Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga hôm 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Ngày nay, bộ 3 hạt nhân vẫn là sự đảm bảo quan trọng nhất cho an ninh của nhà nước và người dân chúng ta, là công cụ để duy trì sự ngang bằng chiến lược và cân bằng quyền lực trên thế giới",
Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga cần sửa đổi học thuyết hạt nhân để xác định rõ ràng các tình huống có thể khiến Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân.
Sau đây là ba điểm cập nhật chính của học thuyết hạt nhân:
Cuộc tấn công từ quốc gia không có vũ khí hạt nhân
Đề xuất đầu tiên là bổ sung danh sách các quốc gia và liên minh quân sự cần răn đe hạt nhân và bổ sung danh sách các mối đe dọa quân sự cần phải vô hiệu hóa thông qua răn đe.
Theo đó, Moscow sẽ coi "hành động khiêu khích chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" là một cuộc tấn công chung vào Nga và vượt ngưỡng hạt nhân.
Mặc dù không nêu cụ thể tên quốc gia nào, nhưng điều này rõ ràng sẽ áp dụng với việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ hoặc các đồng minh hạt nhân NATO cung cấp.
Trước đó, Tổng thống Putin từng nói rằng các cuộc tấn công như vậy chắc chắn có liên quan tới nhân sự cũng như vũ khí của nước ngoài và khiến các nước này xung đột trực tiếp với Nga.
Hạ ngưỡng hạt nhân
Đề xuất thứ hai nêu rõ các tình huống mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, như "nhận được thông tin đáng tin cậy về một vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào Nga".
Điều này có nghĩa là "máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV), máy bay siêu thanh và các loại máy bay khác".
Đề cập đến thiết bị bay không người lái ở đây là rất quan trọng, vì Ukraine đã nhiều lần thực hiện các cuộc tấn công hàng loạt bằng thiết bị này vào các căn cứ chiến lược của Nga.
Ô hạt nhân mở rộng đến Belarus
Lần đầu tiên, Nga đã chỉ ra rằng sức răn đe hạt nhân của mình có thể được sử dụng trong trường hợp Belarus bị gây hấn, với tư cách là thành viên của Liên minh Nhà nước. Theo đề xuất, hành vi gây hấn bao gồm sử dụng vũ khí thông thường để gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền của hai nhà nước.
“Những vấn đề này đã được thỏa thuận với Belarus và Tổng thống Belarus, bao gồm cả các trường hợp đối phương sử dụng vũ khí thông thường nhưng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền của chúng ta", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Các thay đổi trong học thuyết hạt nhân lần này được đưa ra trong bối cảnh các mối đe dọa từ NATO ngày càng tăng. Nga lo ngại về việc các quốc gia phương Tây leo thang căng thẳng, đồng thời cho rằng họ cần phải rõ ràng và cứng rắn hơn về khả năng đáp trả của mình. Những thay đổi này được đưa ra sau khi Kiev kêu gọi các đồng minh gỡ bỏ mọi giới hạn trong việc sử dụng vũ khí tấn công Nga.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga sẽ có hiệu lực.