+Aa-
    Zalo

    TP.HCM: Thêm 3 trường hợp nghi ngộ độc botulinum

    (ĐS&PL) - Các triệu chứng khởi phát sau 1 ngày tiếp xúc với nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc, cả 3 bệnh nhân đều có dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa như đau bụng, mệt mỏi, choáng váng, tiêu chảy.

    Ngày 20/5, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay, đơn vị đang điều trị cho 2 anh em ruột nghi nhiễm độc tố botulinum.

    Trong đó, người anh 26 tuổi nhập viện trước, người em 18 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sang, theo thông tin trên VietNamNet. Cùng thời điểm, một người đàn ông 45 tuổi khác bị nghi nhiễm botulinum cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

    Theo chia sẻ của TS.BS Lê Quốc Hùng, chùm ca nghi ngộ độc botulinum lần này nằm rải rác tại 3 bệnh viện trên địa bàn thành phố, nối tiếp ngay sau chùm 3 trẻ nhỏ ngộ độc vừa qua. Sau khi hội chẩn, các bệnh viện thống nhất chẩn đoán nghi ngờ bệnh nhân nhiễm độc botulinum.

    Khai thác thông tin được biết, cả 3 bệnh nhân đều trú tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ngày 13/5, hai anh em ruột ăn bánh mì kẹp chả lụa mua từ người bán dạo. Trong khi đó, người đàn ông ăn một loại mắm để lâu ngày.

    Các triệu chứng khởi phát sau một ngày tiếp xúc với nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc. Bệnh nhân đều có triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa như đau bụng, mệt mỏi, choáng váng, tiêu chảy. 

    tphcm them 3 truong hop nghi ngo doc botulinum
    Hai bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi đang phải thở máy, liệt cơ, sức cơ 1/5. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

    Tới ngày 15/5, các triệu chứng nhiều hơn, xuất hiện yếu cơ, nhìn đôi, khó nuốt. Thanh niên 18 tuổi có thay đổi sớm nhất và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Người đàn ông 45 tuổi nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định, còn thanh niên 26 tuổi triệu chứng nhẹ hơn và vào Bệnh viện Chợ Rẫy.

    Ở thời điểm hiện tại, hai bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi đang phải thở máy, liệt cơ, sức cơ 1/5. Bệnh nhân 26 tuổi có thể hoạt động, tự thở được, sức cơ 3/5-4/5 nhưng nhiều khả năng sẽ diễn tiến đến nguy cơ phải thở máy trong những ngày tới. 

    TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết thêm, sau khi cấy mẫu phân của bệnh nhân 45 tuổi và thực hiện xét nghiệm PCR, kết quả cho thấy có sự hiện diện của độc tố botulinum type A. Như vậy, hơn 90% khả năng các trường hợp này ngộ độc botulinum có nguồn gốc từ thức ăn.

    Theo thông tin trên tờ Tri Thức Trực Tuyến, ngộ độc Botulinum do vi khuẩn kỵ khí có tên là Clostridium botulinum gây ra. Độc tố thần kinh được tiết ra từ vi khuẩn này có thể xâm nhập vào dạ dày, ruột... mà không bị axit của dịch vị tiêu hủy. 

    Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết. Hiện nay, thuốc duy nhất trung hòa độc tố Botulinum là thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) nhưng loại thuốc này rất hiếm và đắt đỏ, chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất.

    Trước đó, vào ngày 13/2, TP.HCM ghi nhận 3 bệnh nhi 10 tuổi, 13 tuổi và 14 tuổi là anh em ruột trong gia đình, bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc.

    Sau khi ăn khoảng 12-18 giờ, các bệnh nhi xuất hiện nhiều triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần nên được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Hai lọ thuốc giải BAT cuối cùng tại Việt Nam đã được truyền để cứu các bệnh nhi này.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tp-hcm-them-3-truong-hop-nghi-ngo-doc-botulinum-a576021.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan