Trước đó, vào ngày 8/8, đoàn thể thao Việt Nam đã chính thức kết thúc hành trình tại Olympic 2024 mà không có được huy chương nào. Đây là kỳ Olympic thứ hai liên tiếp chúng ta không giành được thành tích.
Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia đều đã có huy chương, thậm chí có cả HCV tại Olympic Paris lần này.
Chia sẻ trên TTXVN, ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn thể thao Việt Nam đánh giá các vận động viên Việt Nam đã có sự tiến bộ tại Olympic 2024 như xạ thủ Trịnh Thu Vinh.
Thu Vinh đã đạt hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao với những thông số cá nhân tốt nhất ở các giải quốc tế. Nữ xạ thủ 24 tuổi là điểm sáng của thể thao Việt Nam tại kỳ Thế vận hội lần này.
Theo ông Việt, môn bắn cung cũng đã cải thiện được thành tích, những môn võ judo và boxing thi đấu quả cảm nhưng còn hạn chế về năng lực so với đối thủ. Với những môn bơi, điền kinh và đua thuyền, trình độ của các vận động viên Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với đấu trường Olympic.
Điều khiến trưởng đoàn thể thao Việt Nam tiếc nuối nhất ở Olympic 2024 chính là môn cử tạ.
Ông Đặng Hà Việt cho biết: "Ban huấn luyện đã quan tâm rất sát sao, theo dõi và nhận thấy đô cử Trịnh Văn Vinh có cải thiện thành tích.
Trong quá trình tập luyện, Vinh vẫn phải vừa tập vừa điều trị chấn thương.
Vinh cũng đã đạt trọng lượng tạ trên 300kg, cử giật trên 130kg, cử đẩy trên 170kg. Nhưng vào thi đấu, một chút xao động khiến Vinh không kiểm soát được và đây là điều rất nuối tiếc của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2024".
So sánh giữa thành tích của đoàn Việt Nam và các đoàn thể thao Đông Nam Á tại Olympic 2024, ông Việt cho rằng các nước có sự tương đồng với Việt Nam trong việc đầu tư, ví dụ như cử tạ tập trung vào hạng cân nhỏ.
Ông Đặng Hà Việt chia sẻ: "Thể thao Thái Lan có sự phát triển ổn định hơn, bề dày cũng hơn, lực lượng VĐV đông đảo.
Có thể thấy rất rõ Thái Lan có võ sĩ nổi tiếng ở môn taekwondo, có sự phát triển vượt bậc, chuyên gia Hàn Quốc cũng theo sát. Võ sĩ này (Panipak Wongpattanakit - PV) đã lấy được 2 huy chương vàng ở hai kỳ Olympic liên tiếp.
Philippines có tài năng Carlos Yulo ở môn thể dục dụng cụ được chuyên gia Nhật Bản huấn luyện và Philippines cũng đầu tư rất lớn cho vận động viên này để mang về 2 HCV Olympic.
Nhìn chung, các nước Đông Nam Á đều có chiến lược đầu tư rất rõ đối với các môn thuộc hệ thống thi đấu Asiad.
Olympic là sân chơi quá lớn cho thể thao Đông Nam Á. Thái Lan, Indonesia, Singapore hay Việt Nam đều có sự đầu tư, quan tâm rất lớn từ chính phủ.
Nhưng bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, chung tay với ngành thể thao trong việc định hướng, tuyển chọn vận động viên cũng như tìm chuyên gia, đưa công nghệ vào huấn luyện, từ đó giúp nâng tầm vận động viên".
Làm gì để cải thiện thành tích?
Thất bại của vận động viên Việt Nam ở các môn điền kinh, bơi, đua thuyền rowing, cầu lông, quyền anh hay xe đạp một lần nữa minh chứng cho khoảng cách trình độ còn rất xa với thế giới. Điều đó càng đòi hỏi ngành thể thao phải cải tổ nhiều thứ, tính toán lại chiến lược phát triển. Dứt khoát phải có sự thay đổi về kế hoạch đào tạo, tập huấn, tiền của để hướng đến Olympic 2028.
Ngành thể thao cũng sẽ phải quyết liệt hơn để tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp giúp vận động viên Việt Nam không chỉ đủ sức vượt qua chính mình mà phải có được chiến thắng nhiều hơn ở đấu trường quốc tế. Trường hợp của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là ví dụ tiêu biểu. Cần có phân tích chuyên sâu để làm rõ tại sao Hoàng lại không thể đạt được điểm rơi phong độ. Hai nội dung thi đấu tại Olympic lần này, Hoàng đều không vượt qua được thành tích của bản thân. Thể thao Việt Nam phải xây dựng được một kế hoạch tổng thể để nâng tầm các môn cơ bản cho chiến dịch Olympic 2028, thông tin trên Thanh Niên.