+Aa-
    Zalo

    Tốt nghiệp đại học: Từ khát vọng vàng đến ác mộng thất nghiệp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có thể coi, năm 2014 là năm mà tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân cao đẳng, đại học và trên đại học vẫn ở mức báo động?

    (ĐSPL) - Năm 2014 có thể coi là một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của ngành giáo dục trong nước. Hàng loạt đề án mới về tuyển sinh, về đổi mới giáo dục, đổi mới sách giáo khoa... được thông qua và đem ra thảo luận. Thế nhưng kết quả cuối cùng của một nền giáo dục là chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

    Có thể coi, năm 2014 là năm mà tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân cao đẳng, đại học và trên đại học vẫn ở mức báo động?

    Tỉ lệ sinh viên thất nghiệp có trình độ đại học trở lên trong năm 2014 ở mức cao. (Ảnh Internet)

    Hai mảng sáng - tối trong cơ cấu nguồn nhân lực

    Ngày 25/12/2014, thông tin từ Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng phát ngôn thì tình hình lao động, việc làm của người lao động năm 2014 còn gặp nhiều khó khăn.

    Theo thống kê, cả nước đã có 60.340 doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc phá sản, tăng 9,8\% so với cùng kỳ năm 2013, đã làm cho hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên.

    Tình trạng mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động khá nghiêm trọng: Có tới hơn 750 ngàn người có trình độ CĐ, ĐH không tìm được việc làm phù hợp hoặc phải làm các nghề không đúng với trình độ được đào tạo; hơn 147 ngàn người trình độ ĐH trở lên bị thất nghiệp. Đời sống văn hóa, tinh thần vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các KCN, KCX, các địa phương có đông công nhân, lao động nhập cư. Còn trước đó theo bản tin thị trường lao động Việt Nam số 3 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) công bố chiều 3/9/2014 tại Hà Nội đã cho thấy, "bức tranh" thị trường lao động 9 tháng đầu năm với rất nhiều vấn đề phức tạp.

    Cũng theo thống kê của cơ quan này thì quý I năm 2014, cả nước có tới 162.000 lao động có trình độ đại học và trên đại học thất nghiệp.

    Sang quý II của năm, con số này có giảm đôi chút khi cả nước có 147.000 lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp trong tổng số hơn 871.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp (số liệu làm tròn).

    Tính tới quý III, số lao động này bị thất nghiệp tiếp tục giảm. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ,TB&XH cho biết: "Số lao động trình độ đại học trở lên thất nghiệp trong quý III giảm 15.400 người so với quý I/2014".

    Tuy nhiên, số lao động có trình độ thất nghiệp giảm là do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một nguyên nhân quan trọng được vị Viện trưởng này đưa ra là nhiều cử nhân do không kiếm được việc làm đã chấp nhận làm những việc không đúng trình độ, làm nghề phụ. Cũng theo thống kê, tuy số cử nhân đại học thất nghiệp giảm nhưng lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp lại gia tăng 5,5\% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy vậy, giải pháp việc làm cho số lao động có trình độ đại học trở lên chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng.

    Trong khi số lượng lao động có trình độ không có việc làm vẫn ở con số báo động thì nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước vẫn tiếp tục tuyển sinh mạnh mẽ và đưa ra những nhận xét khả quan về công tác tuyển sinh và đào tạo sinh viên. Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 của đại học Huế, trường này đã tuyển đạt 102,06\% chỉ tiêu được giao. Trong khi đó, các trường đại học lớn trên cả nước như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM năm nào cũng tuyển sinh hàng nghìn cho tới hàng chục nghìn chỉ tiêu đại học khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại, chúng ta đang mất cân đối cung - cầu trong cơ cấu nguồn nhân lực.

    Đây là một thực tế đã được rất nhiều chuyên gia giáo dục trong nước cảnh báo và bản thân Chính phủ cũng đã có những điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

    Cuối tháng 10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP 2014 thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Theo đó, các trường này sẽ được tự chủ một cách toàn diện về chỉ tiêu tuyển sinh, tài chính, quản lý và chịu trách nhiệm trước xã hội về nguồn nhân lực đào tạo ra. Việc thí điểm này được coi là một bước đột phá để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, bản thân việc này cũng đã tạo ra những tranh luận trái chiều đối với bản thân nhiều trường đại học công lập. Trong khi đó, các trường ngoài công lập lại rất hào hứng và nhiều trường đã gửi đơn lên Bộ Giáo dục & Đào tạo để xin phép tuyển sinh riêng. Trong bối cảnh thương mại hóa giáo dục (nhất là với trường ngoài công lập) thì nhiều chuyên gia cho rằng, việc này sẽ giống như "cá gặp nước" dễ xảy ra tình huống các trường này đào tạo vô tội vạ.

    "Chìa khóa thành công" có nằm ở giáo dục?

