“Vũ khí” sắc bén đánh “giặc” Covid
Tổ Covid cộng đồng tại khu Chu Mẫu (phường Vân Dương, Tp.Bắc Ninh, Bắc Ninh) là một điểm sáng trong phong trào “chiến đấu” đánh “giặc” Covid khi nơi đây từng là tâm điểm dịch bệnh của cả nước trong đợt dịch thứ 3 vừa qua.
Đến nay, khu dân cư đã không còn ca Covid-19 nào, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bắc Ninh nói chung và Tp.Bắc Ninh nói riêng cũng đã được kiểm soát, thế nhưng “trận chiến” với đợt dịch thứ 3 vẫn như một ký ức không thể nào quên với người dân nơi đây, đặc biệt là những thành viên của tổ Covid cộng đồng.
Mô hình tổ Covid cộng đồng bắt đầu được áp dụng tại “tâm dịch” Sơn Lôi vào tháng 2/2020, sau đó đã được bộ Y tế tham mưu cho các địa phương xây dựng và triển khai đồng bộ. Đây được xem là một trong những “chìa khóa” hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân, là “cánh tay nối dài” của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Suốt mấy tháng qua, tại Bắc Ninh cũng đã và đang áp dụng hệ thống “vũ khí” độc đáo này, bước đầu gặt hái những hiệu quả không nhỏ. Các tổ Covid cộng đồng do UBND cấp xã/phường ra quyết định thành lập và hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương cùng sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Thể (SN 1986), Trưởng khu phố Chu Mẫu - phụ trách tổ Covid cộng đồng tại khu Chu Mẫu (phường Vân Dương, TP.Bắc Ninh, Bắc Ninh) cho biết: “Tổ Covid cộng đồng của chúng tôi đã được thành lập hơn một năm, từ khoảng tháng 3/2020; đến tháng 11/2020. Khi dịch tiếp tục bùng phát tại một số địa phương, chúng tôi đã kiện toàn lại và phân công công việc cụ thể hơn”.
Theo lời chị Thể, mỗi tổ Covid cộng đồng sẽ rà soát, thống kê danh sách các hộ gia đình và nhân khẩu, sau đó, phân chia các hộ gia đình cho từng thành viên phụ trách gắn với thôn, khu, xóm địa bàn đang ở. Đặc biệt, trên địa bàn hoạt động có một chút phức tạp do ở gần khu công nghiệp nên rất đông công nhân thuê trọ. Có những xóm chỉ gồm 16 hộ dân nhưng lại tương đương với khoảng hơn 500 nhân khẩu cả thường trú và tạm trú.
Nhiệm vụ chủ yếu của tổ Covid cộng đồng là hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Đồng thời, tổ có nhiệm vụ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã/phường những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình; phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã/phường phân công.
Nhắc đến những nhiệm vụ này, chị Thể cho rằng đó là một phần việc nhẹ nhàng: “Khi một số địa phương khác trở thành “tâm dịch”, hoạt động của tổ Covid cộng đồng chính thức được củng cố. Toàn bộ người dân từ ngoại tỉnh trở về trên địa bàn đều phải khai báo y tế, chúng tôi phối hợp khai báo y tế cho người dân tại hai điểm, trạm y tế và nhà văn hóa. Giai đoạn đó, chúng tôi cắt cử người trực ngày trực đêm, đến khi tình hình dịch bệnh ở các địa phương khác đã ổn định thì vẫn giữ các chốt kiểm soát, đo thân nhiệt. Mỗi khi có văn bản chỉ đạo nào của phường thì chúng tôi sẽ đi photo và phát đến từng hộ gia đình, đồng thời tuyên truyền, phổ biến trực tiếp. Sau đó, chúng tôi lại nhận nhiệm vụ phát tờ khai y tế đến từng nhà hoặc hướng dẫn chủ nhà trọ và các công nhân khai báo y tế, quét mã QR...
Đến khi bắt đầu xuất hiện những ca dương tính đầu tiên tại địa phương, chúng tôi vẫn duy trì công việc đó và phải cập nhật thường xuyên về nhân khẩu trên địa bàn, vì có những công nhân tháng này thuê ở nhà này, tháng sau lại thuê nhà khác... Tuy nhiên, với các thành viên trong tổ, đó vẫn là một việc nhẹ nhàng”.
Những chuyến xe bò chở sự đùm bọc, yêu thương
Chị Thể kể lại, thời điểm trên địa bàn bắt buộc khoanh vùng cách ly y tế, tổ Covid cộng đồng vừa “tuần tra”, phát các tờ khai xét nghiệm cho người dân, vừa đảm bảo trật tự khi lấy mẫu xét nghiệm, không có tình trạng chen lấn xô đẩy.
Song song với đó, tổ Covid cộng đồng phân công một bộ phận đi chợ thay các hộ gia đình, mua thực phẩm giúp người dân và công nhân, để đảm bảo “ai ở đâu ở yên đó”.
