(ĐSPL) – "Để xảy ra sự cố như thế này, chúng tôi rất đau xót. Chúng tôi xin lỗi nhân dân vì đã không làm tròn trách nhiệm được giao phó, làm tròn trách nhiệm phục vụ nhân dân", Tổng giám đốc Vinaconex nói về sự cố vỡ đường ống nước nước sông Đà lần thứ 9.
Chiều 15/7, trong cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Vũ Quý Hà – Tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex đã chính thức lên tiếng phân trần về nguyên nhân xảy ra sự cố, đồng thời có lời xin lỗi gửi đến nhân dân Thủ đô khi để sự cố vỡ đường ống nước liên tiếp xảy ra làm gián đoạn cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex Vũ Quý Hà. |
Lãnh đạo Tổng công ty Vinaconex cho biết, do nhận thức được hệ thống truyền tải nước Sông Đà là hệ thống độc đạo, dài nhất Việt Nam tại thời điểm đầu tư nên khó có thể tránh khỏi các vấn đề rủi ro trong quá trình vận hành khai thác sử dụng.
Vì vậy, ngay trong thời gian thi công tuyến ống giai đoạn I, Tổng công ty đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép thi công lắp đặt thêm tuyến ống cấp nước giai đoạn II dọc đường cao tốc Láng – Hòa Lạc thuộc dự án cấp nước mặt Sông Đà ngay trong thời gian thi công giai đoạn I nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trong thời gian vận hành cấp nước khi tuyến ống giai đoạn I cần duy tu sửa chữa định kỳ hoặc sự cố xảy ra; hơn nữa, thi công đồng thời tuyến ống cấp nước giai đoạn II với quá trình thi công đường cao tốc Láng – Hòa Lạc sẽ giảm tổng mức đầu tư của dự án vì không phải bỏ chi phí đào xúc khi tuyến đường đã hoàn thành. Do không có khả năng thu xếp được nguồn tài chính cho dự án nên chủ trương lắp đặt tuyến ống cho giai đoạn II tại thời điểm đó đã không được thực hiện.
Clip Tổng GĐ Tổng Công ty Vinaconex: 'Chúng tôi xin lỗi nhân dân'.
Tiếp theo, đến năm 2009 khi dự án giai đoạn I đã hoàn thành đi vào vận hành cấp nước cho TP. Hà Nội, Tổng công ty lại tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin đầu tư tiếp hệ thống cấp nước giai đoạn II với nhiều thuận lợi do tuyến kênh dẫn nước thô cho Nhà máy xử lý nước đã đủ đáp ứng, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho xây dựng các trạm bơm, khu bể chứa, xử lý cho tuyến ống đi qua từ Nhà máy tới ngã ba Hòa Lạc đã xong từ khi thực hiện giai đoạn I. Thời gian này, tuyến đường cao tốc Láng – Hòa Lạc vẫn đang thi công, nếu triển khai lắp đặt tuyến ống cho giai đoạn II sẽ tránh được việc phải đào đường khi đã hoàn thành và quan trọng hơn nữa là khi có hai tuyến ống hoạt động song song việc an ninh nguồn nước cấp sẽ được đảm bảo. Hiệu quả kinh tế và xã hội sẽ rất lớn nếu tuyến ống thứ II được xây dựng ngay các thời điểm vừa nêu.
"Tuy nhiên, vào các thời điểm nêu trên, cơ chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp để đầu tư vào lĩnh vực công ích chưa có, Tổng công ty không đủ khả năng tài chính cho đầu tư giai đoạn II” – ông Vũ Quý Hà phân trần.
Đường ống nước Sông Đà đã 9 lần gặp sự cố liên tiếp gây ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục nghìn hộ dân. |
Về vật liệu làm đường ống dẫn nước sông Đà, ông Vũ Quý Hà cho biết, ống composite cốt sợi thủy tinh được sử dụng trong Dự án là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam nên Vinaconex còn thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai. Do đó, từ khi đi vào sử dụng đến nay hệ thống đường ống truyền tải nước sạch Sông Đà đã có một số lần gặp sự cố làm gián đoạn cấp nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận nhân dân Thủ đô sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà.
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm tra và đến nay đã đưa kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống truyền tải nước Sông Đà.
“Bản thân Tổng công ty cổ phần Vinaconex nhận thức sâu sắc và tiếp thu toàn bộ nội dung Thông báo kết luận của Bộ Xây dựng đồng thời đang nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Ban lãnh đạo; nhận khuyết điểm với Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thành phố Hà Nội và nhân dân Thủ đô do đã để các sự cố vỡ ống dẫn nước đáng tiếc xảy ra” – lãnh đạo Tổng công ty Vinaconex khẳng định.
Tổng công ty cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan đến xây dựng công trình đoạn tuyến ống dẫn nước Sông Đà để xảy ra sự cố bao gồm: Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, Nhà thầu giám sát thi công xây dựng, đơn vị tổng thầu thiết kế và ban quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư) nghiêm túc kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định.
Như báo Đời sống và Pháp luật đã phản ánh, 4h sáng 12/7, đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội lại tiếp tục bị vỡ tại Km15 trên Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội. Đây là lần thứ 9 đường ống nước Sông Đà gặp sự cố (kể từ tháng 12/2012 đến nay), gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Thủ đô Hà Nội.
Sự cố gần nhất xảy ra chỉ cách đó 2 ngày, vào ngày 10/7, tại vị trí km 25 gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất. Đến 4h sáng 11/7, người dân mới được cấp trở lại, thì chỉ chưa đầy 1 ngày sau, đường ống lại tiếp tục bị vỡ gây mất nước tại nhiều quận nội thành.