+Aa-
    Zalo

    Trăn trở về một tử tù: "Tội cháu đáng chết nhiều lần!"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Là người thực hiện quyền công tố và chứng kiến nhiều phiên tòa hình sự, ông Nguyễn Thái Hưng (cán bộ VKSNDTC) luôn trăn trở về một tử tù tên Nguyễn Văn Quý.

    (ĐSPL) - Là người thực hiện quyền công tố và chứng kiến nhiều phiên tòa hình sự, ông Nguyễn Thái Hưng (cán bộ VKSNDTC) luôn trăn trở về một tử tù tên Nguyễn Văn Quý (quê Hải Phòng).

    Theo ông Nguyễn Thái Hưng, nguồn cơn đẩy Quý tới con đường phạm tội là do Quý thiếu sự giáo dục của gia đình. Cha mất sớm, mẹ bỏ đi nước ngoài, cùng với những mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình, như "giọt nước tràn ly" biến Quý thành kẻ giết người máu lạnh. "Giọt nước" ấy đã khiến 3 người thiệt mạng gây rúng động vùng quê.

    Ông Nguyễn Thái Hưng, cán bộ VKSNDTC.

    Tuổi thơ nghiệt ngã

    Từ nhỏ, Nguyễn Văn Quý đã mồ côi cha, sau đó vài năm, mẹ Quý đi nước ngoài bỏ mặc lại Quý cho ông nội nuôi dưỡng khi Quý chưa đầy 5 tuổi. Ông nội yêu thương và chăm sóc Quý từ nhỏ nên tình cảm giữa hai ông cháu rất gắn bó. Gia cảnh tuy nghèo, bữa đói bữa no, nhưng người ông luôn dành tình cảm, thương yêu cháu và Quý cũng rất ngoan ngoãn, nghe lời ông. Cuộc sống của hai ông cháu cứ lặng lẽ trôi đi nếu không có việc đất của gia đình ông bỗng dưng có giá... ngất ngưởng. Có ai ngờ được chỉ vì chuyện đất cát mà gia đình Quý tan đàn xẻ nghé.

    Trở lại sự việc cách đây 10 năm, năm 2005, khi đó Nguyễn Văn Quý tròn 18 tuổi. Ông nội Quý nghĩ nhiều đến việc tìm vợ cho Quý, nhưng gia cảnh khốn khó, căn nhà ọp ẹp đã lâu năm mà chưa có tiền để sửa, tiền đâu mà cưới vợ?

    Khi biết Nhà nước có chủ trương mở đường lớn đi qua khu nhà Quý, điều đó đồng nghĩa với việc nhà Quý sẽ được nhận tiền đền bù và nhận đất tái định cư, ông cháu Quý vui lắm. Nhưng niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì ông Tâm (anh ruột của bố Quý) đưa vợ cùng hai người con lên ở cùng. Nhà đã chật lại chật thêm vì phải ngăn ra làm hai, thêm nữa, hai người con của ông Tâm lại rất nghịch. Từ khi về ở cùng với hai ông cháu, bác dâu ghét Quý ra mặt, không khí gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn.

    Khi Nhà nước chính thức có quyết định về việc mở đường và đền bù đất tái định cư cho một số gia đình thì bác của Quý tỏ rõ thái độ muốn đẩy Quý ra khỏi nhà. Thấy tình hình căng thẳng, ông nội của Quý phải tổ chức cuộc họp gia đình bàn về việc chia đất tái định cư và tiền đền bù việc thu hồi đất. Phần đất của bố Quý được chia ngót nghét 80m và 300.000.000 đồng. Quý thầm nghĩ, với số tiền đó, Quý sẽ xây nhà, cưới vợ, rồi mở cửa hàng điện tử...

    Thế nhưng họp là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Tuy ông nội rất thương Quý, nhưng lại rất nghe vợ chồng con trai. Lấy lý do Quý chưa yên bề gia thất nên họ quyết định "giữ hộ" Quý cả đất lẫn tiền. Thậm chí bác dâu còn mắng Quý rằng: “Tý tuổi đầu, không ai dạy, chơi bời lêu lổng, cầm tiền cầm đất rồi nghiện ngập...".

    Nhiều lần hai bác cháu xảy ra xung đột, Quý bực quá cãi lại: "Lúc đói nghèo, cơ cực thì chẳng thấy bác đâu. Khi có tiền, có đất thì đông con, cháu thế". Cho đến một ngày, Quý xin phép ông nội cho mình được ra ở riêng. Tuy nhiên, ông nội Quý không đồng ý.

    Có lẽ không ai ngờ từ câu chuyện đất cát này mà cậu bé côi cút hiền lành thuở nào bỗng chốc trở thành một kẻ giết người máu lạnh.

    Ông Hưng nhớ lại, trong bản kết luận điều tra ghi rất rõ lời khai của Quý: Vì bị bác dâu sỉ nhục và có những lời nói thoá mạ, khinh miệt nên Quý đã không kiềm chế được cơn thịnh nộ.

    Trong khi bác dâu đang ngồi giãm cua, thì Quý cự lại ông nội về chuyện đất đai. Nhìn Quý bằng ánh mắt miệt thị, bác dâu chêm lời: "Thứ con cái không cha mẹ, như đồ bỏ hoang, cho tý nào hay tý ấy, không biết thân biết phận lại còn... Mày không có phần ở đây...".

    Trong đầu Quý như bốc hỏa với ý nghĩ vợ chồng người bác không chỉ cướp hết tiền mà còn có ý định đuổi Quý ra khỏi nhà; ông nội yêu thương Quý là thế mà nay lại nghe lời bác, không bênh vực Quý khi Quý bị xúc phạm...

