(ĐSPL) - Nếu đưa ra con số khủng về mức tiêu thụ bia đứng thứ 5 châu Á của Việt Nam, thì cũng phải kể đến số liệu thống kê đáng giật mình về những tác hại rượu bia đem lại với 36\% nam giới tử nạn liên quan đến sản phẩm này.
Tiền mất - tật mang, nói thì dễ, nhưng để hạn chế nó thì lại là câu chuyện “cha chung chẳng ai khóc”. Kết cục, người tiêu dùng, cụ thể là những kẻ “nghiền bia” đang tự đùa giỡn với tính mạng mình ngay trên bàn nhậu, nhất là khi mặt hàng bia đang bị thả nổi về chất lượng...
Cảnh báo sự “vô cảm” với bia rượu giả
Theo số liệu từ cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), mỗi năm cả nước có hàng chục vụ ngộ độc do rượu, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, hội hè, Tết. Chỉ tính riêng tháng giáp Tết Nguyên đán 2015, trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận số bệnh nhân ngộ độc rượu tăng 30\% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tình trạng lạm dụng rượu bia quá mức của người dân, trong đó không ngoại trừ nguyên nhân xuất phát từ chất lượng rượu bia có vấn đề.
Tính mạng người tiêu dùng đang bị đe dọa chính trên bàn nhậu vì những chai bia giả. |
Điều này khiến PV bản báo nhớ lại trường hợp của anh Nguyễn Văn Cảnh (Ba Đình, Hà Nội) đã ngỡ ngàng khi hàng loạt chai bia Heineken bị mốc trắng, sủi bọt được khui ngay trên bàn nhậu nhà mình. Sự vụ diễn ra hồi giữa năm ngoái khi anh Cảnh ra một siêu thị gần nhà mua một thùng bia Heineken (loại 24 chai) về để tiếp khách.
Tuy nhiên khi mở ra uống đến chai thứ tư thì anh Cảnh phát hiện xung quanh cổ chai bia Heineken bị mốc trắng. Sau khi nhận được phản ánh, đại diện hãng bia Heineken tức tốc tìm đến nhằm làm rõ nguyên nhân thì phát hiện loại bia mốc trắng sủi bọt xung quanh nắp chai không phải do Heineken Việt Nam sản xuất. Sở dĩ như vậy vì hiện nay Heineken Việt Nam không sản xuất loại bia chai nhỏ 250ml đóng trong hộp giấy, mà loại bia chai của Heineken sản xuất tại Việt Nam có dung tích 330ml, đóng chủ yếu trong két nhựa.
Thông tin từ hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, trong 3 năm trở lại đây đã có nhiều vụ việc liên quan đến người tiêu dùng khiếu nại đối với sản phẩm bia rượu. Điển hình, hồi cuối năm 2011 có hai vụ nổi cộm liên quan đến sản phẩm bia, đầu tiên là một khách hàng ở Hà Nội khiếu nại trong chai bia Hà Nội có vỏ kẹo. Tiếp đó, một khách hàng khác ở Quảng Ngãi cũng phản ánh lon bia 333 Sài Gòn không đủ dung tích, chỉ bằng 1/2 so với bình thường. Trong năm 2012 và năm 2013, sản phẩm bia cũng liên tiếp khiến người tiêu dùng bức xúc. Đơn cử hồi giữa năm 2012, khách hàng có địa chỉ tại Hà Nội tức tốc khiếu nại 3 chai bia Hà Nội bị đong thiếu.
Cũng theo nguồn tin từ hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, trên đây chỉ là những khiếu nại về chất lượng có vấn đề của những chai bia còn nguyên đai, nguyên kiện mà mắt thường nhìn thấy, còn những sản phẩm chất lượng có vấn đề chỉ khi uống mới phát hiện thì rất nhiều, nhưng đáng tiếc, lúc đó chẳng còn gì để khiếu nại khi bia đã trôi xuống bụng, hoặc lỡ có ngộ độc cũng chẳng thể kêu ai vì lấy đâu... bằng chứng! “Người tiêu dùng chỉ còn biết ngậm bò hòn tự nhủ sẽ không xài loại bia này nữa. Bởi khó ai có thể phân biệt được đâu là bia thật, đâu là bia giả với kỹ nghệ “chế” tinh vi như hiện nay”, đại diện hội Bảo vệ người tiêu dùng phân tích.
Kỹ nghệ “độ” bia vô tiền khoáng hậu
Để thực hiện loạt bài này, cánh PV bản báo phải cất công tìm hiểu, thậm chí là thâm nhập vào một số cơ sở sản xuất bia chui, bia lậu để tìm cho được công thức cũng như kỹ nghệ “độ” bia được đánh giá là “siêu phẩm giả” không một tì vết. Trên thực tế, ít ai để ý, kỹ nghệ “độ” bia giả hiện nay đã đạt đến mức độ tinh vi mà mắt thường khó có bợm nhậu nào tìm được “sạn”.
Theo đó, để khai sinh ra một “lò bia giả”, không cần phải có nhà xưởng quy mô, kiên cố, chỉ đơn giản gói gọn trong một khuôn viên từ 50 – 80m2 hết sức tạm bợ. Mọi hoạt động cho công đoạn sản xuất sẽ được tập trung vào khoảng thời gian từ 20h hôm trước cho đến 5h sáng hôm sau để kịp cho những chuyến xe luân chuyển bia giả đi tiêu thụ vào sáng sớm.
Quy trình ra đời của một chai bia Heineken hoặc Tiger “thượng thặng” được thực hiện như sau: Đầu tiên sẽ bao gồm nguyên liệu của ba loại bia Heineken, Tiger và Sài Gòn, để chế độ lạnh từ 6 – 7 tiếng đồng hồ (nhằm lúc pha ga không nổi lên tràn ra ngoài).
Sau đó, công nhân dùng tay không lấy 1 chai bia Heineken hoặc Tiger và 1 vỏ chai bia cùng loại (loại 330ml) sang chiết làm đôi, rồi chuyền cho người của khâu kế tiếp rót bia Sài Gòn vào 2 chai bia này. Khi công đoạn pha trộn hoàn tất, sẽ có người đảm đương gắn nắp vào chai bia Heineken hoặc Tiger đã được pha trộn, chuyển cho khâu cuối cùng đưa lên máy dập đóng nắp chai, rồi bỏ vào thùng bia. Thành phẩm bia giả này sẽ được đưa đi làm khô trước khi đến tay khách hàng.
Một công nhân có thâm niên trong ngành làm giả bia bật mí, mức đầu tư cho dây chuyền làm bia giả tốn kém nhất là hệ thống dập đóng nắp chai. Bởi theo người này, bia giả có thể tồn tại và qua mắt được người tiêu dùng chính là sự “hoàn mỹ” của chiếc nắp. Vì thế, các ông chủ bia giả thường không tiếc khi móc hầu bao trang bị tốt nhất cho thiết bị này.
“Có thời điểm giáp Tết, mặt hàng bia có nhu cầu tiêu thụ cao, các ông chủ cơ sở sản xuất bia giả còn nhập những loại bia không nhãn mác để pha chế theo công thức “50 – 50” rồi đưa ra thị trường. Trung bình mỗi ngày cũng có cả trăm két bia giả tung ra thị trường”, người công nhân này thổ lộ.
[mecloud]mDUEPUeh5x[/mecloud]
Rõ ràng, bia giả dư đất sống khi một thống kê từ các cơ quan hữu quan cho thấy, nếu như 10 năm trước Việt Nam chỉ tiêu thụ 1,29 tỉ lít bia/năm thì chỉ sau một thập niên, con số này đã tăng hơn 230\%, một tốc độ chóng mặt! Chính sự tăng trưởng đáng nể này đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư cả thật và giả tham gia vào thị trường béo bở này, bất chấp kinh tế suy thoái. Ước tính hiện nay nước ta có khoảng 30 thương hiệu bia với hơn 400 nhà máy sản xuất.
Riêng về nhập khẩu, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, chúng ta đang nhập khẩu từ 3,6 - 4 triệu lít/năm. Tuy nhiên đó chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế chắc chắn sẽ không dừng lại ở những con số này bởi hàng năm đều có một lượng lớn bia rượu nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Tất yếu, sẽ có một lượng lớn người xài phải bia rượu giả mà chẳng thể kêu ai.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi người tiêu dùng vấp phải những sản phẩm có lỗi của nhà sản xuất, có thể là mặt hàng bia, lẽ ra chẳng cần chờ đến những cuộc họp sáu bên, mười bên, các công chức Nhà nước, nếu thực sự có trách nhiệm, thực sự vì dân thì khi xảy ra vụ việc như vậy trên địa bàn, trong lĩnh vực quản lý của mình, phải tiến hành những giải pháp kiểm tra, giám sát. Từ đó đưa ra những kết luận thỏa đáng, giúp người tiêu dùng yên tâm, đồng thời "gỡ oan" cho nhà sản xuất, nếu họ thực sự bị “tố” oan.
Tuy nhiên, về lâu dài, một trong những giải pháp quan trọng là người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình, nhưng muốn làm được điều đó họ cần có một “quy chuẩn” để phân biệt sản phẩm thật – giả. Đó có thể là một biện pháp quản lý từ cơ quan Nhà nước, nhưng trước mắt, việc dán tem trên chai bia xem ra là hữu hiệu và hợp lý nhất.
Chấp nhận bỏ thêm tiền để chọn được hàng có chất lượng “Việc dán tem trên chai bia sẽ không mất quá nhiều chi phí, nó không chỉ đảm bảo chất lượng cho sản phẩm mà còn là công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ uy tín, chất lượng cho những nhà sản xuất chân chính. Nếu như các doanh nghiệp không chia sẻ chi phí dán tem này, họ có thể cộng vào giá thành của một chai bia, tôi tin người tiêu dùng sẽ chấp nhận. Bởi chi phí cộng thêm cho một sản phẩm sẽ không lớn, thứ nữa quan trọng hơn là người tiêu dùng sẽ được bảo vệ và được sử dụng những sản phẩm chất lượng thực sự. Bỏ thêm một khoản tiền nhỏ để có sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe là điều không ai nỡ chối bỏ”. (Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng) |
TRẦN QUYẾT – VĂN CHƯƠNG