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về những bất hợp lý trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết: "Giáo dục đại học cần phải nhìn như một yếu tố trong hệ thống bao gồm cơ quan tuyển dụng, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường phổ thông. Tôi cho rằng, 5 yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và chỉ khi phát huy tốt được cả 5 yếu tố thì chất lượng nguồn nhân lực mới đạt được hiệu quả. Trong khi đó, việc liên kết giữa các cơ quan cùng khối (chẳng hạn cùng khối đại học hay cùng khối phổ thông) vốn còn rất nhiều hạn chế chứ đừng nói tới sự liên kết giữa các cơ quan khác khối. Mặt khác, bản thân các trường đại học cũng rất ít khi cộng tác với nhau trong việc chia sẻ thông tin và nguồn lực. Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng phân cắt giữa các cơ sở giáo dục đại học với các cơ sở đào tạo nghề, dẫn tới sự phá vỡ tính chỉnh thể của hệ thống, tạo thành rào cản trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo".

    GS. Phạm Minh Hạc: Đại chúng hóa đại học là một nguyên nhân dẫn tới nhiều sinh viên ra trường không có việc làm.

    GS. Hạc cũng cho hay: "Việc bùng nổ các cơ sở giáo dục đại học gần chục năm trở lại đây bắt nguồn từ xu hướng đại chúng hóa và thương mại hóa giáo dục đại học mà không tính đến nhu cầu và khả năng của nền kinh tế. Trong khi đào tạo đại học hiện nay vẫn chỉ dừng ở chỗ đào tạo và cung cấp ra xã hội những gì nhà trường đó có chứ không phải những thứ nền kinh tế cần. Dẫu vậy, nếu muốn đổi mới giáo dục, trước mắt cần phải chuyển từ mô hình cấp phát kinh phí cho các cơ sở giáo dục đại học theo các yếu tố đầu vào sang mô hình cấp phát theo kết quả đầu ra. Tôi nghĩ rằng, xu hướng tự chủ đại học mà trước đây chúng ta bàn luận sôi nổi cũng hướng tới mục tiêu này (tất nhiên mục tiêu là như vậy nhưng cách thực hiện ra sao, tôi chưa bàn tới)".

    Tại hội thảo khoa học Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức ngày 26/12/2014 tại Hà Nội, GS. Nguyễn Minh Đường, ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực phát biểu: "Hàng năm có hàng vạn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và trường nghề, nhưng không có việc làm. Trong khi đó, nước ta phải nhập khẩu hàng vạn lao động từ nước ngoài, từ công nhân cho tới kỹ sư. Đây là một nghịch lý mà chúng ta phải gánh chịu và gây nên lãng phí to lớn cho Nhà nước và xã hội. Chúng ta phải xác định nhu cầu đào tạo nhân lực các ngành nghề và trình độ như thế nào để đặt hàng cho hệ thống đào tạo. Tôi cho rằng, đây là giải pháp đột phá vì không thực hiện được giải pháp này, bên cung ứng nhân lực (các trường đào tạo) không biết nhu cầu nhân lực của bên cầu thì không thể nào đáp ứng được nhu cầu của họ và việc đào tạo mất cân đối, vừa thừa, vừa thiếu như hiện nay là không thể khắc phục được".

    Có việc làm nhưng vẫn đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp là vi phạm pháp luật

    Trước thực tế số lao động có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp giảm nhưng số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở dạng đối tượng này lại tăng, luật sư Nguyễn Văn Nghi (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Chúng ta cần phải tách bạch rõ hai vấn đề. Thứ nhất là lao động có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp giảm là do đâu? Việc này theo tôi là do nhiều nguyên nhân như: Họ kiếm nghề không đúng chuyên môn, tình hình kinh tế khá hơn nên cơ hội việc làm nhiều hơn... Trong khi đó, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng lại là một vấn đề khác. Theo Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 (trước đó là Luật Bảo hiểm Xã hội 2006 cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo) thì đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động làm việc với dạng hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; người lao động làm việc có hợp đồng lao động xác định thời hạn và không xác định thời hạn. Những người này sau 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động sẽ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập".

    Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng, có mối liên hệ giữa việc lao động có trình độ bị thất nghiệp giảm và lao động tới đăng ký trợ cấp thất nghiệp tăng. Cụ thể là nhiều người trong quá trình tìm việc mới đã chấp nhận làm những công việc mùa vụ nhưng vẫn tới đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nghi cho rằng: "Nhiều lao động có việc làm nhưng vẫn đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, hình thức xử lý những trường hợp vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe. Nghị định 86/2010/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội quy định nhiều hình thức xử phạt như: Phạt cảnh cáo, phạt tiền (trong đó mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng) và các hình thức xử phạt bổ sung khác gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Thẩm quyền xử phạt và thu hồi thuộc Sở LĐ - TB&XH".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tot-nghiep-dai-hoc-tu-khat-vong-vang-den-ac-mong-that-nghiep-a77954.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan