+Aa-
    Zalo

    Triển Lãm Tranh “TỨ LẬP 2” – hơi hướng đương đại và sự trưởng thành của 4 họa sĩ trẻ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Minh, Trung, Hữu, Tuất là bốn họa sỹ ra đời và trưởng thành trong giai đoạn khó khăn cho các họa sỹ trẻ.

    Minh, Trung, Hữu, Tuất là bốn họa sỹ ra đời và trưởng thành trong giai đoạn khó khăn cho các họa sỹ trẻ. Khó khăn bởi thị trường không còn sự nâng đỡ mạnh mẽ từ những nhà sưu tập nước ngoài thích thú với một nền mỹ thuật mới của thập kỷ 90, bởi những thế hệ đàn anh đã có tên tuổi, và những gallery chọn lọc họa sỹ dẫn dắt trào lưu một cách gắt gao.

    Đề tài cũng như bút pháp của cả bốn – những cậu bé xuất thân nông thôn với cái nhìn hồn hậu tự nhiên – cũng không nằm ngoài cái tam giác “hiện thực lãng mạn - ấn tượng phong cảnh – trừu tượng thiền” no đủ, giàu có được tầng lớp trung lưu thành thị ưa chuộng. Nhưng bộ tứ này vẫn miệt mài tìm tòi trên con đường đã chọn.

    Từ Tứ Lập đến Tứ Lập 2, có những già giặn trưởng thành về cách nhìn, về bút pháp ở mỗi thành viên trong nhóm. Những trưởng thành của bảng màu, của tạo hình đó là một quá trình tự chắt lọc, tự trải nghiệm của cả Minh, Trung, Hữu, Tuất, mà nếu ai biết họ ở cả phía bên kia tấm toan thì còn biết rằng mỗi bức tranh họ bày ra lần này đều như một tấm gương, hắt phản chiếu những vất vả, lo toan của cuộc sống cần lao lên bốn tâm hồn nhạy cảm này. Do đó, Tứ Lập 2 phần nào mang hơi hướng đương đại nhưng kín đáo.

    Tuất đã dám phóng tay với những nhát bút to dày sần sùi trên những bức chân dung trực họa của mình. Không còn rụt rè an toàn với bảng màu hiện thực chỉn chu hay vờn tỉa tỉ mỉ nắn nót, Tuất đang dần dần tập đưa bút pháp ấn tượng cho những nhân vật của mình.

    Có lẽ cái thay đổi này, dù còn rất chập chững, là bóng phản chiếu cái đổi thay trong cuộc sống nội tâm của chú bé miền núi giữa đô thị -  những tâm hồn chân chất nông thôn chấp nhận sự xô bồ, dồn dập, trôi cuốn, chật chội để kiếm sống, nhưng sâu thẳm bên trong vẫn là những hòn đất tơi xốp dễ tổn thương. Chân dung người thợ hồ, người thợ xây vẽ trong những ngày giáp Tết, cô gọn lại trên bề mặt toan bé xíu những đường hằn lo toan món tiền ăn tết, người chua chat với món tiền công còm cõi, người mất hết nhưng cũng nén tiếng thở dài mong đón chuyến xe về quê. Chỉ cái tâm hồn hồn nhiên của Tuất mới bắt được cái rung đó lên mặt tranh.

     

    Tác Phẩm: Chân dung bác thợ cả - Sơn dầu 30x35cm. Bùi Văn Tuất

    Trong những bức Trung mang đến lần này thì Cầu Long Biên có lẽ là đại diện xuất sắc nhất. Với những nhịp sắt rỉ sét đã bị vẽ đến mòn, nhưng cái tổng thể rỉ sét câm lặng này có một chất đương đại bất ngờ. Nhịp cầu đó ở đâu? Tại sao hoang vắng thế? Tại sao một cây cầu đã từng được xây dựng quy mô từ một thời khó khan nào đó khi kết cấu sắt thép vẫn làm giải pháp cho những nhịp cầu, mà giờ lại thưa vắng thế này, han rỉ thế này, xếp xó thế này. Ùa đến với người xem khi mới thoáng ngắm bức tranh là liên tiếp câu hỏi, để gợn lên một cái suy tưởng về thời gian, về thời cuộc, về sự thay đổi chóng mặt của thời đại khiến những vùng kinh tế đã từng trù phú giờ rơi vào quên lãng. Mỗi người, cảm xúc, tâm hồn được xây nên từ những trải nghiệm của mình. Với tôi, một khúc giao thông lạnh lẽo đủ mang tôi đi qua những nhà kho xưởng máy hoang vắng của Detroit những năm 90, khi nền công nghiệp ô tô Mỹ mỏi mòn, khi Eminem viết những lời ca cay đắng của 8 miles. Không khiên cưỡng, không gồng mình, Trung đến được với cốt cách của đương đại – giao cho người xem những câu hỏi tự vấn - một cách tự nhiên qua việc kiên trì theo đuổi đề tài hiện thực.

