(ĐSPL) - "La rầy các em thì mang tội "nhục mạ" nếu phạt vài roi là "hành hạ, đánh đập" trẻ em và kết quả là nhận kỷ luật, bị đuổi việc...".
Học sinh dồn thầy giáo vào góc lớp, thầy giơ hai tay chống đỡ. |
"Hết cách rồi"
Ngay sau khi xảy ra vụ việc thầy trò ẩu đả trên bục giảng tại Bình Định, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với một vị thầy giáo hoạt động lâu năm trong nghề sư phạm, mong ông bày tỏ với người viết những suy tư chân thật về đạo nghĩa thầy trò thời hiện đại. Khi chúng tôi đến nơi, cũng đúng lúc người thầy giáo này đang ngậm ngùi xem lại những hình ảnh bạo lực xảy ra trên bục giảng.
"Ở cái tuổi của tôi, những tưởng chẳng thể khóc nổi vậy mà tôi lại rơi nước mắt khi chứng kiến những hình ảnh bạo lực này. Nhưng lần đầu còn khóc được chứ đến lần thứ 2, thứ 3 và đến giờ thì không thể khóc nữa rồi. Đau xót cho cái đạo nghĩa thầy trò và cũng buồn cho chính chúng tôi.
Có đi giảng mới biết không ít em "mất dạy", cứ tự do nói chuyện như ngoài chợ hoặc không chịu làm bài. Chúng tôi phải xử lý sao đây? La rầy các em thì mang tội "nhục mạ" nếu phạt vài roi là "hành hạ, đánh đập" trẻ em và kết quả là nhận kỷ luật, bị đuổi việc... như thầy giáo Tuấn vừa qua!
Với học sinh cá biệt, việc "buông" các em tất nhiên sẽ dễ hơn gấp trăm lần việc uốn nắn các em thành người tốt. Nếu cho đó là một thuốc thử cho bản lĩnh sư phạm và trái tim nồng ấm tận tụy với nghề giáo thì quả thực, nỗi đau này đang ngày một trở nên quá tàn nhẫn cho trái tim một thầy giáo già như tôi. Thật khổ! Cấp lãnh đạo chỉ biết kỷ luật chứ có ai đưa ra được cách xử lý học sinh cá biệt! Quả thực, tôi hết cách dạy rồi!".
Nỗi hoang mang đến dứt ruột đó của người thầy giáo già không phải là cá biệt. Trong cuộc điện thoại đến đường dây nóng của chúng tôi, một nữ giáo viên tâm sự: "Nói rằng hành vi của thầy giáo Tuấn (trong vụ việc thầy trò đánh nhau trên bục giảng tại Bình Định) là "cái tát bất lực" có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Đã quá lâu rồi chúng ta nói với "tai phải", "tai trái" gật gù nhưng có ai chịu cắt nghĩa đến tận cùng: Đó là sự bất lực với một thế hệ trẻ vô cảm vì được chăm lo vật chất quá đầy đủ; sự bất lực về một nền giáo dục mà ở đó thầy cô không còn chỗ đứng như bao đời vì ý thức tôn sư trọng đạo phần nào phai nhạt. Đó còn là sự bất lực của chính những giáo viên như chúng tôi, "cô độc" trước mũi dùi của dư luận khi có lỗi. Chúng tôi thấy mình bất lực!".
Thầy ngại trò và trái ngang bệnh thành tích
Phó giáo sư Văn Như Cương cũng ngậm ngùi: "Tôi thừa nhận hiện nay thầy giáo có một tâm lý rất "ngại". "Ngại" cũng tốt vì trước khi hành xử việc gì thì cần cân nhắc tránh hành xử thiếu tính sư phạm. Thế nhưng hễ có vi phạm gì cũng kỷ luật nặng thầy giáo còn học sinh kỷ luật nhẹ thì sẽ sinh ra tâm lý thầy "ngại", còn trò thì lấn tới".
Có lần một giáo viên mà ông quen biết đến than thở rằng cô rất chán nản với việc lên lớp và đang muốn chuyển trường. Sự là, ở lớp cô dạy có học sinh thường xuyên quấy rối trong lớp. Học sinh đó làm ồn và cô giáo hỏi bài thì không thuộc. Cô yêu cầu học sinh đứng dậy để lắng nghe bạn trả lời thì em này đứng lên lớn tiếng nói: "Bố tôi đóng tiền cho tôi đến đây để ngồi chứ không phải để đứng". Cô không chịu đựng được và xin thôi việc ở trường đó.
Thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng trường tiểu học Tô Hiến Thành cho rằng, trước kia cách giáo dục của ta là yêu cho roi cho vọt. Nhưng hiện nay, quyền trẻ em được tôn trọng, không cho phép thầy giáo được roi vọt với học sinh. Đó là sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên nghề nào cũng vậy, đều bị tác động xấu của xã hội. Có những người thầy cô khi lên lớp có thể đã không kìm chế được cảm xúc, không theo đúng quy trình sư phạm. Nhiều em có điện thoại thông minh đã quay lại rồi tung lên mạng. Muốn không để xảy ra việc đáng tiếc đó thì thầy giáo phải thực sự là người thầy, làm đúng quy trình của mình. Thầy phải có bản lĩnh và có nghiệp vụ sư phạm để xử lý mọi tình huống trên lớp.
Với những học sinh ở tiểu học thì thầy giáo phải tìm hiểu về học sinh cá biệt đó xem có phải gia đình cháu có chuyện bất hòa hay bị chứng bệnh tăng động giảm chú ý không... để từ đó có hướng điều chỉnh cho hợp lý tránh phải dùng đến bạo lực để giải quyết vấn đề, không vội quy kết các hành vi lệch lạc của học sinh là hành vi đạo đức và có thái độ không phù hợp với các em.
Tuy nhiên thầy Vịnh cũng cho rằng, hiện nay có một số gia đình khá giả, chiều con quá mức. Họ có nhiều tiền để đưa con vào giáo dục ở một cơ sở có chất lượng thật cao. Và họ nghĩ chỉ cần bỏ tiền ra như vậy thì chắc chắn con sẽ thành tài. Và khi có bất cứ phản ánh của con cái mình về thầy cô, chưa biết đúng sai ra sao họ đều bênh vực con mình. Muốn tạo nên một cá thể hoàn thiện cần có sự phối hợp của cả gia đình và nhà trường. Phụ huynh không hài lòng về thầy giáo thì có thể phản ánh với hiệu trưởng, âm thầm đổi thầy giáo hoặc chuyển con mình sang lớp khác. Tối kị việc vào hùa với con, nói trước mặt con: "Con yên tâm bố sẽ cho thầy này nghỉ"... Điều này khiến con cái không tôn trọng người dạy mình và dần dần các em có suy nghĩ muốn gì cũng được. Điều này theo thầy Vịnh là hoàn toàn sai lầm.
Cô giáo N.T.N (xin được giấu tên) hiện đang dạy ở trường dân lập thuộc loại "VIP" ở Hà Nội cũng chia sẻ rằng, có những lần học sinh hư, nói chuyện riêng trong lớp cô yêu cầu học sinh đó đứng lên nhắc lại lời của mình vừa giảng. Học sinh đó đứng lên thách thức: "Em không muốn nhắc lại đấy", xung quanh, một số em học sinh hư khác cười khoái chí. Cô rất bực và phản ánh với phụ huynh thì đắng lòng nhận được câu trả lời: "Cô có trình độ giảng dạy kém nên con tôi mới không tập trung vào học được. Cô có trách thì tự trách mình trước đã".
Nhiều thầy cô chia sẻ, nếu dùng hình thức nặng tay với các "cậu ấm cô chiêu" như thầy Tuấn thì có thể bị mất việc, lâu dần hình thành suy nghĩ "mặc kệ", xem những học sinh hư đó như không có mặt trên lớp và chỉ dạy những học sinh ngoan. Động vào những học sinh cá biệt đó có ngày mang vạ, không động đến thì cũng không bị trừ lương…
Lại một sự tréo ngoe nữa, do tiêu chuẩn của trường đề ra về số chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu hạnh kiểm học sinh nên với những em học sinh hư, giáo viên cũng vẫn phải để hạnh kiểm khá, vẫn cho lên lớp.
PGS. Văn Như Cương cho rằng: "Đôi khi vì thành tích, nhà trường ép thầy giáo phải cho học sinh hạnh kiểm khá nếu không thì cô sẽ không được tiêu chuẩn thi đua. Đó là những tiêu chuẩn hết sức vớ vẩn mà tại sao không dứt ra khỏi được môi trường sư phạm. Nguy hiểm nhất của bệnh thành tích ở chỗ đó. Điều này làm cả thầy và trò đều không thể tốt lên được. Ta không nên làm giáo dục với những tiêu chí phần trăm như thế".
Cần tấm lòng công minh chính trực Thầy Cương cũng cho rằng, có một số học sinh thấy nhà trường phạt nặng thầy giáo nên lấn lướt, thách thức thầy. Với những thầy giáo đánh học sinh thì nhà trường cần nghiêm túc nhìn vào sự việc đừng vì áp lực dư luận mà có những kết luận chưa chín. Người lãnh đạo phải hiểu và biết thực chất vấn đề. Có trường hợp phải đuổi việc thầy giáo nhưng cũng có trường hợp phải kỷ luật nặng học sinh. Lãnh đạo phải có tấm lòng. Tấm lòng ấy là cả sự công minh chính trực và không phụ thuộc vào sự tác động của cấp trên, của bên ngoài. |
Thành Huế