    Quý thoáng nghĩ, mình là người thừa trong gia đình. Trong lúc tức giận, lời nói đầy hiềm khích của bác dâu ong ong trong đầu, Quý lao đến đấm liên tiếp vào lưng bác dâu. Bà này ngã ra miệng kêu gào: "Ối giời ơi... anh Tâm ơi! Thằng mất dạy, thằng không cha không mẹ đánh tôi...".

    Ông Tâm từ ngoài vườn chạy về, không cần biết nguồn cơn sự việc, xông vào lôi cháu ra và tát Quý 3, 4 cái nổ đom đóm mắt. Chưa hết, ông bác còn cầm chiếc chày dùng để giã cua cạnh đó đập thẳng xuống đầu Quý. Như con thú bị thương, Quý đạp mạnh vào bụng bác, thuận tay cướp được chày, hắn đập vào người bác dâu khiến bà này gục tại chỗ. Vớ được chiếc dao tông, ông Tâm chém sượt bả vai Quý và bị mất đà nên ngã ngửa ra nền nhà. Cướp được dao, Quý đã làm bác trai mình bị thương nặng.

    Đúng lúc đó, ông nội Quý từ trong nhà chạy ra can: "Chúng mày giết nhau à... con ơi, cháu ơi". Lưỡi dao oan nghiệt của đứa cháu đang trong cơn điên loạn bổ xuống, ông cụ gục ngã...

    Tuy bị thương, ông Tâm vừa nén đau vừa kêu cứu bỏ chạy ra cổng, anh Minh (con trai ông Tâm) đang đào đất sau vườn chạy về cầm xẻng phi vào người Quý. Quý tránh được, vung dao chém anh Minh rồi vứt dao bỏ chạy thục mạng.

    Ngay trong đêm đó, Quý bị cơ quan công an bắt giữ. Khi được điều tra viên hỏi, Quý không nói gì nhiều chỉ đáp: "Tội cháu đáng chết!".

    Sau phiên tòa sơ thẩm khoảng một năm, vì Chủ tịch nước đã bác đơn xin giảm án của Quý nên Quý đã bị thi hành án tử hình.

    Dằn vặt lương tâm

    Giá đất tăng lên tình người giảm xuống, câu nói này rất đúng với đại gia đình Quý. Đây cũng là nguồn cơn của nhiều vụ án mạng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh "nồi da nấu thịt". Tuy nhiên, chỉ đến khi ra đến công đường với tư cách là bị hại, ông Tâm mới nhận ra cái giá của sự tham lam, ích kỷ và thiếu độ lượng của mình đối với người cháu ruột. Nhưng tất cả đã quá muộn.

    Cũng theo vị cán bộ VKSNDTC Nguyễn Thái Hưng, đáng ra ông Tâm phải thay người em trai đã quá cố của mình để chăm lo, giáo dục Quý nên người. Hơn ai hết, ông Tâm thấu hiểu cháu mình thiếu thốn tình cảm như thế nào. Tục ngữ có câu "mất cha còn chú", là người cha, ông Tâm phải hiểu rõ nỗi khổ của đứa cháu mồ côi, bị mẹ bỏ rơi ngay khi còn thơ bé. "Chỉ vì lòng tham mà tan nát một gia đình", ông Hưng xót xa nói.

    Tại phiên tòa, đầu chít khăn tang trắng, ông Tâm nghẹn ngào trả lời HĐXX TAND TP.Hải Phòng. Trong khi nói, ánh mắt ông hướng về phía bị cáo Quý, nước mắt ầng ậc. Bố chết, vợ chết, người con trai duy nhất cũng mất mạng, bản thân ông cũng bị thương tích nặng nhưng ông vẫn một mực xin cho Quý được miễn tội chết. Ông Tâm nói: "Tôi mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Quý, vì tôi nhận thấy có một phần lỗi thuộc về tôi, giờ gia đình tôi chỉ còn có mình Quý là người nối dõi tông đường...".

    Nghe bác trai nói, Quý đứng lặng người sau vành móng ngựa, không nói nửa lời. Khi HĐXX hỏi, vì sao Quý lại hành động như thế đối với chính những người thân của mình, đặc biệt là ông nội, người rất yêu thương Quý, Quý chỉ lắc đầu đáp: "Tội cháu đáng chết nhiều lần!"...

    Kết thúc phiên toà, người bác cố lê đôi bàn chân trên những bước đi nặng trĩu. Cháu trai của ông đã phải nhận án tử vì tội ác mình đã gây ra. Nghĩ đến ngày Quý phải ra pháp trường, sự ân hận trong ông trào dâng.

    (Tên nhân vật đã được thay đổi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tran-tro-ve-mot-tu-tu-toi-chau-dang-chet-nhieu-lan-a83792.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Giọt nước tràn ly xé toang tình huynh đệ  (7/8/2013)

    Giọt nước tràn ly xé toang tình huynh đệ (7/8/2013)

    (ĐSPL) - Bố mẹ li dị từ nhỏ, tuy được mẹ thương yêu hết mình nhưng Nguyễn Minh T. không đền đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ mà lại sa đà vào ma túy. Không chỉ bất hiếu, T. còn “hành hạ” chính anh trai ruột của mình. Không thể chịu nổi những hành động của đứa em “trời đánh”, trong cơn tức giận, Nguyễn Thanh Tuấn đã lấy kéo đâm chết em trai mình.