RT đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hệ thống tên lửa siêu thanh Oreshnik mới của Nga là một phần quan trọng trong phản ứng toàn diện của nước này trước quyết định triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở Tây Âu.
Theo chủ nhân Điện Kremlin, Mỹ đang phát triển các hệ thống tầm trung và có ý định triển khai chúng ở châu Âu và châu Á. Việc này làm suy yếu an ninh của Nga. Vì vậy, Moscow đang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện đối với mối đe dọa đó, bao gồm việc phát triển các khả năng tương tự, trích dẫn tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik làm ví dụ.
"Mục tiêu ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo phát hiện nhanh chóng các vụ phóng tên lửa như vậy và đánh chặn kịp thời. Đồng thời, chúng tôi cần hợp lý hóa tất cả các vấn đề liên quan đến sản xuất hàng loạt và triển khai các hệ thống tấn công tương tự được sản xuất trong nước, bao gồm cả các hệ thống siêu thanh", ông Putin nói.
Vào tháng 11, Moscow đã chứng minh khả năng của Oreshnik bằng cách bắn tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường siêu thanh vào một nhà máy quân sự của Ukraine ở thành phố Dnepr.
Oreshnik có khả năng đạt tốc độ Mach 10 và tầm bắn từ 1.000 đến 5.500 km. Dù các thông số kỹ thuật chi tiết vẫn được giữ bí mật, các chuyên gia đánh giá hiệu quả cao của hệ thống này đến từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Mỹ và Nga từng có cam kết chung về việc không phát triển tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500km đến 5.500km theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung.
Sau đó, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, viện dẫn những cáo buộc vi phạm của Nga và nhu cầu cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia không bị ràng buộc bởi thỏa thuận. Ông Putin cho biết động thái của Mỹ đã làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Nga sẽ sẵn sàng đáp trả việc triển khai vũ khí của Mỹ theo cách tương tự, ông Putin cảnh báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov cho biết, việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik sẽ diễn ra vào năm 2025. Moscow cũng sẽ nghiên cứu các hệ thống vũ khí tiên tiến khác, với những thay đổi liên quan đến việc mua sắm quân sự sẽ được báo cáo lên tổng thống trước cuối tháng này.
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã báo cáo về cuộc thử nghiệm thành công mới nhất của một hệ thống vũ khí tầm trung có tên là Dark Eagle, bao gồm một tên lửa đẩy di động trên mặt đất có gắn một phương tiện lướt siêu thanh. Hệ thống này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới và sẽ sẵn sàng triển khai tại Nhật Bản và Châu Âu, RT đưa tin.
Sự phát triển của các hệ thống vũ khí tiên tiến từ cả Nga và Mỹ cho thấy nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới, không chỉ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị mà còn đặt ra thách thức lớn đối với ổn định chiến lược toàn cầu.