Reuters đưa tin, ngày 6/12, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga có thể triển khai tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik mới trên lãnh thổ của Belarus vào nửa cuối năm sau.
Tuyên bố được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Minsk, nơi ông Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ký một hiệp ước phòng thủ chung nhân dịp 25 năm Nhà nước Liên minh Nga - Belarus được thành lập.
"Hôm nay chúng tôi đã ký một thỏa thuận về đảm bảo an ninh bằng mọi lực lượng và phương tiện sẵn có, vì vậy tôi cho rằng việc triển khai các hệ thống như Oreshnik trên lãnh thổ Belarus là khả thi", ông Putin nói.
Theo vị lãnh đạo, kế hoạch triển khai tên lửa Oreshnik sẽ khả thi vào nửa cuối năm 2025, khi quá trình sản xuất hàng loạt hệ thống này tại Nga tăng lên và Oreshnik được đưa vào sử dụng trong lực lượng tên lửa chiến lược của Nga.
Ông Putin cũng đề cập đến sự cần thiết của việc giải quyết một số vấn đề kỹ thuật trước khi triển khai hệ thống Oreshnik tại Belarus.
"Tất nhiên, có một số vấn đề kỹ thuật ở đây mà các chuyên gia cần giải quyết, cụ thể là xác định tầm bắn tối thiểu có tính đến các ưu tiên an ninh của Belarus. Cần có các chuyên gia để xem xét vấn đề này", ông Putin nói thêm.
Vị tổng thống cho rằng việc triển khai hệ thống Oreshnik ở Belarus sẽ không đòi hỏi chi phí lớn.
"Tôi cho rằng có cơ hội để triển khai Oreshnik ở Belarus, xét đến thực tế là việc này chỉ yêu cầu chi phí tối thiểu. Belarus vẫn giữ lại một số cơ sở hạ tầng được thừa hưởng từ thời Liên Xô, vì vậy việc triển khai các hệ thống như vậy ở Belarus sẽ chỉ đòi hỏi chi phí tối thiểu để có cơ sở hạ tầng hoạt động", ông Putin giải thích.
Moscow lần đầu tiên bắn tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine ngày 21/11, động thái mà ông Putin coi là phản ứng trước việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACM của Mỹ và tên lửa Storm Shadow của Anh để tấn công lãnh thổ Nga với sự cho phép của phương Tây.
Ông Putin cho biết, Nga có thể sử dụng Oreshnik một lần nữa, bao gồm cả việc tấn công "các trung tâm đầu não” ở Kiev, nếu Ukraine tiếp tục tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây.
Đặc biệt, Belarus có thể xác định mục tiêu cho những tên lửa Oreshnik đóng trên lãnh thổ nước này. Belarus có chung biên giới với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Ba Lan, Latvia và Lithuania.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố tên lửa Oreshnik không thể bị đánh chặn và có sức hủy diệt tương đương vũ khí hạt nhân, ngay cả khi được trang bị đầu đạn thông thường.
Tháng 11, Tổng thống Nga Putin đã phê duyệt những thay đổi nhằm hạ thấp ngưỡng tấn công hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công thông thường có phạm vi rộng hơn và mở rộng phạm vi bảo vệ hạt nhân của Moscow bao phủ Belarus.
Belarus - một đồng minh của Nga - có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Năm 2023, Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo thỏa thuận. Đây là lần đầu tiên Moscow triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Nga và Belarus nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại nước này, do vậy việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là cần thiết để răn đe. Belarus cũng đã thông qua học thuyết quân sự mới, lần đầu tiên cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.