Chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 5, các bệnh viện nhi ở TP. HCM đã ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu và tử vong thương tâm do đuối nước.
Phụ huynh cần giám sát con khi cho đi tắm biển - Ảnh: Thanh niên |
Nhiều trường hợp đuối nước thương tâm
Pháp luật TP. HCM đưa tin, tại hai bệnh viện (BV) nhi tuyến cuối của TP.HCM gồm BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 trong thời gian gần đây liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ gặp tai nạn đuối nước thương tâm.
Cụ thể, vào tối 24/5, Khoa cấp cứu của BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bé trai T.Đ.C. (sinh năm 2013, quận Bình Tân, TP.HCM) trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch nhẹ, khó bắt, đồng tử giãn 4 mm, không phản xạ ánh sáng. Tuy được tích cực hồi sức nhưng bé trai đã không qua khỏi.
Khai thác lịch sử, bé trai tự ý xuống hồ bơi ở chung cư nơi mình sống để bơi và bị ngạt nước lúc nào không hay. Lúc được vớt lên, bé đã tím tái, khi lực lượng cấp cứu 115 tới, ghi nhận bé đã ngưng thở, ngưng tim, tiếp tục hồi sức khoảng 15-20 phút, bé mới có tim lại và chuyển BV Nhi đồng 1.
Không chỉ gặp tai nạn ở hồ bơi, trẻ nhỏ có thể bị chết đuối khi té vào các lu, xô, chậu, hồ nhỏ chứa nước ở nhà. Ba tuần trước, Khoa cấp cứu của BV Nhi đồng 1 cũng ghi nhận bé T.T.N.L. (ba tuổi, quận Tân Phú, TP. HCM) bị đuối nước do tự té vào xô nước lớn ở trong nhà. Khi gia đình phát hiện thì bé đã ngưng tim, ngưng thở, thao tác hồi sức tại chỗ không tốt khiến não bé không thể hồi phục. Dù êkíp cấp cứu của BV đã cố gắng hồi sức nhưng bé không qua khỏi.
Tương tự, chỉ riêng trong hai tuần đầu tháng 5/2020, Khoa hô hấp 1, BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận bốn trường hợp đuối nước. Trong đó có một bé (17 tháng tuổi), khi gia đình không để ý, bé ra vườn nhà chơi và rơi xuống hồ bơi. Lúc phát hiện bé đã ngất, tím tái, gia đình sơ cứu và chuyển bé vào BV. Bé được cho thở máy ba ngày tại Khoa hồi sức tích cực và đã qua cơn nguy kịch.
Lường trước nguy cơ đuối nước để bảo vệ trẻ
Chia sẻ với Thanh niên, các bác sĩ khuyến cáo, ngoài việc biết cách sơ cấp cứu đuối nước ban đầu đúng, phụ huynh cần nâng cao ý thức trong việc chăm sóc, bảo vệ con.
Các bậc cha mẹ phải luôn giám sát con em mình khi đi tắm biển, ao, hồ; đậy kín các vật dụng chứa nước trong nhà; không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đặc biệt đối với các trẻ mới biết đi, trẻ hiếu động luôn muốn tìm tòi hiểu biết thế giới xung quanh.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc phổ cập bơi lội tại trường học, cũng như các buổi huấn luyện kỹ năng sơ cứu đuối nước cho các phụ huynh và thầy cô giáo để xử trí kịp thời, không để xảy ra tình trạng đáng tiếc.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em tử vong vì đuối nước. Việc sơ cứu đuối nước ban đầu kịp thời, đúng kỹ thuật đóng vai trò quyết định sự sống còn và di chứng về sau của trẻ.
Nên làm và nên tránh: Cách sơ cứu đuối nước tại hiện trường: Nếu trẻ mê: Hồi sức hà hơi thổi ngạt khi còn dưới nước, sau vài nhịp trẻ sẽ đáp ứng, sau đó nhanh chóng đem lên bờ. Nếu trẻ mê nhưng còn thở (lồng ngực còn di động): Đặt tư thế nằm nghiêng, nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Nếu trẻ ngưng thở (lồng ngực bất động): Thực hiện hồi sức tim phổi (ấn tim, hà hơi thổi ngạt), gọi cấp cứu hỗ trợ. Nếu trẻ tỉnh: Mang lên bờ, đặt trẻ nằm ngửa, đầu lưng trên cùng mặt phẳng, nơi khô ráo, thoáng khí, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Cần tránh: Không sốc nước; không ấn bụng; không hơ lửa và không đặt nạn nhân bi đuối nước nằm đầu thấp để nước chảy ra. |
Quỳnh Chi(T/h)