Mới đây, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã thông tin trên báo Thanh niên về thông tin tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn thành phố. Theo ông Quốc, học sinh lớp 9 năm nay là lứa học sinh hoàn thành bậc THCS cuối cùng của chương trình giáo dục 2006. Vì vậy về cơ bản kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 sẽ giữ ổn định tương tự như năm 2023.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cũng thông tin thêm, riêng về nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở khối lớp 9. Bên cạng đó, các yêu cầu trong đề sẽ đảm bảo tính phân hóa năng lực trình độ học sinh và phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.
"Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024, Sở GD&ĐT vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường các câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống. Đề thi không chỉ dừng ở việc kiểm tra năng lực kiến thức môn học của học sinh mà chú trọng kiểm tra năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic của học sinh", lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh.
Thông tin thêm về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn ngữ văn của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay cấu trúc đề ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới sẽ không thay đổi so với tuyển sinh năm học 2023 - 2024 bao gồm 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).
Trong đó, ở phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin,văn bản văn học, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.
Ở phần nghị luận xã hội, thí sinh sẽ vận dụng các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động để viết bài nghị luận khoảng 500 chữ với đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.
Còn ở phần nghị luận văn học, theo thông tin ông Thành cung cấp, thí sinh được lựa chọn một trong 2 đề để làm bài. Trong đó, đề 1 sẽ yêu cầu thí sinh tự chọn một tác phẩm (hoặc đoạn trích) theo yêu cầu của đề, cảm nhận tác phẩm ấy và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống. Còn đề 2 đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu thí sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.
Với đề thi môn Toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách môn học này của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết giữ nguyên cấu trúc, mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao.
Cụ thể, đề thi gồm 8 câu, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản và 1 câu về hình học phẳng. Trong đó, câu 1, 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan đến thực tế. Trong đó sẽ có 1 - 2 câu ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó, 2 bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.
Định hướng về đề thi môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay sẽ có 40 câu hỏi (0,25 điểm/câu). Trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, yêu cầu nâng cao chỉ chiếm từ 10 - 15%. Chuyên viên phụ trách môn thi này nhấn mạnh đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng.
Ngay khi có thông báo kế hoạch tuyển sinh, các trường THCS tại thành phố đã nhanh chóng lên kế hoạch giảng dạy, ôn luyện tốt nhất cho học sinh.
Như tại Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp), ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng nhà trường đã xác định, ngay sau khi kết thúc thi học kỳ I thì học sinh khối 9 phải bắt đầu ôn dần cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Bởi lẽ, tỉ lệ chọi vào lớp 10 ở quận Gò Vấp khá cao nên nếu không ôn luyện cẩn thận và kịp thời, học sinh có thể sẽ không có cơ hội đậu vào các trường THPT công lập.
Ông Đức nhấn mạnh: “Từ đầu học kỳ II, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch để giáo viên các môn văn, toán, tiếng Anh lồng ghép nội dung tuyển sinh vào chương trình giảng dạy trên lớp. 2 tháng trước kỳ thi, các tiết văn, toán, tiếng Anh sẽ được tăng lên ở buổi hai và giảm bớt các tiết học khác”.
Trước những lo lắng của phụ huynh về việc học sinh phải ứng dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tế, ông Dương Hữu Đức nhận định, điều này thực tế đã được áp dụng trong dạy học và cả trong đề tuyển sinh lớp 10 từ nhiều năm nay.
Phương pháp giảng dạy STEM (mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn) cũng được đưa vào dạy thử nghiệm trong thao giảng chuyên đề của các trường từ lâu nên học sinh dù học chương trình cũ hay chương trình mới cũng đều áp dụng được. Bộ GD&ĐT cũng cho giáo viên chủ động điều chỉnh thời lượng của nội dung dạy, thời gian dư ra để giáo viên dạy STEM cho học sinh nên các em sẽ không gặp nhiều khó khăn, theo tin trên báo Phụ nữ TP.HCM
Thực hiện theo quy chế của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2024 - 2025, tức vào kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2024, TP.HCM sẽ không tổ chức tuyển HS lớp 10 không chuyên trong 2 Trường THPT chuyên là Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa. Đây là điểm mới trong tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn TP.HCM.
Được biết, từ năm học 2023 - 2024 trở về trước, ngoài việc tuyển học sinh vào các lớp 10 chuyên toán, ngữ văn, tiếng Anh, tin học, vật lý, hóa học… thì mỗi năm, 2 trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa tuyển khoảng 270 chỉ tiêu vào lớp 10 không chuyên.
Bảo An (T/h)