60 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về trận đánh đồi A1 làm rung chuyển lòng chảo Điện Biên vẫn còn rõ mồn một trong câu chuyện của người lính Điện Biên.
Trận đồi A1 là trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của ta trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Eliane 2 trong dãy cứ điểm phía đông Điện Biên Phủ, hay còn gọi là đồi A1. Cứ điểm kiên cố và có ý nghĩa quan trọng của địch chỉ bị tiêu diệt khi khối bộc phá gần 1 tấn phát nổ làm rung chuyển lòng chảo Điện Biên. 60 năm đã trôi qua, nhưng với cựu chiến binh Phạm Bá Miều, ký ức về những ngày nếm mật nằm gai chống chọi với kẻ thù vẫn rõ mồn một.
Mở công sự áp sát kẻ thù
Sinh ra trên quê lúa (Thái Hòa, Thái Thụy, Thái Bình), chàng trai Phạm Bá Miều đã phải chứng kiến sự hung tàn của giặc: “Giặc Pháp đốt nhà, có con bò gia đình chăn chia cũng bị chúng dắt mất. Bố mẹ và các em phải ra ở nhờ hiên chùa của làng, người chú ruột bị địch bắt”. Năm 1950, vừa tròn 20 tuổi, người thanh niên Phạm Bá Miều xung phong vào bộ đội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, được biên chế vào sư đoàn 316.
Cựu chiến binh Phạm Bá Miều bùi ngùi khi nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống. |
Sau khi tham gia đánh các trận ở Thượng Lào và Hạ Lào, rồi truy kích quân địch ở Nà Sản chạy tới Than Uyên, đơn vị của ông được lệnh tiến về Tà Lèng thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên). Lần đầu chứng kiến địch dàn quân bố trận tại cứ điểm Điện Biên Phủ, người lính trẻ không khỏi ngỡ ngàng: “Đứng trên cao nhìn xuống lòng chảo mới thấy rõ sự quy mô và hiện đại của cứ điểm: Nào là máy bay, sân bay, xe tăng, pháo. Trại quân trắng xóa cánh đồng Mường Thanh”- ông Miều kể.
Sư đoàn 316 của ông phụ trách đánh đồi A1- cứ điểm quan trọng nhất, tập trung đầu não chỉ huy, bao gồm nhiều quan tư, quan năm và hàng ngàn lính. Khi đó, ông Miều là tiểu đội trưởng của tiểu đội có nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa kiến trúc công sự, đắp ụ, đào giao thông hào từ Tà Lèng xuống cứ điểm này.
Ông Phạm Bá Miều kể: “Chúng tôi cứ đào rộng 1m, sâu ngập đầu. Trục chính hai người có thể tránh nhau. Khi tiến sát vào trận địa chiến đấu, công sự nhỏ, có hàm ếch và được ngụy trang. Lúc đó, nhân dân hiến cột, kèo, gianh để bộ đội ngụy trang giao thông hào. Và cuối cùng hệ thống công sự cũng được phát triển vào tận hông địch”.
Tuy vậy, trước hệ thống giao thông hào, dây thép gai, lô cốt kiên cố của địch, quân ta cứ tấn công lên lưng chừng lại phải rút xuống. Dưới chân đồi địch điều xe tăng càn quét, trên súng cối, tiểu liên bắn ra, rồi máy bay quần thảo. Bản thân ông từng tự đào đất thoát ra khi hầm ếch bị sập, nhưng mọi người đều bám sát trận địa.
Ông Miều cho biết, có lẽ đoán được bộ đội ta đào hào áp sát nên đôi khi địch cũng làm động tác nghi binh: Chúng hô bằng tiếng Pháp “giơ tay lên”, rồi “xung phong”. Đánh được ba bốn đợt thì được lệnh quay ra rút kinh nghiệm. Khi đó nhiều người cũng xao động vì sợ rút ra sẽ mất thời cơ, nhưng sau này khi ta cô lập được địch, bao vây các đồi E1, Him Lam, Độc Lập…, địch phải dùng máy bay thả hàng hóa, vũ khí, mọi người mới hiểu rõ và tin tưởng chắc thắng.
