+Aa-
    Zalo

    Tổng thống Ebrahim Raisi: Người mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông

    (ĐS&PL) - Tổng thống Iran Ebrahim Raisi được xem là nhân vật đại diện cho xu hướng cứng rắn trong nền chính trị Iran, đảm nhiệm cương vị tổng thống trong gần 3 năm.

    Chính phủ Iran xác nhận hôm 20/5, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng, sau khi lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường và thông báo không có bất cứ ai sống sót.

    "Người ủng hộ những người bị áp bức trên thế giới, người đầy tớ của nhân dân Iran, tiến sĩ Ayatollah Seyed Ebrahim Raisi, Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, đã tử vì đạo trên con đường phục vụ nhân dân", tuyên bố chính thức của chính phủ Iran cho biết.

    Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AP

    Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AP

    Sự cố với ông Raisi đánh dấu vụ tai nạn nghiêm trọng nhất với một nhà lãnh đạo Iran kể từ sau Cách mạng Hồi giáo Iran (1979).

    Tổng thống Raisi sinh năm 1960 trong một gia đình sùng đạo ở thành phố Mashhad, thánh địa của người Hồi giáo Shiite ở Iran. Khi còn là sinh viên, ông Raisi tham gia các cuộc biểu tình trong cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ tinh thần Ayatollah Khomeini.

    Sau Cách mạng Hồi giáo, ông Raisi tiếp tục học tập, nghiên cứu tại Đại học Shahid Motahari ở Tehran và nhận bằng tiến sĩ về luật học và luật Hồi giáo. Raisi gia nhập ngành tư pháp, trở thành phó công tố viên trưởng Tehran từ năm 25 tuổi.

    Những năm tiếp theo, ông Raisi tiếp tục làm việc trong lĩnh vực tư pháp, trở thành trưởng công tố viên Tehran rồi lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Nhà nước của Iran.

    Năm 2006, ông Raisi được bầu vào Hội đồng Thông thái, cơ quan bầu ra lãnh tụ tinh thần tối cao. Các thành viên Hội đồng Thông thái phải được Hội đồng Giám hộ đầy quyền lực của Iran phê chuẩn.

    Ông Ebrahim Raisi làm Bộ trưởng Tư pháp Iran vào năm 2014 và đảm nhiệm cương vị này trong 2 năm, sau đó đã lần đầu tranh cử tổng thống vào năm 2017 nhưng không thành công. Ở thời điểm đó, Tổng thống Hassan Rouhani, người đại diện cho các phe trung dung và ôn hòa, đã tái đắc cử.

    Thay vào đó, ông Ebrahim Raisi trong giai đoạn này đã tạo ấn tượng tốt đẹp với tư cách là người đứng đầu của hệ thống tư pháp Iran. Ông nổi tiếng là người bảo vệ công lý và chiến đấu chống tham nhũng đến cùng.

    Theo Reuters, ông Raisi trở thành Tổng thống Iran vào năm 2021 sau một cuộc bầu cử. Ông là học trò và là nhân vật thận cận với Giáo chủ Ali Khamenei - lãnh tụ tối cao của Iran. Ông Raisi từng tuyên bố nhận bằng tiến sĩ luật tại Đại học Motahari.

    Ông Raisi được coi là người có khuynh hướng bảo thủ và cứng rắn. Sau khi lên nắm quyền, ông đã ra lệnh siết chặt các quy định của luật Hồi giáo, chủ trương dập tắt các cuộc biểu tình chống chính phủ và duy trì lập trường cứng rắn trong vấn đề đàm phán hạt nhân với các cường quốc.

    Tổng thống Raisi cũng được đánh giá là có vai trò then chốt trong việc dẫn dắt Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây; đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa của Iran tại Trung Đông, khi vị thế của Tehran được thể hiện trong nhiều vấn đề khu vực.

    Ông Raisi đi bỏ phiếu bầu Tổng thống Iran năm 2017. Ảnh: GettyImages

    Ông Raisi đi bỏ phiếu bầu Tổng thống Iran năm 2017. Ảnh: GettyImages

    Ông Ebrahim Raisi tạo dựng nhiều dấu ấn quốc tế với quan điểm cứng rắn trước Mỹ và đồng minh trong khu vực là Israel. Ông giữ quan điểm ủng hộ Palestine và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp vào cuộc xung đột tại Dải Gaza. Tuy nhiên, cũng vì những quan điểm này mà ông thường xuyên bị truyền thông phương Tây chỉ trích.

    Tổng thống Ebrahim Raisi cũng tuyên bố sẽ trả đũa Israel sau khi nước này san bằng tòa nhà lãnh sự quán của Tehran ở Syria mới đây, khiến 7 thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) thiệt mạng.

    Uy tín của ông Raisi trong các nền tảng tôn giáo rất mạnh mẽ, với mối quan hệ vững chắc với Lãnh tụ quá cố Khomeini cũng như lãnh tụ hiện tại Khamenei, người đã bổ nhiệm ông vào một số chức vụ cấp cao.

    Ông Raisi cũng đã nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nhánh của chính phủ, quân đội và lập pháp cũng như giai cấp thống trị thần quyền đầy quyền lực.

    Tuy nhiên, ông đã phải lãnh đạo Iran trong thời điểm công chúng đang bất bình với mức sống ngày càng sa sút, một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây và với các chính sách bị chỉ trích là ưu tiên quốc phòng hơn các vấn đề trong nước.

    Gần đây, ông đã lãnh đạo Iran vượt qua bế tắc với Israel khi hai nước lâm vào cuộc khủng hoảng tấn công trả đũa liên quan đến cuộc không kích nhằm vào khu vực lãnh sự trong khuôn viên đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria.

    Iran vốn thẳng thắn lên án các cuộc tấn công của Israel nhằm vào dân thường Palestine ở Dải Gaza, và các đồng minh phương Tây của nước này. Đầu tháng 4, tòa nhà lãnh sự bên trong đại sứ quán Iran ở Damascus đã bị tấn công trong một cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có một tướng chỉ huy cấp cao.

    Trong gần hai tuần sau đó, mọi phát ngôn của Tổng thống Raisi đều là chủ đề được theo dõi chặt chẽ khi thế giới chờ đợi phản ứng của Tehran.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tong-thong-ebrahim-raisi-nguoi-mo-rong-tam-anh-huong-cua-iran-tai-trung-ong-a425125.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan