(ĐSPL) – Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà “tay đã nhúng chàm” thì không thể chống được tham nhũng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ngày 16/1, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành kiểm sát năm 2015.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong những năm vừa qua, ngành KSND đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; xử lý nghiêm minh người phạm tội, củng cố niềm tin của nhân dân về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tập thể lãnh đạo, cán bộ của ngành Kiểm sát (Ảnh Công an nhân dân). |
Đặc biệt, Cơ quan Điều tra của Viện KSND tối cao đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, có tác dụng siết chặt kỷ cương, kỷ luật, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng Bí Thư, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song tham nhũng vẫn đang là thách thức, là vấn đề bức xúc của xã hội; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Do vậy, Tổng Bí thư yêu cầu Viện Kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan có liên quan để chủ động trong nắm thông tin về tội phạm tham nhũng, nhất là những vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức; đẩy nhanh tiến độ xử lý cá vụ án tham nhũng, mở rộng điều tra cả hành vi và đối tượng tham nhũng.
Để chống tham nhũng hiệu quả, Tổng Bí thư cho rằng, trước hết, nội bộ của ngành phải thực sự trong sạch, vững mạnh. Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo viện kiểm sát các cấp phải thường xuyên chăm lo, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; trình độ các mặt, nhất là nắm vững luật pháp; duy trì kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh trong đội ngũ cán bộ của ngành, đặc biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý án tham nhũng.
Cán bộ, kiểm sát viên làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà “tay đã nhúng chàm” thì không thể chống được tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư nói, thông qua mỗi vụ án cụ thể, cần phải làm rõ trách nhiệm trong quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa khắc phục hữu hiệu.