Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, học sinh mầm non, phổ thông thành phố sẽ được nghỉ Tết 8 ngày, từ ngày 7/2 (tức 28 tháng Chạp) đến hết ngày 14/2 (mùng 5 tháng Chạp).
Báo Hà Nội mới đưa tin, năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học và gần 2,3 triệu học sinh. Quy mô trường, lớp nhiều, số lượng học sinh đông, địa bàn rộng, lại trong bối cảnh có nhiều tác động từ đời sống xã hội, nhất là những ảnh hưởng từ mạng xã hội, khiến việc bảo đảm an toàn trường học luôn đứng trước nhiều thách thức.
Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt là ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ. Ghi nhận chung, tính đến ngày 3/2, các nhà trường đều đã có kế hoạch trực, bảo vệ dịp Tết. Hệ thống điện và các thiết bị phòng, chống cháy nổ tại các nhà trường được rà soát kỹ...
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng vừa có yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường công bố số điện thoại đường dây nóng; có bộ phận trực lãnh đạo và bảo vệ trực tại đơn vị trong suốt thời gian nghỉ Tết để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống bất thường có thể phát sinh.
Báo Sức khỏe và đời sống đưa tin, tại một số trường học trên địa bàn thành phố cho thấy, hầu hết đại diện các trường cho rằng, kỳ nghỉ Tết của học sinh Hà Nội không quá dài, vì thế các trường đã có những kế hoạch phù hợp để học sinh được nghỉ Tết trọn vẹn. Các nhà trường cũng đã có những kế hoạch phù hợp để học sinh yên tâm trước kỳ nghỉ.
Tại THCS Trường Thái Thịnh (Hà Nội), thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Tết là dịp học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Trong cả năm học, về cơ bản, các em đã thực hiện các hoạt động học tập, giáo dục và rất cần thời gian được nghỉ ngơi ấm cúng bên gia đình dịp Tết đến, xuân về. Đây cũng là dịp các em cần được trải nghiệm các hoạt động đón Tết cổ truyền.
Theo thầy Cường, trước khi học sinh nghỉ Tết, thầy cô giáo đã có những buổi trao đổi, lưu ý các em về đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm… Giáo viên cũng căn dặn các em để khi nghỉ Tết các em thực hành như chào hỏi, chúc Tết hay những việc làm tốt đầu năm... Từ đó, các em gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp.
Thầy giáo cũng chia sẻ, đối với bài tập về nhà, thay vì giao bài tập cho các em, thầy cô giao những nhiệm vụ về tìm hiểu phong tục tập quán ngày Tết, những việc làm của học trò cùng gia đình đón Tết… hay giao những nhiệm vụ gắn với học tập, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng, chẳng hạn dọn dẹp góc học tập sao cho gọn gàng, ôn tập nhẹ nhàng những kiến thức của các môn học tuần đầu tiên.
Tại Trường THCS Tân Tiến (huyện Chương Mỹ), để giúp học sinh duy trì thói quen, ý thức học tập, nhà trường định hướng cho các em sắp xếp, bố trí quỹ thời gian hợp lý. Các thầy, cô giáo đã chuẩn bị hệ thống bài tập dạng mở với thời lượng phù hợp. Riêng đối với học sinh lớp 9, giáo viên các bộ môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ giao số lượng nhất định dạng đề kiểm tra để các em vẫn được vui xuân mà vẫn kết nối được kiến thức ôn thi, đồng thời duy trì kênh kết nối trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ học sinh trong thời gian nghỉ Tết.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết: "Nhà trường quán triệt các giáo viên tuyệt đối không giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết. Chúng tôi muốn các con dành trọn vẹn thời gian nghỉ Tết cùng những người thân trong gia đình, cảm nhận được hương vị Tết ở quê nội, quê ngoại... Thời gian nghỉ Tết năm nay ngắn nên cũng không quá lo về việc các con có thể quên kiến thức, mà nếu có, thì sau thời gian nghỉ, giáo viên sẽ củng cố, hỗ trợ học sinh".
Đồng quan điểm hạn chế giao bài tập Tết, tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, thay vì giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết, nhà trường hướng đến việc giáo dục, định hướng học sinh yêu thích môn học, từ đó có ý thức tự giác học tập.
Theo bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, trước kỳ nghỉ Tết, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống như tổ chức Tết sum vầy, tìm hiểu về lịch sử Đảng, về Bác Hồ, về các phong tục truyền thống... thay cho các tiết học truyền thống. "Với bài tập về nhà, nhà trường không giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết mà hướng đến việc giáo dục, định hướng học sinh yêu thích môn học, từ đó có ý thức tự giác học tập".
Bảo An(T/h)