế đó. Chính quyền bang Arunachal Pradesh cũng cực lực lên án hành vi của Trung Quốc.
Ấn Độ là quốc gia gần đây nhất lên tiếng phản đối tấm bản đồ mới do Trung Quốc phát hành, với “10 đường gián đoạn” trên biển nuốt gần trọn Biển Đông cũng như sát nhập luôn vùng Arunachal Pradesh của Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc.
Trước Ấn Độ, các nước Philippines, Mỹ, Việt Nam đều đã công kích hành động khiêu khích mới đó của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo hôm 26/6 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên án vụ Trung Quốc phát hành bản đồ khổ dọc, trong đó thể hiện “đường lưỡi bò” bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cũng coi đó là một bước đi sai trái nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông. Thông qua đại sứ Mỹ tại Philippines, hôm 27/6 Mỹ tố cáo tính chất phi pháp của tấm bản đồ mới của Trung Quốc là hoàn toàn “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-se-khong-ba-quyen-a38787.html