Giây phút địch lũ lượt ra hàng
Để hạ gục cứ điểm được xem là mạnh nhất của địch, công binh đề nghị đào một đường hào men theo đường 41, tách rời A1 với A3, cũng là cắt đứt đường tăng viện của quân Pháp. Trung đoàn 174 đề nghị đào thêm một đường hầm từ trận địa tại A1 tới dưới hầm ngầm, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ.
Hố sâu do khối bộc phá phát nổ tạo ra trên di tích đồi A1 ngày nay. |
Theo lời ông Miều, hơn 100 người thay nhau đào một ngày chỉ được hơn 3m. Điều kiện trong hầm khắc nghiệt, cứ vào ngồi được mấy phút lại phải ra, người trước đào, người sau quạt, càng vào sâu càng vất vả, không đào được bao nhiêu. Để tránh địch phát hiện, trên giao thông hào được ngụy trang như giàn mướp, đất được hắt ra hai bên. Cuối cùng sau khoảng 12 ngày kiên trì, bộ đội ta đã hoàn thành được 40m hệ thống hầm ngầm, để rồi sau đó tiếng nổ rung trời Điện Biên vang lên hạ gục sức đề kháng của địch tại cứ điểm A1.
“Sau tiếng nổ lớn, theo nhiệm vụ được phân công, chúng tôi lao lên đồi. Sức công phá của khối thuốc nổ khiến đất đá trùm cả hầm chỉ huy của địch, giao thông hào bị lấp, dây thép gai bị thổi tung, mọi thứ bề bộn cả. Chúng tôi được lệnh bảo vệ và sẵn sàng chiến đấu. Sáng hôm sau địch lũ lượt ú ớ cầm súng giơ cao ra hàng, nhiều người cởi trần, lấm lem, gương mặt thể hiện sự mệt mỏi. Còn chúng tôi, những đồng đội ôm nhau lúc cười lúc khóc”- ông Miều nhớ lại.
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm. Sau đó, quân đội vừa dựng doanh trại vừa vận động nhân dân quay về làm ruộng, làm nhà, củng cố tổ chức sinh hoạt cho quân và dân.
Kỷ niệm gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Phạm Bá Miều tham gia làm đường từ Điện Biên Phủ đi Tuần Giáo, rồi về công tác tại huyện Mường Tè- một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu trước đây (nay thuộc Điện Biên) cho đến khi về hưu vào năm 1980. Được sự tín nhiệm của tập thể, sự yêu mến của người dân, ông lại tham gia nhiệt tình các hoạt động tại nơi cư trú là phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ và đảm nhiệm Tổ trưởng Tổ dân phố, Phó Bí thư Chi bộ trong 20 năm cho đến khi tuổi cao sức yếu.
Nhắc về những kỷ niệm khó quên, ông cho biết, ngoài giây phút cùng đồng đội ẩn mình trong hào sâu, chiến đấu giành giật từng mét chiến hào, mỏm đồi, cứ điểm, những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm vinh dự lớn trong đời người lính.
“Vào năm 1964, khi còn công tác ở huyện Mường Tè, tôi là Phó trưởng ban kiểm tra. Đi bộ 4 ngày mới ra được tỉnh, sau đó tôi cùng Bí thư Tỉnh ủy và một số đồng chí xuống Hà Nội dự hội nghị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến và nói về công tác kiểm tra Đảng. Đó là lần duy nhất tôi vinh dự được gặp Người”- ông Miều tự hào kể.
Còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kỷ niệm mà cựu chiến binh Phạm Bá Miều không bao giờ quên là câu nói làm xúc động cả hội trường trong lần gặp mặt tại Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của người anh cả: “Chúng ta gặp lại nhau đây là mừng lắm rồi!”.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với với mảnh đất huyền thoại, tận mắt chứng kiến sự đổi thay mà theo sự so sánh của ông là “một trời một vực” của Điện Biên kể từ thời khắc lịch sử, người lính Điện Biên Phạm Bá Miều tin tưởng, tuổi trẻ hôm nay sẽ không ngừng tiếp bước cha anh, làm nên những chiến thắng trên mọi lĩnh vực, đưa đất nước tiến xa như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
THEO VOV ONLINE
Xem thêm clip: Công an triệt phá ổ massage kích dục rợn người ở Quảng Ngãi