Cuộc sống nhiều màu sắc, người Việt cũng vì thế mà tỏa đi bốn phương để tìm kiếm “chân trời” của riêng mình. Và Tết là thời điểm báo hiệu lúc trở về. Nhưng rồi cũng có những người vì lý do này lý do khác phải lựa chọn đón Tết xa quê hương. Tết bấy giờ lại trở thành niềm khắc khoải, trầm ngâm giữa biết bao nhiêu lo toan mưu sinh cuộc sống, trở thành tiếng gọi cố hương neo giữ tâm hồn của những người viễn xứ.
Tết là nguồn cội
Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu chia sẻ: “Là người Việt xa quê hương, mỗi khi “Tết đến, xuân về” cảm xúc của tôi khá đặc biệt. Không biết bao nhiêu ký ức về đón xuân, về đoàn tụ gia đình, về gặp gỡ bạn bè … lại dâng trào trong tôi. Tôi rất mong muốn được hòa mình vào không khí đón Xuân cùng gia tộc, quê hương, đất nước trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vì điều kiện công việc, năm nay tôi sẽ đón Tết tại Cộng hòa Séc với gia đình và cộng đồng người Việt ở đây.
Tại Cộng hòa Séc có gần 100.000 người Việt và gốc Việt. Theo thông lệ hằng năm, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và các Hội thành viên đều sẽ tổ chức gặp gỡ, giao lưu vào dịp năm mới Dương lịch hoặc Tết Nguyên đán. Ngoài việc tổ chức đón chào năm mới cho cộng đồng người Việt, đây cũng là dịp để làm tốt công tác đối ngoại với chính quyền và nhân dân nước sở tại. Một phần không thể thiếu được trong các chương trình này là giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt và ẩm thực Việt.
Tết năm nay tại Thủ đô Praha, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cùng Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc sẽ phối hợp với Trung tâm thương mại Sapa tổ chức Tết Giáp Thìn cho cộng đồng người Việt và người dân bản địa tham dự.
Mặc dù đã 35 năm định cư ở nước ngoài nhưng với tôi quê hương, đất nước, phong tục, tập quán; gia tộc, nguồn cội vẫn luôn là một phần đặc biệt trong trái tim và tâm thức. Tôi luôn mong muốn được đóng góp phần mình cho sự phát triển ổn định và nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt Nam cũng như cho việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với cộng hòa Séc và với các nước châu Âu”.
Ông Nguyễn Huy Tuấn - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Mông Cổ nói: "Đã 38 năm sống xa quê hương, mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc, nỗi nhớ gia đình, nhớ sự quây quần với bố mẹ, anh chị em ruột thịt lại ùa về trong tôi da diết. Mông Cổ cũng ăn Tết truyền thống gần với dịp tết cổ truyền Việt Nam, mang đậm nét văn hoá đặc trưng của xứ sở thảo nguyên, cho một cảm giác tươi mới nhưng không thể khoả lấp được nỗi nhớ về cái Tết quê hương. Tôi nhớ về gánh nón lá của mẹ đi chợ, sự vất vả nhọc nhằn của bố lo cái Tết cho chị em tôi, nhớ nồi bánh chưng mà ở đó bốn chị em tôi quay quần đến đỏ hồng cả má vì nẻ, nhớ bữa cơm tất niên nghèo của gia đình công nhân thời ấy...
Trước đây do khó khăn, tôi không có điều kiện về thường xuyên đón Tết cùng gia đình. Mỗi lần được về Việt Nam lại là một dịp vui đặc biệt, lòng như được sống lại với cái Tết tuổi thơ bên gia đình. Cũng như nhiều năm gần đây, Tết năm nay tôi sẽ cùng vợ con về Việt Nam ăn tết cùng bố mẹ và các chị, em. Trước khi về Việt Nam đón Tết, cũng như các năm trước, tôi sẽ chuyển sang Mông Cổ ít gạo nếp mới, lá dong, lạt giang và một số nhu yếu phẩm để anh em người Việt trong công ty không có điều kiện về nước chuẩn bị bánh chưng, đón Tết tại Mông Cổ. Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán, cộng đồng người Việt cũng sẽ tập trung ở Đại sứ quán tổ chức buổi tất niên, chào đón năm mới trong không khí vui vẻ, ấm áp.
Cộng đồng người Việt tại Mông Cổ có số lượng không nhiều, phần lớn đều có việc làm, có thu nhập nên không khí Tết cũng vui vẻ. Chỉ nỗi nhớ quê hương là không gì có thể thay thế. Một vài người có hoàn cảnh khó khăn hơn cũng sẽ được anh chị em chia sẻ nên việc đón Tết không ai phải chịu thiệt thòi. Người Việt tại Mông Cổ nói riêng và cộng đồng người Việt sống xa quê hương đều luôn một lòng hướng về nơi cội nguồn mà mình đã sinh ra, lớn lên với tình cảm tốt đẹp nhất và mong rằng mỗi năm qua đi, đất nước ta sẽ thêm phát triển mạnh mẽ để từng bước cải thiện vị thế, sớm vươn tới vị trí của một quốc gia phát triển".
