Mới đây, bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trong các cơ sở công lập. Nhiều giáo viên cho rằng, số lượng chứng chỉ, tên văn bằng đào tạo, trình độ chuyên môn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thành tích và thâm niên công tác của từng cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp có thể khác nhau (xếp hạng I, hạng II, hạng III...), nhưng đạo đức nhà giáo thì không nên phân loại để xếp hạng.
Chức danh nghề nghiệp không phải là quy định mới
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (bộ GD&ĐT) cho biết, việc quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm xếp lương giáo viên theo các hạng chức danh nghề nghiệp không phải là quy định mới, mà đã được thực hiện từ năm 2015, đối với cả giáo viên mầm non, phổ thông và đại học. Sau khi luật Viên chức năm 2010 có hiệu lực thi hành và triển khai các quy định liên quan đến luật Viên chức thì Chính phủ ban hành các nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Vệc quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm xếp lương giáo viên theo các hạng chức danh nghề nghiệp không phải là quy định mới. |
Theo đó, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành phải có các quy định, hướng dẫn. Và theo thẩm quyền, bộ GD&ĐT phối hợp với bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23 quy định mã số, chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông. Cho nên chúng ta khẳng định, đây là các quy định mà giáo viên đã và đang thực hiện khi chùm thông tư mới chưa có hiệu lực thi hành.
Đáng lẽ ra, bộ GD&ĐT chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm khắc phục những điều còn bất cập trong quá trình thực hiện, tuy nhiên, theo luật Ban hành Văn bản thì trước kia đó là Thông tư liên tịch giữa bộ GD&ĐT và bộ Nội vụ nên chúng tôi phải sửa đổi bằng cách ban hành thông tư mới để thay thế cho thông tư liên tịch đã ban hành.
Hiện, toàn quốc có hơn 1,2 triệu giáo viên mầm non và phổ thông. Trong đó, có hơn 80.000 giáo viên ở các trường ngoài công lập và hơn 60.000 giáo viên dạng hợp đồng lao động. Đối tượng chịu tác động của các thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương chỉ là viên chức Nhà nước và được tuyển dụng, không áp dụng cho giáo viên hợp đồng và giáo viên trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, hệ thống các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục công lập có giáo viên hợp đồng vẫn sử dụng thông tin hiện hành để quản lý giáo viên nhằm đảm bảo các tiêu chí thống nhất chung trong toàn ngành giáo dục.
Vì sao phải xếp hạng đạo đức giáo viên?
Trước những băn khoăn của giáo viên về tiêu chuẩn đạo đức với từng phân hạng trong chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp theo thông tư mới, ông Bình cho rằng, về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo đã có quy định riêng nhưng nhà giáo ở đây cũng là viên chức. Do đó, phải có kết hợp cả tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp.
"Việc mỗi hạng đều có tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo thì chúng tôi làm rõ rằng, chùm thông tư mới phải tuân thủ quy định của luật, hướng dẫn của Chính phủ và bộ Nội vụ. Cụ thể mỗi hạng chức danh nghề nghiệp, ngoài tên hạng phải có 4 tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức, tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ và chuyên môn nghề nghiệp. Chúng ta chỉ có một tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo thống nhất cho giáo viên ở các hạng. Nhưng ở hạng cao sẽ có yêu cầu về mức độ thực hiện cao hơn", ông Đặng Văn Bình nói.
Tất cả giáo viên hạng 2 đều phải thực hiện yêu cầu đạo đức của giáo viên ở hạng 3, nhưng đã phấn đấu lên hạng 2 thì tất cả thầy cô đều phải gương mẫu trong thực hiện các quy định này. Ở hạng 1 cũng phải thực hiện tất cả quy định ở hạng 3 nhưng khi đã phấn đấu lên hạng 1 thầy cô còn có nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định này.
"Trước đây, trong ngành từng xảy ra một số vụ việc đáng tiếc khi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Rõ ràng, giáo viên hạng 2, hạng 1 phải có trách nhiệm phát hiện những hành vi, biểu hiện xấu nhằm hỗ trợ đồng nghiệp không dẫn đến hành vi vi phạm khiến xã hội, dư luận lên án", ông Bình thông tin.
Liên quan đến vấn đề xếp hạng đạo đức giáo viên, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, một trong những điểm mới của chùm Thông tư là có thêm Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Theo thầy Hiếu, điều này là hoàn toàn phù hợp, cần thiết. Tuy nhiên, bất cập cũng chính ở điểm mới này. Chẳng hạn, theo Thông tư 03, giáo viên THCS hạng III có 4 tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.
Với giáo viên THCS hạng II ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên hạng III, được bổ sung thêm tiêu chuẩn: “Phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”. Còn giáo viên THCS hạng I ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên hạng II, "phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”.
Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên THCS hạng I, II, III theo Thông tư 03. Việc có phần tiêu chí đạo đức nghề nghiệp riêng ở từng hạng cũng được thể hiện trong các thông tư còn lại. Theo đó, cứ hạng cao hơn thì có thêm tiêu chí. Chẳng hạn, với giáo viên mầm non hạng II "... ngoài các tiêu chuẩn với giáo viên mầm non hạng III, giáo viên mầm non hạng II phải luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo".
Theo thầy Hiếu, về số lượng chứng chỉ, tên văn bằng đào tạo, trình độ chuyên môn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thành tích và thâm niên công tác của từng cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp có thể khác nhau (xếp hạng I, hạng II, hạng III...), nhưng đạo đức nhà giáo thì không nên phân loại để xếp hạng thành I, II, III.
“Không nói đúng hay sai mà là chưa phù hợp” “Không nói chuyện đúng hay sai, mà tôi nghĩ là chưa phù hợp. Nếu không tường minh các khái niệm rất dễ làm cho giáo viên hiểu sai và gây tranh cãi. Không nên "mặc định" đạo đức nhà giáo theo kiểu hạng I cao hơn hạng II, còn đạo đức nhà giáo hạng II sẽ cao hơn nhà giáo hạng III. Vì vậy, cả 3 hạng giáo viên chỉ cần thống nhất một mức tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp”, thầy Hiếu nêu quan điểm. |
H. Anh (T/h)