    Tác Phẩm: Long Biên - Sơn dầu 80x120cm. Phạm Xuân Trung

     Để cân bằng lại với cái hụt hẫng này thì tôi cần ngắm những hòa sắc ngọt ngào của Minh. Thật kỳ lạ, trong khi đa phần biểu hiện thường là bút pháp dễ dàng nhất để tả cơn quằn quại gào thét, thì cũng gần như với mật độ tương đương biểu hiện được dùng mơn man vẻ đẹp đàn bà đằm thắm của những thiếu nữ, thiếu phụ. Có lẽ hội họa ước lệ của phương Đông tạo nên cái con đường này? Trung thành với hòa sắc tươi sáng, Minh tiếp tục tìm kiếm cách chiếu sáng cho nhân vật từ bên trong. Nhưng thật ra, ẩn sâu, Minh đang tìm kiếm điều gì? Muốn thể hiện điều gì? Có cái ẩn ức nào trong những hình ảnh thần tiên ngọt ngào này, ngoài cái nhu cầu trốn tránh hiện thực? Tôi luôn săm soi những bức họa thiếu nữ của các họa sỹ phương Đông, cố phân biệt giữa sự tôn thờ và ngợi ca của Boticelli với Aphrodite, với cái say đắm và thèm khát của Pygmalion với bức tượng ngà của mình. Và tận hưởng niềm vui của những săm soi đó.

    Tác phẩm: Tương tư – Sơn dầu 60 x76cm. Nguyễn Minh

    Với Hữu, hơn nửa năm qua dường như là quãng thời gian chuyển dịch trong con đường sáng tác. Một bảng màu ngày càng rộng về phổ nhưng thu hẹp về sắc độ, khối và hình của Hữu gần như chồng lấn, chỉ để lại những gợi ý rất mơ hồ về không gian. Dường như Hữu đang thử thách khả năng tạo ra một tổng phổ lạnh bất chấp tỷ lệ màu nóng, và bất chấp những gợi ý về nắng vương vãi khắp phong cảnh.  Vẫn góc nhìn kỳ lạ, bố cục trong tranh của Hữu vẫn hoàn toàn không gò vào những cái đẹp chuẩn mực của tỷ lệ, khoảng lùi. Những thân cây hoàn toàn không trọn vẹn vặn mình trong những góc vườn, làm người xem có một cảm giác nôn nao khó tả như không hiểu được câu chuyện. Những bụi lau, bụi hoa như ở quá gần tầm mắt, rơi khỏi điểm tập trung như nhòe đi, như nhẩy vào tận mặt người xem. Khá tức mắt, nhưng Hữu cũng chẳng vội vàng chiều chuộng thị trường thường tìm kiếm cái đẹp hài hòa những tuyên ngôn thời cuộc dữ dội. Nhưng tôi thường băn khoăn là khi họa sỹ đã bỏ qua cái nhu cầu dựng nên không gian và mô tả vật thể, thì liệu con đường trừu tượng biểu hiện hay tối giản ý niệm sẽ là câu trả lời. Tuy nhiên để làm được ý niệm thì Hữu còn phải học nhiều, đọc nhiều, tự vấn nhiều. Hữu cũng mày mò, tìm kiếm, nhưng mới thuần túy ở mức bút pháp, đề tài. Nhưng đi thì sẽ đến, sẽ đến lúc Hữu đủ chín để đột phá về bút pháp của mình.

    Tác Phẩm: Hương Quê - Sơn dầu 89x89cm. Đặng Hữu

    Cũng lạ là sao nhóm bạn xe pháo mã tượng này, mỗi người một tính cách, một gia cảnh, một chủ đề, một bút pháp không có gì chung, lại thường xuyên tụ tập rồi triển lãm với nhau. Chắc bởi cả bốn đều say mê vẽ, tìm tòi, khám phá, mò mẫm, và trên hết cả là tình yêu cuộc sống. Đề tài không “thời thượng”, không “thị trường”, không đủ khôn ngoan hay tinh tế để chen chân với đám đông sang chảnh, nhưng họ kiên định trên con đường của mình, bướng bỉnh một cách hòa nhã. Yên lặng tiến bước, vẫn không cần tung hô, họ tìm kiếm hạnh phúc khi cầm bút, mà chỉ những người cầm bút chân chính mới có thể hiểu. Tuất, Trung, những kẻ hồn nhiên sẽ phản chiếu cuộc sống đúng như nó vốn có. Hữu, Minh, những kẻ va chạm cọ xát nhiều thì sẽ tiếp tục dấu mình trong cái êm ấm của thế giới lãng mạn họ dựng quanh.

    Triển lãm tranh TỨ LẬP 2 của 4 họa sỹ: Bùi Văn Tuất, Nguyễn Minh, Phạm Xuân Trung, Đặng Hữu.

    Khai mạc: 18h00 ngày Thứ tư, 5/7/2017

    Địa điểm: tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

    Triển lãm diễn ra đến hết ngày 10/7/2017

    Tú Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trien-lam-tranh-tu-lap-2-hoi-huong-duong-dai-va-su-truong-thanh-cua-4-hoa-si-tre-a194559.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan