Nhiều người đặt dấu hỏi về lòng trung thực của 2 vị lãnh đạo sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và Hà Giang sau bê bối gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại 2 địa phương này.
Báo Người Đưa Tin xin gửi đến độc giả bài viết của thầy giáo về hưu Trần Phương Nam sau những tiêu cực trong điểm thi tại Hà Giang và Sơn La:
Các sở GD&ĐT tự rà soát kết quả thi liệu có đủ năng lực?
11h45p ngày 23/7/2018, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT trong buổi họp báo công bố về sai phạm chấm thi ở Sơn La đã nhấn mạnh: "Tính chất vụ việc của Hà Giang và Sơn La là không đơn giản, vi phạm nghiêm trọng, đến nay chưa kết thúc điều tra làm rõ, vẫn đang tiếp tục".
Với Hà Giang và Sơn La, đoàn công tác của bộ GD&ĐT có sự phối hợp của cán bộ công an, tuy có kết luận ban đầu nhưng vẫn còn tiếp tục làm rõ các tình tiết. Riêng các bài thi trắc nghiệm có điểm bất thường ở Sơn La thì cho tới thời điểm này, bộ GD&ĐT vẫn đang tạm thời chấp nhận để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học để tiếp tục điều tra. Thực tế, cách thay đổi điểm thi trắc nghiệm ở Sơn La có những chi tiết khác với Hà Giang.
Như vậy khi các sở GD&ĐT khác tự rà soát thì bộ GD&ĐT cần chỉ đạo cụ thể và hỗ trợ về mặt năng lực điều tra mới hy vọng đưa lại công bằng, còn nếu không hỗ trợ cụ thể sẽ khó đi tới việc phát hiện tiêu cực, khi tiêu cực tinh vi hơn.
Tính trung thực của lãnh đạo Sở GD&ĐT
Với Hà Giang, tuy Giám đốc sở GD&ĐT Vũ Văn Sử đã biết vi phạm của ông Vũ Trọng Lương từ ngày 7/7/2018 và đã báo cáo cấp trên nhưng trong tất cả phát biểu về kỳ thi tại Hà Giang, ông Vũ Văn Sử luôn khẳnh định tính nghiêm túc trong mọi khâu (!).
Với Sơn La, ngày 19/7/2018, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc sở GD&ĐT đã chia sẻ với nhiều báo chí: "Mấy ngày vừa qua, Sở đã chỉ đạo lực lượng cán bộ rà soát lại toàn bộ các quy trình. Về kết quả điểm thi cao nổi bật so với các năm trước là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô, các em học sinh và ngành giáo dục tỉnh nhà. Để đạt được kết quả như trên, bản thân tôi cũng rất vui mừng". Cũng ngày đó, ông khẳng định: "Toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào. Đến thời điểm này, qua báo cáo của các điểm thi, các tổ chấm cho thấy không có sự bất thường".
Vậy với các Giám đốc sở GD&ĐT còn lại, liệu có trung thực và dũng cảm làm rõ sự thật ở tỉnh thành mình hay không? Khi vụ việc Hà Giang có kết luận ban đầu thì liệu có xảy ra việc "rà soát" lỗ hổng ở các tỉnh thành khác để giấu đi sai phạm hay không? Kinh nghiệm trong điều tra: Càng chậm thì "hiện trường" càng được "nguỵ trang" tốt hơn.
Bài làm và điểm thi phù hợp liệu có phải là không có tiêu cực?
Ai đã từng quan tâm tới các kỳ thi trong giáo dục thì đều biết những biện pháp tiêu cực tác động vào trực tiếp bài thi của học sinh sẽ là con đường tuy khó nhưng khi đã thực hiện được thì lại là cách tiêu cực an toàn nhất, rất khó điều tra. Để thực hiện gian dối về cách này, người ta tìm cách "săn đón" thông tin đề thi, "móc ngoặc" với giám thị, thậm chí lãnh đạo các điểm coi thi, tổ chức lấy đề thi sớm và giải bài để đưa vào phòng thi. Tôi đã từng đi coi thi đại học ở thập niên 80 và chứng kiến tất cả các sự việc này.
Chỉ có điều với đề thi năm nay thì những người giải bài thi trắc nghiệm các môn Toán, tiếng Anh, Tổ hợp KHTN cũng khó mà giúp thí sinh đạt được điểm giỏi, thậm chí người giải chưa giỏi thì cũng khó giúp được điểm khá. Bởi vậy điểm thi của thí sinh không vào loại khá giỏi cũng chưa hẳn không có tiêu cực.
Những "kẽ hở" của kỳ thi đã có nhiều bài phân tích trên các báo nên xin không nhắc lại.
Bài viết này không gây tâm lý hoang mang cho xã hội mà chỉ phân tích để Bộ trưởng có giải pháp để lấy lại lòng tin cho kỳ thi THPT Quốc gia này!
Trần Phương Nam (nhà giáo đã nghỉ hưu)
Theo Người Đưa Tin