Tết thêm vui khi đất nước phát triển
Gửi lòng mình vào nỗi nhớ quê hương, TS. Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc xúc động nói: "Mười mấy năm xa quê, khi mỗi độ xuân về thì nỗi nhớ quê hương càng da diết. Tôi nhớ hương rơm rạ phơi dưới cái nắng hè chói chang; nhớ mùi nước mắm, vị dưa chua, quả cà pháo, hay nồi cá kho tộ, nhớ cảnh xum vầy khi quanh nồi bánh chưng luộc chiều 30 Tết. Tôi thèm lắm, giây phút Giao thừa bên gia đình người thân, thèm miếng bánh chưng nóng và mùi giò lụa quê nhà…Mỗi lần nghe ca khúc “Xuân xuân ơi xuân đã về” là mỗi lần tôi đặc biệt nhớ nhà, nghe mà muốn khóc.
Người Việt chúng ta, dẫu ở bất cứ quốc gia nào, đều luôn đau đáu nhớ nhà, nhớ quê trong những ngày Tết đến xuân về. Ở Trung Quốc cũng vậy, tuy khoảng cách giữa các nơi là rất xa nhưng ở đâu đó, nếu gần nhau, các anh chị em sẽ hẹn đến nhà ai đó cùng nấu bánh chưng, gói giò, làm chả nem hay nộm rau muống; cùng hẹn đưa các con đi dã ngoại để chúng giao tiếp tiếng Việt tốt hơn. Ở đâu đó gần Đại sứ quán, các Tổng lãnh sứ quán, các anh chị em mình sẽ cùng quây quần về đó và có những cái Tết cộng đồng ý nghĩa hơn.
Năm 2023 vừa qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có nhiều bước tiến quan trọng nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam và hàng loạt chuyến thăm cấp cao khác. Cộng đồng người Việt tại Trung Quốc hết sức vui mừng về những bước phát triển đó trong quan hệ hai nước và tự hào rằng trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của mình. Do vậy, đón Tết năm nay, cộng đồng người Việt tại Trung Quốc cũng có thêm niềm vui, niềm tin và tràn đầy hy vọng. Kiều bào Việt Nam tại Trung Quốc trong những năm qua luôn âm thầm yêu nước bằng những hành động thiết thực nhất. Chúng tôi yêu nước bằng việc thực hiện đề án 1797, với mong muốn trong một ngày không xa, trên những kệ hàng siêu thị ở Trung Quốc, hay trên bất cứ Quốc gia nào, chúng ta đều tự hào khi nhìn thấy những bao bì hàng hoá thương hiệu MADE IN VIETNAM được đặt khắp mọi nơi…".
Cảm xúc đặc biệt với Tết, ông Nguyễn Duy Nhiên - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc nói: "Năm nay tôi sẽ đón Tết tại Cộng hòa Séc với gia đình và cộng đồng người Việt ở đây. Tại Cộng hòa Séc có gần 100.000 người Việt và gốc Việt. Đây là một cộng đồng sống có tổ chức, đoàn kết, hoạt động tương đối tốt. Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc phát huy tốt vai trò quy tụ, thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con cộng đồng người Việt. Hiện Hội có 10 Chi hội cấp tỉnh, 40 Chi hội cấp huyện và 31 Hội thành viên trong đó có Hội Doanh nghiệp, Hội Văn hóa nghệ thuật, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Thanh niên sinh viên và các Hội đồng hương cấp tỉnh của Việt Nam. Vào các dịp lễ quan trọng của dân tộc, nhất là Trung thu và Tết Nguyên đán, Hội người Việt thường tổ chức các hoạt động để quy tụ bà con vui xuân, đón Tết. Và Tết không bao giờ thiếu những món ăn rất đặc trưng Việt Nam như bánh chưng, chả giò, xôi và nem rán. Có rất nhiều hoạt động được tổ chức trong dịp này như ca hát, ngâm thơ, thi áo dài mừng xuân… Đây cũng là dịp mọi người gặp nhau hàn huyên, làm quen và kết nối mở rộng cộng đồng để giúp đỡ lẫn nhau và cùng hướng về đất nước.
Đã là người con xa xứ, khi nhắc về Tết ai cũng có những cảm xúc đặc biệt trong lòng, vui có buồn có. Vui với những người được trở về, vì quê hương đất nước ngày càng phát triển. Buồn vì nhớ về cảm giác đón Tết trong xưa cũ, về những hoài niệm trong quá khứ, và đặc biệt buồn với những người không có điều kiện trở về nước, không còn gia đình ở Việt Nam. Trong giây phút Giao thừa thiêng liêng, những người Việt Nam xa quê như chúng tôi, nhiều người rơi nước mắt vì nhớ quê, nhớ gia đình.
Trong những năm gần đây, người Việt xa quê đón Tết ngày càng vui hơn, phần vì giao thương đi lại thuận tiện, hàng hóa đón Tết đa dạng, dễ tiếp cận, phần vì đất nước đã đổi mới thực sự, phát triển ngày càng nhanh, khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước ngày càng đoàn kết, càng có chung niềm tin và lòng tự hào đối với đất nước, dân tộc. Không ít những người xa quê, trước đây có những suy nghĩ sai lệch về đất nước thì hiện nay đã có sự thay đổi, trở nên gắn bó hơn với Tổ quốc. Quả thực, càng xa Tổ quốc, càng nghĩ về Tổ quốc nhiều hơn".
Mạnh Quốc
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 10 số từ 32-41 (6/2 đến 17/2/2024)