Mỗi ngày, những thành viên trong tổ mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo găng tay, đẩy xe bò đến từng hộ dân để phát đồ ăn hoặc những gói quà được các đội thiện nguyện hỗ trợ. Họ thường đặt đồ trước cửa rồi gọi người dân ra lấy.
Đến khi phải mở rộng cách ly ra 500 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, lượng lương thực thực phẩm phải mua tăng lên, mà bản thân những người trong tổ Covid cộng đồng lại nằm trong vùng dịch, quả là khó khăn lại chồng chất khó khăn.
“Chúng tôi phân công nhiệm vụ cứ 3 ngày đi chợ một lần giúp các hộ gia đình. Khó khăn lúc này là không thể ra chợ mua bán trực tiếp, chúng tôi liên hệ với đầu mối thực phẩm, đặt trước số lượng và nhờ họ giao đến chốt kiểm soát, nơi được chuyển đồ vào.
Sau đó, các thành viên của tổ sẽ cho thực phẩm lên xe ba gác, chở về nhà văn hóa để phân chia cho từng hộ gia đình. Công việc này thực sự không hề đơn giản, chỉ cần hình dung, có những người đi chợ giúp mà phải nhờ chuyển đến 2 chuyến xe ba gác mới hết đồ là đủ thấy vất vả đến mức nào”, chị Thể nhớ lại.
Được cống hiến là một hạnh phúc!
Chị Thể không giấu nổi xúc động, chia sẻ thêm rằng, toàn bộ thành viên của tổ Covid cộng đồng hiện đang hoạt động bằng chính lòng nhiệt tình và cái tâm của mình.
Tuy nhiều vất vả và điều kiện thiếu thốn, nhưng cuối cùng, ai cũng nhiệt tình với nhiệm vụ. Mọi người tự động viên lẫn nhau rằng, vì một cuộc sống “bình thường mới” mà cùng nhau cố gắng.
Có những thành viên của tổ Covid cộng đồng cảm thấy rất mệt mỏi sau mỗi buổi đi chợ hộ, nhưng đó chỉ là những mệt mỏi của thể xác, còn tinh thần ai cũng giữ nguyên lòng nhiệt tình, tận tâm vì cộng đồng. Thế nên, họ lại tiếp tục “đẩy xe bò đi chợ hộ” vào những hôm sau, hôm sau nữa...
Cho đến tận bây giờ, khi khu phố không còn bị phong tỏa, không cần đi chợ hộ mỗi ngày, cả tổ Covid cộng đồng của phường vẫn giữ nguyên "phong độ” duy trì hoạt động thường xuyên với những nhiệm vụ “bình thường mới” như: Cập nhật và nắm thông tin những người đi đến từ vùng dịch để hướng dẫn họ khai báo y tế và có biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp, hiệu quả, an toàn.
“Dịch như thế này, nếu nhìn nhận một cách tích cực, cũng là một dịp để thể hiện sự gắn kết, người dân trên địa bàn có thời gian hiểu nhau hơn.
Mặc dù vẫn còn một số người không chịu thấu hiểu, nhưng điều quan trọng là bản thân đã được cống hiến cho cộng đồng, được đóng góp cho cuộc chiến chung với dịch Covid-19, nên ai cũng cảm thấy rất vui vẻ”, chị Thể nhấn mạnh, đó là động lực để các thành viên “xắn tay” vào các nhiệm vụ mỗi ngày.
Đất nước vẫn đang trong những ngày căng thẳng vì dịch bệnh, nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thậm chí có những địa phương sẽ còn phải giãn cách thêm một thời gian nữa...
Phục vụ những buổi test Covid trong khu vực, chị Thể cùng các cộng sự đi phát phiếu test, đôn đốc người dân, công nhân thuê trọ, nhắc nhở và hướng dẫn mọi người đảm bảo khoảng cách và ổn định trật tự.
Nhưng chắc chắn với sự vào cuộc rốt ráo của cả hệ thống chính trị, các quyết sách đúng đắn, kịp thời cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của từng người dân, ngày chiến thắng đại dịch sẽ không còn xa nữa.
Và cũng chắc chắn một điều rằng, để đến được với chiến thắng đó, không thể không cần đến sức mạnh của những tổ Covid cộng đồng như ở Sơn Lôi, Chu Mẫu...
Luôn sẵn sàng "trực chiến" cả ngày lẫn đêm
Ông Hà Văn Trọng (Chủ tịch UBND phường Vân Dương, Tp.Bắc Ninh) cho biết: “Không chỉ riêng tổ Covid cộng đồng khu phố Chu Mẫu mà các tổ Covid cộng đồng khác trên địa bàn phường đều hoạt động rất tâm huyết, hiệu quả. Khi địa phương vừa phát động phong trào, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tích cực, các thành viên trong tổ đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện, huy động cả người cả xe đi “trực chiến” cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi cũng thường xuyên trò chuyện, động viên kịp thời để các thành viên trong tổ Covid cộng đồng luôn sẵn sàng tinh thần, trách nhiệm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
Tuệ Linh