Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ nay đến năm 2024 có gần 750.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn.
Chỉ tính riêng năm 2022, giá trị trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng (43,2% là TPDN bất động sản). Sang đến năm 2023 và năm 2024, giá trị trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ trọng đầu tư TPDN trong tổng dư nợ tín dụng hiện nay dao động 2,3-3%. Tổng số dư đầu tư TPDN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7/2022 ở mức 134.000 tỷ đồng (chiếm 49,5% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống).
Sau khi Thông tư 16/2021/TT-NHNN với những quy định chặt chẽ ra đời, tỷ lệ đầu tư TPDN của TCTD giảm mạnh trong quý II/2022.
Thông tư 16 tiếp tục quy định TCTD không được mua TPDN phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp; đồng thời, bổ sung quy định chặt chẽ hơn nhằm góp phần kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư (TPDN của TCTD), đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng như: TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Ngoài ra, TCTD không được mua TPDN phát hành với mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, không được bán TPDN cho công ty con của chính mình.
Các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường TPDN đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2022 vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành TPDN để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó.
Điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con/liên kết để phát triển.
Bạch Hiền (t/h)